Làng dệt ngày cuối năm!

09:12, 24/12/2010

Chúng tôi về Phương Định, xã có nghề dệt truyền thống của huyện Trực Ninh vào một ngày cuối năm và được chứng kiến không khí lao động tất bật của người dân cùng với những tiếng thoi lách cách của hàng trăm khung dệt đang miệt mài hoàn thành các sản phẩm cho kịp thời gian giao hàng. Nghề dệt truyền thống của Phương Định được hình thành từ thời Trần, tập trung ở thôn Cự Trữ. Với lợi thế có vùng đất bãi sông Ninh Cơ rộng gần 100ha, ngoài nghề dệt, ở thôn Cổ Chất còn phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ kéo sợi. Những sản phẩm tơ sợi là nguồn nguyên liệu cung cấp cho làng dệt. Do chủ động được nguồn nguyên liệu và nghề dệt phát triển nên từ bao đời nay, ươm tơ Cổ Chất, dệt Cự Trữ đã nổi tiếng khắp vùng, đã được Bác Hồ gửi tặng tấm áo lụa. Dù trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng tiếng thoi dệt chưa bao giờ thôi rộn ràng ở làng quê này. Bãi dâu, lứa tằm, sợi tơ, khung dệt, đã gắn bó người dân nơi đây từ đời này sang đời khác, trở thành nét đẹp văn hoá của vùng quê. Sản phẩm dệt không chỉ được tiêu dùng trong nước mà còn là sản phẩm mũi nhọn phục vụ xuất khẩu.

 

Xưởng dệt khăn mặt xuất khẩu của gia đình anh Vũ Như Quang, thôn Cự Trữ, xã Phương Định (Trực Ninh) tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động.  Ảnh: Dương Đức
Xưởng dệt khăn mặt xuất khẩu của gia đình anh Vũ Như Quang, thôn Cự Trữ, xã Phương Định (Trực Ninh) tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động.
Ảnh: Dương Đức

Sau một thời kỳ chao đảo do gặp khó khăn về thị trường, nghề dệt Phương Định đã được khôi phục và phát triển. Trong những năm qua, cấp uỷ và chính quyền xã Phương Định đã có nhiều biện pháp đồng bộ như. Tín chấp với các ngân hàng cho nhân dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề, truyền nghề cho người dân; tạo điều kiện về thủ tục hành chính để khuyến khích các hộ đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Một số hộ dân đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua thêm khung dệt, xây dựng nhà xưởng để mở rộng nghề dệt truyền thống. Hộ các ông Bùi Văn Minh, Bùi Văn Thắng (xóm Cự Trữ 1), Nguyễn Quang Ảnh (xóm Cự Trữ 2) là những điển hình. Sản phẩm chính của dệt Phương Định bây giờ là các loại khăn ăn, khăn tắm, khăn trải bàn, thổ cẩm, màn tuyn, băng gạc y tế… phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Từ cái nôi là các làng dệt truyền thống Cự Trữ, Nhự Nương, đến nay, nghề dệt đã phát triển khắp 25 thôn xóm trong xã với trên 800 khung dệt, 50 máy xe và 180 bếp ươm tơ, tạo việc làm ổn định cho trên 1.500 lao động, thu nhập 1,2-1,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2009, doanh thu sản xuất CN-TTCN của xã Phương Định đạt trên 90 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là từ nghề dệt. Toàn xã có 11 cơ sở sản xuất - kinh doanh nghề dệt gồm 2 doanh nghiệp tư nhân, 3 HTX cổ phần, 6 tổ hợp thu hút trên 1.100 lao động tham gia. Trong đó, một số doanh nghiệp, tổ hợp đầu tư hàng trăm khung dệt, thu hút từ 100-300 lao động là: HTX cổ phần dệt may Trung An, tổ hợp Dệt Tiền Phương… Anh  Vũ Văn Long, chủ nhiệm HTX cổ phần dệt may Trung An cho biết: Sau gần 20 năm làm đại lý cung cấp nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho gần 100 khung dệt trong vùng, năm 2005 anh thành lập HTX cổ phần để mở rộng quy mô sản xuất. Anh đầu tư trên 1,2 tỷ đồng mua gần 80 khung dệt cải tiến dệt cải hoa văn nổi trên mặt khăn, 10 máy may công nghiệp và đầu tư xây dựng trên 500m2 nhà xưởng, 100m2 kho để sản xuất. Trong 80 khung dệt mới đầu tư, anh bố trí tại xưởng 36 khung, tạo việc làm cho gần 50 lao động tập trung, số còn lại anh chuyển về các hộ dân theo hình thức trả góp. Mỗi tháng các hộ trả số tiền anh đầu tư khung dệt bằng 40% tiền công tháng đó. Nhờ hình thức đầu tư khung dệt trả góp hàng tháng, ngay từ khi mới bước vào hoạt động, HTX cổ phần dệt may Trung An đã tạo việc làm ổn định cho trên 100 xã viên với thu nhập bình quân từ 1,2 triệu đồng/người/tháng. Một số người tay nghề cao nhận 2-3 khung dệt, thu nhập mỗi khung từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng như các anh Vũ Văn Sơn, Vũ Văn Bình (thôn Cự Trữ). Mỗi tháng, các khung dệt của HTX tiêu thụ từ 30-40 tấn nguyên liệu, doanh thu hàng năm đạt 11-13 tỷ đồng với sản phẩm chính là các loại khăn ăn, khăn tắm xuất khẩu và băng gạc y tế.

Với sự phát triển của nghề dệt truyền thống, trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ xã Phương Định phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN đạt tốc độ tăng trưởng 8%/năm, doanh thu đạt trên 140 tỷ đồng/năm góp phần nâng bình quân thu nhập đầu người đạt xấp xỉ 15 triệu đồng/người/năm./.

Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com