Năm 2010, được đánh giá là năm thành công của kinh tế Việt Nam. Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011 vừa qua cho thấy, Việt Nam đã hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu đa số các chỉ tiêu kinh tế đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, thậm chí là "sóng gió" trước mắt mà con tàu kinh tế Việt Nam phải đối mặt.
Chặn đà suy giảm
Cty cổ phần dệt may Sơn Nam, đầu tư hơn 150 tỷ đồng xây dựng Nhà máy sợi số 3, tại KCN Hòa Xá (TP Nam Định), tạo thêm việc làm cho 250 lao động.
Ảnh:
ĐỨC HOA
|
Năm 2010, bất chấp những khó khăn, kinh tế Việt Nam đã ngăn chặn được đà suy giảm để có sự phục hồi ấn tượng và đạt mức tăng trưởng khá cao. Còn nhớ, thời kỳ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tăng trưởng GDP của Việt Nam (năm 2006-2007) luôn đạt trên 8% (lần lượt là 8,2% và 8,48%). Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng lan rộng nó đã quét qua Việt Nam và để lại những hậu quả không hề nhỏ. Dấu vết rõ rệt nhất là sự suy giảm sâu của GDP. Sau khi tăng trưởng GDP 2008 tụt xuống chỉ còn 6,18% thì con số này trong năm 2009 còn khiến viễn cảnh kinh tế trong nước ảm đạm hơn khi chỉ đạt 5,2%. Các con số khiến không ít người bi quan mường tượng ra một biểu đồ tăng trưởng tiếp tục có mũi tên đi xuống.
Bước sang năm 2010, trong khi nền kinh tế toàn cầu hậu khủng hoảng vẫn còn 'choáng váng' thì kinh tế nước ta đã sớm thoát ra khỏi tình trạng suy giảm và có mức tăng trưởng khá cao. Chỉ trong chín tháng đầu năm nay, GDP đã đạt 6,52%, vượt chỉ tiêu cả năm do Quốc hội đề ra là 6,5%. Chính phủ dự báo, GDP trong quý cuối cùng của năm có thể sẽ cộng thêm 0,2% để đưa GDP cả năm 2010 đạt 6,7%. Nhìn rộng ra nhiều nền kinh tế khác trong khu vực và trên thế giới mới thấy con số 6,7% vào thời điểm này quả là một giấc mơ. Cùng với sự phục hồi tăng trưởng, GDP bình quân đầu người năm 2010 cũng được cho là đã về đích sớm so với chỉ tiêu đề ra khi dự kiến đạt 1.160 USD. Các chỉ số kinh tế vĩ mô khác đã được cải thiện và cơ bản bảo đảm các cân đối lớn. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 ước tăng 19,1%, tức là gấp hơn ba lần so với kế hoạch. Nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ giúp tỷ lệ nhập siêu cả năm đứng ở mức dưới 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (kim ngạch nhập khẩu cả năm 2010 khoảng 13,5 tỷ USD), đạt chỉ tiêu đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2010 vượt dự toán và tăng 17,6% so với năm ngoái góp phần giảm bội chi xuống dưới 6%. Đến hết năm 2010, dư nợ Chính phủ tương đương 44,5% GDP, nợ nước ngoài chiếm khoảng 42,2% GDP và nợ công bằng 56,7% GDP. Tất cả đều nằm trong giới hạn an toàn. Ngoài ra, chính sách tiền tệ cũng là một trong những nhân tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng và kiềm chế lạm phát cũng như bảo đảm các mục tiêu đề ra từ đầu năm: tổng phương tiện thanh toán tăng 20% và dư nợ tín dụng cả năm đạt khoảng 25%.
