Kết quả qua 12 năm thực hiện Dự án Việt - Bỉ

10:12, 27/12/2010

Vào những năm 1998-1999, khi nguồn vốn đến với hội viên phụ nữ còn ít, Dự án tín dụng Việt - Bỉ do Hội Phụ nữ đứng ra quản lý đã mang đến cơ hội thoát nghèo cho nhiều phụ nữ nghèo ở các vùng quê. Với cơ chế cho vay lần đầu từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/người, chị em phải trả dần trong 12 tháng, mỗi tháng trả khoảng 45 đến 90 nghìn đồng tuỳ theo từng khoản vay, sau 1 năm nếu thành viên hoàn trả đầy đủ gốc lãi thì tiếp tục được vay vòng 2 với số tiền vay cao hơn từ 1,5 đến 3 triệu đồng tuỳ vào nhu cầu sử dụng vốn; giữa chu kỳ được vay thêm 500 nghìn đến 1 triệu đồng vốn mùa vụ. Khi bắt đầu tham gia dự án, tất cả các thành viên phải gửi lại 5% vốn vay ban đầu gọi là tiết kiệm bắt buộc ban đầu, ngoài ra mỗi tháng mỗi thành viên còn phải đóng 5.000 đồng gọi là tiết kiệm hàng tháng và 500 đồng góp vào Quỹ tương trợ dùng để thăm hỏi thành viên khi ốm đau, cha già mẹ héo. Số tiền tiết kiệm thu được sẽ được nhập vào vốn quay vòng để cho các thành viên trong nhóm vay. Hết một chu kỳ vay vốn, số tiền tiết kiệm sẽ được chuyển vào tài khoản tiết kiệm của thành viên.

Cơ sở sản xuất hàng tre, nứa ghép của gia đình chị Nguyễn Thu Thực, hội viên Hội Phụ nữ xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) thường xuyên tạo việc làm cho 50 lao động ở địa phương.  Ảnh: Xuân Thu
Cơ sở sản xuất hàng tre, nứa ghép của gia đình chị Nguyễn Thu Thực, hội viên Hội Phụ nữ xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) thường xuyên tạo việc làm cho 50 lao động ở địa phương.
Ảnh: Xuân Thu

 

Thời gian đầu triển khai Dự án cũng gặp không ít khó khăn do các quy định trong cơ chế vận hành dự án khá phức tạp như: món vay nhỏ, thành viên vay vốn phải thực hiện đóng tiền tiết kiệm ban đầu và hàng tháng, giữa chu kỳ lại cho vay vốn mùa vụ..., đòi hỏi người quản lý, chỉ đạo, phải nhanh nhạy trong xử lý công việc. Mô hình chia sẻ chi phí là mô hình mới đối với các cấp hội phụ nữ. Nhân sự trong Ban quản lý dự án các cấp thường xuyên thay đổi, do vậy cán bộ mới phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu, nắm bắt các cơ chế hoạt động của dự án. Bên cạnh đó, trong những năm qua, thời tiết thất thường, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả thị trường tăng cao trong khi giá cả tiêu thụ các mặt hàng nông hải sản còn bấp bênh tác động đến tư tưởng đời sống của các thành viên... Được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Ban quản lý dự án Trung ương, sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương, trong công tác tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ, những khó khăn đã được khắc phục. Trong 12 năm, đã tổ chức tập huấn cho hơn 13 nghìn lượt cán bộ Ban quản lý dự án các cấp và đại diện lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền của 19 xã thực hiện dự án; tập huấn về kỹ năng quản lý tín dụng, tiết kiệm và điều hành dự án cho trên 11.300 lượt cán bộ cụm, nhóm; tập huấn cho trên 30 nghìn lượt thành viên tham gia dự án về cơ chế vận hành của dự án, các kiến thức về giới... Ngoài ra, còn tổ chức 78 lớp tập huấn cho 2.370 thành viên Dự án Việt - Bỉ về các kiến thức KHKT, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, chăn nuôi gia súc gia cầm an toàn sinh học, kỹ năng khởi sự doanh nghiệp... Sau các khoá tập huấn, đã có 70-80% học viên nâng cao nhận thức và áp dụng các kiến thức đã học vào sản xuất kinh doanh, phát triển các nghề truyền thống của địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hàng năm, Ban quản lý Dự án tỉnh đều xây dựng kế hoạch hoạt động, phân công trách nhiệm cho từng thành viên Ban quản lý dự án, chỉ đạo các xã duy trì sinh hoạt cụm hàng tháng, bình xét thành viên cho vay đúng đối tượng và đôn đốc cụm, nhóm, thành viên thu nộp tiền đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn. Qua 12 năm thực hiện, đã có trên 73.500 lượt thành viên được vay vốn từ Dự án với tổng số vốn đã giải ngân 70 tỷ đồng, trong đó có trên 13 tỷ đồng vốn mùa vụ, tỷ lệ hoàn trả vốn đạt 100%. Qua khảo sát, hầu hết các thành viên vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, buôn bán  nhỏ, mua sắm phương tiện sản xuất... mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đã có trên 70% thành viên vay vốn từ Dự án đã có mức sống từ trung bình nâng lên khá. Số tiền tương trợ thu được trên 355 triệu đồng, đã tổ chức thăm hỏi 2.198 lượt thành viên; số tiền tiết kiệm thu được trên 6 tỷ 414 triệu đồng, góp phần cải thiện cuộc sống cho các thành viên. Cùng với hiệu quả về kinh tế, năng lực sử dụng vốn của các thành viên cũng được nâng lên. Từ số vốn vay của Dự án Việt - Bỉ, đến nay đa số các thành viên đã tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay lớn từ Ngân hàng NN-PTNT, Ngân hàng Chính sách - Xã hội và các chương trình tín dụng khác. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, thông qua các buổi sinh hoạt cụm, nhóm hàng tháng, các thành viên được tuyên truyền về đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, hương ước của làng xã, các kiến thức về tổ chức cuộc sống gia đình, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, thực hiện KHHGĐ..., đã tạo cơ hội cho chị em mở rộng kiến thức, nâng cao ý thức tham gia sinh hoạt cộng đồng, mạnh dạn tự tin và tương trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Thông qua việc chỉ đạo, quản lý dự án, cán bộ Hội đã vận động hội viên tham gia tích cực vào các hoạt động Hội./.

Hoài Phương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com