Toàn tỉnh hiện có trên 70 làng nghề tiểu thủ công nghiệp với các ngành nghề và sản phẩm truyền thống như ươm tơ, dệt lụa, thêu ren, chạm khắc gỗ, mây tre đan, đúc đồng, trồng hoa cây cảnh… Nhiều làng nghề được nhiều người biết tiếng như chạm khắc gỗ La Xuyên, sơn mài Cát Đằng, đúc đồng Tống Xá, mây tre đan Vĩnh Hào, dệt lụa ươm tơ Cổ Chất, trồng hoa cây cảnh Vị Khê…
Làng Vị Khê (xã Điền xá, Nam Trực) là một trong 7 khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Làng Vị Khê nằm bên bờ sông Hồng, cách thành phố Nam Định khoảng 5km về phía đông nam. Cả làng làm nghề trồng và tạo thế cây cảnh với lịch sử hơn 700 năm, từng là nơi cung cấp hoa, cây cảnh phục vụ nhu cầu chơi hoa, cây cảnh của vua quan và dân thời Trần. Trong làng có đền thờ ông tổ làng nghề và hiện còn lưu giữ bộ cây thế 300 năm tuổi, đoạt giải thưởng cung đình Huế. Từ làng Vị Khê, các loại cây cảnh, cây thế, cây bonsai được cung cấp cho các công viên, các khu du lịch, thành phố và xuất khẩu ra nước ngoài. Đặc biệt, tại Đại lễ 1000 năm Thăng Long, các tác phẩm “Long Thăng”, “Chùa Một Cột” của nghệ nhân Nguyễn Công Phượng, “Khuê Văn Các” của nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân, Nguyễn Văn Đức và nhiều tác phẩm cây cảnh có giá trị của Vị Khê đã được trưng bày tại Đại lễ, góp phần quảng bá nghề truyền thống hoa cây cảnh, được du khách đánh giá cao. Làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) nằm bên quốc lộ 10, cách thành phố Ninh Bình khoảng 7km, cách thành phố Nam Định khoảng 21km về phía tây nam. Làng nghề được hình thành cách đây gần 10 thế kỷ. Người dân trong làng chủ yếu là thợ thủ công nổi tiếng với nghề chạm khắc gỗ. Các sản phẩm nghề thủ công gồm: tranh khảm, đồ gỗ mỹ nghệ, hoành phi, câu đối, sập gụ, tủ chè được trang trí rồng bay, phượng múa, lân chầu rất tinh xảo. Vào làng, du khách được tham quan cảnh những người thợ của làng từ già đến trẻ làm việc miệt mài tạo ra các tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Làng nghề đúc Tống Xá gần làng nghề La Xuyên, nổi tiếng với các tác phẩm nghệ thuật đúc đồng như: Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng Phật chùa Bái Đính, tượng Phật chùa Sóc Sơn, các sản phẩm đồng mỹ nghệ… Trải qua 900 năm, làng nghề ngày càng phát triển. Bên cạnh đó còn có sản phẩm của các làng nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên) xưa chuyên cung cấp các đồ sơn mài dùng để trang trí trong các lăng tẩm, cung điện ở Thăng Long và Huế…
Hàng tre nứa ghép của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Sơn, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản).
Ảnh:
Thu Hà
|
Các làng nghề truyền thống với các sản phẩm mang nhiều giá trị văn hoá đã góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch của Nam Định. Một số làng nghề ở tỉnh ta về cơ bản đã bảo đảm các tiêu chí: Có cảnh quan mang đậm bản sắc làng quê Việt Nam, có nghề truyền thống lâu đời, ngành nghề và sản phẩm làng nghề có tính độc đáo, có hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng tốt, vệ sinh môi trường bảo đảm để xây dựng các tour, tuyến du lịch và thu hút khách du lịch. Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Hội SVC Vị Khê thì năm 2009 đã có 110 đoàn khách quốc tế, khách của Trung ương và các tỉnh bạn, có đoàn đông tới 50 người đã đến tham quan, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại Vị Khê. Từ đầu năm đến nay đã có khoảng 60 đoàn, chủ yếu là các cơ quan, các trường đại học ở Hà Nội và các tập đoàn kinh tế đến du lịch và kết hợp nghiên cứu. Năm 2009, doanh thu từ sản phẩm làng nghề của các hộ gia đình ở Vị Khê ước đạt 180 tỷ đồng. Năm 2010, ước đạt 210 tỷ đồng…
Trong những năm qua, một số khách du lịch trong nước và quốc tế đến Nam Định đã dành sự quan tâm và thời gian đến với các làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm về quản lý và tổ chức khai thác, phát huy thế mạnh của sản phẩm du lịch làng nghề nên hiệu quả, sức thu hút của sản phẩm du lịch tỉnh ta đối với khách du lịch còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ khách du lịch đến tham quan du lịch tại các làng nghề còn thấp so với lượng khách du lịch đến tỉnh, thời gian khách lưu lại không lâu, hiệu quả từ các dịch vụ phục vụ khách hoặc bán các sản phẩm làng nghề cho khách còn ít. Công tác tuyên truyền quảng bá giới thiệu sản phẩm còn yếu. Hiện trên địa bàn tỉnh, chỉ duy nhất có làng nghề Vị Khê xây dựng được trang web để quảng bá và giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch làng nghề. Do vậy, du khách ít có điều kiện được giới thiệu về các làng nghề và các giá trị văn hoá, kinh tế của làng nghề truyền thống Nam Định. Bên cạnh đó, du lịch làng nghề tỉnh ta chưa quy hoạch chi tiết về làng nghề du lịch, hạ tầng giao thông chưa thuận lợi, thiếu sự liên kết trong việc khai thác sản phẩm du lịch với các địa phương khác. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch làng nghề chưa được sự quan tâm đúng mức. Cấp uỷ Đảng, chính quyền và người dân ở một số làng nghề chưa quen với việc khai thác các giá trị văn hoá, kinh tế của làng nghề, của sản phẩm phục vụ du lịch để thông qua đó tạo nguồn thu từ khách du lịch. Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Hội SVC Vị Khê cho biết: Tôi đã đi nhiều nơi và nhận thấy rằng sự phát triển du lịch làng nghề ở tỉnh ta nói chung, ở Vị Khê nói riêng còn ngẫu hứng, chưa chuyên nghiệp, chưa bài bản như làng nghề các vùng du lịch khác ở Nha Trang, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh… Ngành VH-TT&DL cần hướng dẫn về các quy chế đào tạo nghiệp vụ giao tiếp, đào tạo các hướng dẫn viên chuyên nghiệp về văn hoá và lịch sử cho các làng nghề; tổ chức điểm ăn nghỉ cho du khách…
Từ thực trạng nêu trên, để đầu tư khai thác có hiệu quả sản phẩm du lịch làng nghề Nam Định cần lưu tâm tới vấn đề nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tu bổ tôn tạo cảnh quan môi trường, học tập kinh nghiệm quản lý khai thác sản phẩm du lịch làng nghề của các tỉnh bạn. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh cần có chính sách hỗ trợ các làng nghề trong việc quy hoạch, tu bổ tôn tạo cảnh quan, giữ gìn bản sắc văn hoá làng xã, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chú trọng các làng nghề có khả năng khai thác phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền quảng bá giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh, trong đó có sản phẩm du lịch làng nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng và các ấn phẩm tuyên truyền du lịch của ngành./.
Minh Thuận