Hồng Thuận chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp

09:12, 08/12/2010

 

Xã viên HTX Nam Hoa (Nam Trực) chăm sóc cây màu vụ đông.  Ảnh: Dương Đức
Xã viên HTX Nam Hoa (Nam Trực) chăm sóc cây màu vụ đông.
Ảnh: Dương Đức

Xã Hồng Thuận (Giao Thuỷ) có 2 HTX NN là Hồng Kỳ, Hồng Tiến với tổng diện tích đất canh tác trên 750 ha. Để khai thác tiềm năng đất đai, lao động tạo bước chuyển biến mới trong nông nghiệp, nông thôn, Đảng uỷ, UBND xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và 2 HTX NN tích cực hướng dẫn xã viên tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu giống, cây trồng, mùa vụ, tăng thu nhập cho xã viên. Khuyến khích các hộ tham gia dồn điền đổi thửa, chủ động chuyển đổi các vùng ruộng trũng, trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thuỷ sản và phát triển các gia trại chăn nuôi tổng hợp theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Để chủ động cho sản xuất, ngay từ đầu năm các HTX đã lập kế hoạch sản xuất cả năm cho xã viên chủ động thời vụ sản xuất. Xã đã tổ chức cấy khảo nghiệm và chọn được giống lúa lai và một số giống lúa thuần như: Nếp 87, BC 15… là các giống có giá trị kinh tế, tiềm năng năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với điều kiện đồng đất của địa phương. Nhờ đó, năng suất lúa bình quân cả năm của xã thường đạt trên 130 tạ/ha, tổng sản lượng lượng thực đạt gần 10 nghìn tấn/năm, thu nhập bình quân mỗi ha đạt 55-60 triệu đồng. Bên cạnh đó, một số hộ dân đã đầu tư kinh phí xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại tổng hợp. Năm 1993, ông Phan Văn Tánh ở xóm 2 đã đầu tư kinh phí xây dựng 100m2 chuồng nuôi lợn thịt. Toàn bộ diện tích chuồng trại được ông quy hoạch thành 5 ô, mỗi ô nuôi 5-6 con lợn. Ngoài ra, ông quây lưới quanh vườn để nuôi gà ta theo hình thức nuôi thả bán công nghiệp. Năm đầu thu nhập tuy chưa cao nhưng đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới của gia đình. Những năm tiếp theo, ông Tánh duy trì đàn lợn ổn định 30-35 con theo hình thức gối sóng nên tháng nào cũng có lợn xuất bán và 2 lứa gà ta với trên 200 con, mỗi năm ông bán 13-14 tấn lợn thịt, gần 3 tạ gà; sau khi trừ chi phí giống, thức ăn… mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 60 triệu đồng trở lên. Đến nay, xã Hồng Thuận đã có gần 30 hộ phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình gia trại, với quy mô 50-100 con gia cầm, 20-30 con lợn cho thu nhập trên 60 triệu đồng/năm; tiêu biểu như hộ các ông: Nguyễn Văn Bái (xóm 7), Nguyễn Văn Cầm (xóm 13)… Đến cuối năm 2010, tổng đàn lợn của xã có trên 4.500 con và trên 600 con lợn nái, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 450 tấn; đàn gia cầm có 60 nghìn con. Ngoài phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình gia trại, vùng bãi bồi ven sông Hồng và sông Vọp còn có trên 30 hộ tham gia đầu tư phát triển nuôi thuỷ sản theo hướng bán công nghiệp trên diện tích 28 ha với các loại con nuôi có giá trị kinh tế cao là: cá trắm, cá chim trắng, cá trê lai… Ở vùng bãi còn có trên 10 hộ nuôi 800-2.000 con vịt đẻ, mỗi năm cho thu nhập 50-70 triệu đồng, tiêu biểu là hộ các ông: Bùi Văn Pho (xóm 12), Nguyễn Văn Chuyền (xóm 12), Phạm Văn Hiến (xóm 5)…

Từ năm 2004, xã Hồng Thuận đã phát triển nghề trồng nấm thương phẩm với 3 cơ sở chuyên sản xuất mộc nhĩ và nấm sò của các ông: Vũ Tuấn Hiệp (xóm 9), Trần Văn Dũng (xóm 2), Nguyễn Lê Hoành (xóm 4), cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Mỗi năm các cơ sở sản xuất mộc nhĩ và nấm sò tiêu thụ trên 100 tấn rơm rạ, mùn cưa nguyên liệu cho ra 40 tấn nấm, và mộc nhĩ thương phẩm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 30 lao động địa phương. Xã cũng tổ chức nhiều lớp dạy nghề như: đan móc sợi, làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ bẹ chuối, bèo tây… tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập bình quân trên 30 nghìn đồng/người/ngày. Trong thời gian tới, xã Hồng Thuận tiếp tục tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá. Tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp tục đưa các giống, cây trồng, con nuôi mới cho hiệu quả kinh tế cao, phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển./.

Vũ Thư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com