Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh "tiếp sức" cho người nghèo

09:12, 24/12/2010

Cách đây 3 năm, gia đình chị Nguyễn Thị Nhường ở xóm 11 xã Nam Tiến (Nam Trực) rất khó khăn. Nhà có 3 con trai thì 2 con đầu đang học đại học ở Hà Nội, người con út học năm cuối cấp 3. Kinh tế cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng, nên mỗi lần con gọi điện về xin tiền ăn, trọ hay đến tháng đóng học phí, chị Nhường lại phải chạy vạy khắp nơi, có khi phải vay lãi cao để gửi cho con. Nhưng từ mấy năm trở lại đây, gia đình chị được Hội Nông dân xã Nam Tiến, trực tiếp là tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) của thôn kết nạp và bình xét cho vay vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Nam Trực, kinh tế gia đình chị đỡ chật vật hơn. Giờ 2 con lớn của chị đã tốt nghiệp và đi làm, giúp cha mẹ nuôi em ăn học và trả  33 triệu tiền vay ngân hàng. Khác với gia đình chị Nhường, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện, gia đình anh Đỗ Trọng Phấn, ở thôn Đồng Quỹ, xã Nam Tiến đầu tư chuyển đổi hơn 3.000m2 ruộng kém hiệu quả sang đào ao thả cá, chăn nuôi lợn gà và trồng cây cảnh. Hiện nay, trong vườn nhà anh có vài trăm cây các loại như tùng la hán, xanh, lộc vừng, trong chuồng có 3 - 4 con lợn nái, 40 - 50 con lợn thịt, vài trăm con vịt đẻ rồi gà chọi, gà lai. Từ mô hình kinh tế này, đã giúp gia đình anh Phấn thoát khỏi cảnh nghèo. Câu chuyện vay vốn Ngân hàng CSXH của gia đình anh Đỗ Trọng Phấn và gia đình chị Nguyễn Thị Nhường cùng hàng trăm hộ gia đình khác ở xã Nam Tiến đã mang lại niềm tin và hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn, bởi cùng lúc họ được tiếp cận với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi như cho vay hộ nghèo, học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản giải ngân nguồn vốn cho các đối tượng vay vốn tại xã Hiển Khánh. Bài và ảnh: văn bắc
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản giải ngân nguồn vốn cho các đối tượng vay vốn tại xã Hiển Khánh.

Nhận thức rõ hoạt động của Ngân hàng CSXH nhằm mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội nên nhiều năm qua, các cấp lãnh đạo chính quyền, đoàn thể của huyện Nam Trực luôn tạo điều kiện thuận lợi cho phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đẩy mạnh hoạt động tín dụng ưu đãi để nguồn vốn chính sách nhanh chóng đến đúng đối tượng. Đặc biệt là các tổ chức hội đoàn thể đã phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả trong quá trình uỷ thác cho vay. Các tổ chức đoàn thể có mạng lưới sâu rộng trong các thôn xóm, nắm bắt được nhu cầu của hộ nghèo là hội viên, hoặc đối tượng trợ giúp của đoàn thể cần vay vốn làm ăn. Đến nay, 7 chương trình tín dụng do Ngân hàng CSXH huyện quản lý đã có trên 14.900 khách hàng vay vốn với  tổng số tiền là 175 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hộ nghèo đang quản lý 4.837 khách hàng, số tiền 57,7 tỷ đồng; cho vay HSSV quản lý 5587 khách hàng, số tiền 87,618 tỷ đồng; cho vay NS&VSMTNT đang quản lý 4154 khách hàng, số tiền 22,689 tỷ đồng. Đặc biệt, để nguồn vốn tín dụng đến với người có nhu cầu vay vốn được thuận tiện, nhanh chóng, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực đã tổ chức 20 điểm giao dịch đặt tại UBND các xã, thị trấn. Tại các điểm giao dịch, Ngân hàng CSXH niêm yết công khai chính sách tín dụng, các chương trình cho vay, lãi suất ưu đãi cho vay và các thông tin cần thiết khác liên quan đến chính sách tín dụng ưu đãi. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thành lập được 421 tổ TK&VV hộ nghèo ở khắp các thôn, xóm, đội sản xuất, hoạt động ngày càng nền nếp. Ngân hàng CSXH còn có nhiều đổi mới hướng tới phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tốt hơn. Nổi bật là công tác đổi sổ vay vốn và phát hành biên lai thu lãi đã hoàn thiện quy trình cho vay vốn, đem lại sự thuận lợi, an toàn, hiệu quả về thủ tục vay cho hộ vay vốn. Chương trình tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo đã tạo điều kiện thuận lợi cho 2462 hộ vươn lên thoát nghèo, góp phần tích cực trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,5% đầu năm xuống còn 6,1% vào cuối năm 2009 và còn tiếp tục giảm trong năm 2010.

