Những năm qua xã Hải Trung (Hải Hậu) đã vận động nhân dân tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài sản xuất nông nghiệp, ở Hải Trung các hộ phát triển đa dạng ngành nghề như: sản xuất vật liệu xây dựng, mộc gia dụng, nề, may công nghiệp, thêu ren, đan cói làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu... Nhờ đó, trong giai đoạn 2005-2010, kinh tế của xã có bước phát triển tích cực, sản xuất CN-TTCN - xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ trọng 67,5% cơ cấu kinh tế.
Cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng, mỹ nghệ của anh Trần Văn Cư ở xóm 8, xã Hải Trung (Hải Hậu).
Ảnh:
Dương Đức
|
Có lợi thế vùng đất bãi sông Ninh Cơ khoảng 20ha, nhiều năm trước đây ở Hải Trung đã phát triển nghề sản xuất vật liệu xây dựng theo phương pháp nung đốt thủ công, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương. Anh Nguyễn Văn Đảm, xóm 5 cho biết: Năm 1999, anh nhận gần 2ha đất bãi sông Ninh Cơ để phát triển sản xuất vật liệu xây dựng. Bình quân mỗi năm anh sản xuất trên 1 triệu viên gạch, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 5 lao động. Năm 2009, anh thành lập Cty TNHH Duy Nam với số vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng để xây dựng dây chuyền sản xuất gạch tuynel theo công nghệ lò đứng nung liên tục VSBK, công suất 5 triệu viên/năm. Đến nay, Cty đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 60 lao động địa phương với thu nhập bình quân trên 1,5 triệu đồng/người/tháng. Nghề sản xuất đồ mộc gia dụng là nghề truyền thống của thôn Phạm Rỵ. Đến nay, nghề mộc gia dụng đã phát triển khắp 19 thôn, xóm của xã. Toàn xã hiện có trên 100 xưởng mộc gia dụng, mỗi cơ sở tạo việc làm cho 8-12 lao động. Sản phẩm chính của nghề mộc gia dụng ở Hải Trung là các loại giường chân cót, tủ, bàn ghế chạm hoa văn... Bên cạnh việc sản xuất đồ mộc gia dụng, người thợ mộc Hải Trung còn sáng tạo ra các mẫu hoa văn để chạm khắc trên sản phẩm cung cấp cho các làng nghề mộc La Xuyên (Ý Yên), xã Hải Minh... Hiện nay, ngày công lao động bình quân của người làm nghề mộc đạt 80-100 nghìn đồng/ngày. Nhờ nghề mộc gia dụng phát triển nhiều hộ gia đình ở Hải Trung đã từng bước cải thiện được kinh tế gia đình và vươn lên làm giàu như hộ gia đình các ông Phạm Văn Khang, Phạm Văn Kiểu (thôn Phạm Rỵ), Trần Văn Ban (xóm 8)... Nghề thợ nề cũng được coi là nghề truyền thống của người dân Hải Trung. Hầu như xóm nào, thôn nào cũng có một vài tốp “tay dao xây, tay thước thợ” ngược xuôi khắp nơi hành nghề. Theo thống kê của xã, hàng năm ở Hải Trung có trên dưới 1.500 thợ nề đi làm ăn ở các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...
Để phát triển kinh tế theo hướng bền vững, xã Hải Trung đã tạo điều kiện về thủ tục, vốn, thuế, mặt bằng để khuyến khích các cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, thành lập Cty, doanh nghiệp tư nhân... Hiện nay toàn xã đã có 7 Cty, doanh nghiệp được thành lập, trong đó có 6 đơn vị thuộc ngành CN-TTCN với đa dạng ngành nghề như: chế biến gỗ, vận tải thuỷ, sản xuất vật liệu xây dựng... và hơn 100 cơ sở sản xuất. Ngoài ra Hải Trung còn đang phát triển thêm nghề may công nghiệp với trên 10 cơ sở, chủ yếu tập trung ở các xóm 12, 14. Nghề may công nghiệp phát triển đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 400 lao động địa phương với thu nhập từ 1,2 triệu đồng/người/tháng trở lên.
Tiếp tục duy trì và phát triển đa dạng ngành nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng CNH-HĐH, xã Hải Trung phấn đấu đến năm 2015 nâng bình quân thu nhập lên 15 triệu đồng/người/năm./.
Thành Trung