Khuyến công ở Nam Trực

09:12, 29/12/2010

Huyện Nam Trực có nhiều ngành nghề với các làng nghề truyền thống nổi tiếng như nghề cơ khí ở Vân Chàng, Đồng Côi, Bình Yên; nghề dệt ở Nam Hồng, Nam Thanh, nghề thêu ren ở Nam Thái… Các ngành nghề được phát triển và nhân rộng ra nhiều xã khác trong huyện, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động.

 

Sản xuất các sản phẩm cơ khí tại Cty TNHH Việt Thắng.
Sản xuất các sản phẩm cơ khí tại Cty TNHH Việt Thắng.

Năm 2010, giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện ước đạt trên 943 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước. Thông qua các hoạt động khuyến công, nhiều xã và doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã được hỗ trợ một phần kinh phí để đào tạo nghề, chuyển đổi nghề mới cho lao động nông thôn. Các hình thức khuyến công được triển khai linh hoạt như: Hỗ trợ đào tạo nghề cho các doanh nghiệp; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; giúp các doanh nghiệp tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ triển lãm trong nước…, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, kinh doanh. Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp I phối hợp với phòng Công Thương huyện, UBND các xã, thị trấn, các doanh nghiệp và trung tâm dạy nghề huyện chọn các xã có nghề truyền thống hỗ trợ kinh phí khuyến công để khôi phục, phát triển và nhân rộng ra các xã lân cận. Đồng thời tư vấn, phân vùng phát triển nghề phù hợp với từng địa phương theo hướng đa dạng ngành nghề tuyển chọn, quản lý nguồn nhân lực để người lao động được học nghề theo nhu cầu và bảo đảm có việc làm sau khi học. Các hoạt động khuyến công còn tập trung mở các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề, kỹ năng lãnh đạo, quản lý tài chính, nhân sự, marketing… cho cán bộ chuyên môn các xã, HTX, chủ các doanh nghiệp. Hoạt động khuyến công, đã giúp nhiều làng nghề truyền thống của huyện khôi phục và phát triển; nhiều xã đã phá thế thuần nông, đưa các ngành nghề CN-TTCN về địa phương, tạo thêm việc làm và thu nhập cho nông dân trong thời gian nông nhàn… Các doanh nghiệp đã nhận được kinh phí hỗ trợ thông qua các hoạt động khuyến công như HTX dệt Tiến Sơn (Nam Thanh), Cty TNHH Sơn Hải (Nam Hải), Cty TNHH Trung Tiến (Nam Hồng), Cty TNHH Sông Ngọc (Đồng Sơn), HTX mộc, cơ khí Sơn Lâm (Nam Giang)… Riêng trong năm 2010, quỹ khuyến công của tỉnh đã hỗ trợ cho huyện Nam Trực trên 300 triệu đồng, mở các lớp dạy nghề hàn điện, điện dân dụng, may công nghiệp, thêu, dệt khăn… cho gần 1.000 lao động tại thị trấn Nam Giang và các xã Hồng Quang, Nam Tiến, Nam Hoa, trung tâm dạy nghề của huyện. Từ nguồn quỹ khuyến công quốc gia, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp I phối hợp với trung tâm dạy nghề huyện mở 3 lớp dạy nghề cơ khí cho các Cty: Cty TNHH Vinh Thực, Cty TNHH Việt Thắng, Cty TNHH cơ khí Nam Định, thu hút gần 300 học viên theo học. Nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh hỗ trợ Cty cổ phần dịch vụ thương mại Bình Minh (xã Bình Minh) 20 triệu đồng tham gia Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc lần thứ 3 tổ chức tại Bắc Ninh, giúp Cty có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm và ký kết thêm nhiều các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm mới. Anh Lê Văn Thắng, giám đốc Cty TNHH Việt Thắng cho biết, được quỹ khuyến công quốc gia hỗ trợ kinh phí, Cty đã nâng cao tay nghề, dạy nghề mới cho gần 100 lao động đang làm việc tại Cty và những lao động có nhu cầu. Nguồn kinh phí này đã giúp Cty giảm một phần chi phí đào tạo nghề và dành để đầu tư mua sắm, sửa chữa thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2010, doanh thu của Cty ước đạt 50 tỷ đồng, tăng 10 tỷ đồng so với năm 2009, tạo việc làm cho 60 lao động, thu nhập bình quân 1,7 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động khuyến công vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Đó là tình trạng lao động sau khi được đào tạo nghề miễn phí không theo nghề hoặc bỏ dở khóa học… Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các ngành, các cấp và chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp để các hoạt động khuyến công đạt hiệu quả cao và bền vững, góp phần khôi phục, phát triển đa dạng ngành nghề, tạo được việc làm cho nhiều lao động./.

Bài và ảnh: Thanh Thủy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com