Ở huyện Vụ Bản, trong năm 2010 hàng nghìn hộ nghèo, hộ khó khăn và gia đình chính sách đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn… Tính đến 31-10-2010, tổng nguồn vốn  đạt trên 132 tỷ đồng, tăng hơn 28,5 tỷ đồng so với năm 2009, với 11.396 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, cho vay hộ nghèo đạt 43,498 tỷ đồng, tăng 5,77 tỷ đồng; cho vay NS&VSMTNT đạt 17,65 tỷ đồng; cho vay GQVL đạt 7,2 tỷ đồng; cho vay XKLĐ đạt trên 3,7 tỷ đồng; cho vay HSSV đạt 59,478 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so với năm 2009. Từ đầu năm 2010, triển khai cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn đạt 350 triệu đồng và cho vay hộ nghèo về nhà ở đạt 224 triệu đồng. Nhiều mô hình, cách làm hay đã được phát huy hiệu quả từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH trên địa bàn huyện Vụ Bản. Mô hình nuôi gà sạch của gia đình anh Triệu Văn Tấn, xóm Triệu, xã Hiển Khánh là mô hình hiệu quả. Từ việc ký hợp đồng cung cấp sản phẩm gà sạch cho Cty Japa của Inđônêxia, anh đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà sạch theo tiêu chuẩn, quy định của Cty. Trên diện tích hơn 8.000 m2, anh đã xây khu chăn nuôi rộng hơn 1.000m2 với đầy đủ trang thiết bị, có thể thả 10.000 con gà/lứa. Toàn bộ giống, thức ăn, kỹ thuật, thuốc thú y được Cty cung cấp. Mỗi lứa gà từ lúc thả đến khi xuất chuồng từ 45 đến 50 ngày. Như vậy, với 6 lứa gà xuất chuồng một năm, gia đình anh đã có khoản thu nhập trên 180 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Hiện nay, trên địa bàn xã Hiển Khánh đã có trên 22 mô hình trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng/năm, và 7 mô hình khác đang chờ được cấp phép tạo thuận lợi cho người dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Trở lại xã Tam Thanh (Vụ Bản) chúng tôi được đồng chí Lê Đức Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã dẫn đi thăm một số mô hình chuyển đổi kinh tế  nhờ được vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Qua trao đổi chúng tôi được biết: Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong những năm gần đây ở xã Tam Thanh đã hình thành nhiều trang trại cho hiệu quả kinh tế cao. Với dư nợ 5 tỷ đồng, Ngân hàng CSXH Vụ Bản đã giúp cho hơn 220 hộ được vay vốn. Để tiếp tục phát triển kinh tế hộ gia đình, xã Tam Thanh vẫn cần nhiều nguồn vốn để giúp các hộ dân phát triển kinh tế. Anh Lê Văn Trúc, xóm Lê Xá tâm sự: Với mức lãi suất ưu đãi của Ngân hàng CSXH đang thực hiện, anh mong muốn được vay thêm nữa để mở rộng sản xuất nhằm tạo việc làm cho gia đình và nhiều lao động khác trong thôn.

Hiện nay, từ nguồn vốn nhận từ Ngân hàng CSXH Việt Nam, ngân sách địa phương và nguồn vốn thu hồi quay vòng, Chi nhánh Ngân hàng CSXH Nam Định đã triển khai 7 chương trình tín dụng trên địa bàn, đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực đối với người dân. Đến thời điểm cuối tháng 12-2010, tổng dư nợ cho vay ở tất cả các chương trình của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt trên 1.631,8 tỷ đồng, tăng 303,6 tỷ đồng so năm 2009, với 152.555 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo đã giải ngân được trên 534,1 tỷ đồng, với 54.471 hộ còn dư nợ; chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn đạt trên 789,9 tỷ đồng; cho vay NS&VSMTNT đạt 208,6 tỷ đồng; cho vay GQVL đạt 66,3 tỷ đồng; cho vay XKLĐ đạt 21 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo về nhà ở đạt 1,98 tỷ đồng và cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 10 tỷ đồng. Như vậy, năm 2010, cùng với nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đẩy nhanh quá trình giải ngân hoàn thành kế hoạch dư nợ cho vay thuộc các chương trình; có 17.328 lượt hộ nghèo được vay vốn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, cải tạo vườn tạp, nuôi thuỷ sản, xây dựng công trình NS&VSMTNT… đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân. Nhờ đó đã có trên 4.000 hộ gia đình thoát nghèo. Các hộ được vay vốn chỉ sau 1-2 năm có thể trả hết nợ gốc, lãi và tạo lập được nguồn vốn riêng cho gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Dẫu cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, nhưng những hộ nghèo và đối tượng chính sách thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi đã phần nào khơi dậy phong trào thi đua lao động sản xuất, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng xã hội. Hơn 1.631,8 tỷ đồng vốn chính sách đầu tư cho hàng trăm nghìn người dân trong tỉnh vay vốn phát triển kinh tế gia đình cải thiện cuộc sống. Là một nguồn lực quan trọng, góp phần “tiếp sức” để hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh trong thời gian tới./.  

Bài và ảnh: Văn Bắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com