Những nguy cơ tiềm ẩn
Sự phục hồi và tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam có thể mang lại lạc quan và vui mừng nhưng chưa thể tạo ra sự yên tâm về tính vững chắc. Những chỉ số vĩ mô cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn cao. Trước hết phải kể đến"nỗi ám ảnh" lạm phát, sự biến động khó lường của tỷ giá cũng như những vấn đề nan giải về lãi suất.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2010 CPI đã tăng 8,96% so với bình quân 11 tháng năm 2009. Như vậy, mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm 2010 khoảng 8% đã không thực hiện được. Kỳ vọng giữ lạm phát năm 2010 ở mức một con số cũng khó có thể thành hiện thực khi chặng đường còn lại của năm chính là thời điểm nhộn nhịp kẻ mua, người bán.
Việc CPI tháng 11 bất ngờ tăng cao được coi là điều tất yếu sau giai đoạn bị kìm nén trong suốt quý II và đầu quý III. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy đà tăng này sẽ bị chặn đứng trong thời gian còn lại của năm. Theo lý giải của Chính phủ, giá cả trong nước thời gian qua tăng cao xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết do biến động của giá thế giới. Bên cạnh đó, sự phục hồi của kinh tế trong nước cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu và kéo giá hàng hóa tăng lên. Trong khi đó, một số hàng hóa trước đây thuộc diện quản lý của Nhà nước, nay chuyển sang cơ chế thị trường cũng có sự biến động mạnh về giá cả. Cuối năm cũng là thời điểm có lượng tiền lưu thông tăng cao xuất phát từ nhu cầu mua sắm, rồi tạm ứng cho các dự án xây dựng đẩy nhanh tiến độ... Ngoài ra, sự biến động về tỷ giá và giá vàng cũng sẽ là những yếu tố gây sức ép lên lạm phát.
Trong khi CPI tăng mạnh giai đoạn cuối năm thì tiền đồng tiếp tục mất giá. Kể từ tháng 11-2009 đến 8-2010, Ngân hàng Nhà nước đã ba lần điều chỉnh tỷ giá, khiến VND giảm giá tới 10% so với đồng bạc xanh. Trên thị trường tự do, tỷ giá VND/USD còn cao hơn tới trên 7% so với tỷ giá niêm yết chính thức. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, đồng USD liên tục mất giá so với vàng và các đồng tiền chủ chốt khác. Đây chính là một trong những yếu tố gây sức ép không nhỏ lên lạm phát bởi theo tính toán VND cứ mất giá 1% thì CPI sẽ tăng 0,2%. Trong bối cảnh đó, người dân và doanh nghiệp sẽ không mặn mà với việc nắm giữ tiền đồng mà tìm cách chuyển đổi sang USD hoặc vàng. Đây chính là nguyên nhân khiến các ngân hàng luôn trong tình trạng "đói" vốn. Điều này buộc các ngân hàng phải đẩy lãi suất huy động lên cao và hệ quả tất yếu là kéo theo lãi suất cho vay đứng ở mức cao. Bên cạnh đó, khi lạm phát tăng cao, có thể phải tiếp tục nâng lãi suất để kiềm chế. Ở chiều ngược lại, việc người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn hoặc phải đi vay với lãi suất quá cao sẽ khiến sản xuất bị xáo trộn và gây khó khăn cho nền kinh tế.
Cùng với những thách thức đến từ lạm phát, biến động tỷ giá và lãi suất thì sự "nóng lạnh" của thị trường vàng và chứng khoán cũng tác động đến kinh tế trong nước.
Mục tiêu và thách thức
Năm 2011 là năm đầu tiên và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo đà để thực hiện tốt các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015. Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô với mức tăng trưởng cao hơn năm 2010. Công tác điều hành sẽ tập trung vào ba vấn đề chính là cải thiện cán cân thanh toán, kiểm soát lạm phát và phấn đấu giảm bội chi.
Đáng chú ý là bên cạnh mục tiêu tăng trưởng GDP 7-7,5%, lạm phát năm 2011 kỳ vọng sẽ được kiểm soát ở mức khoảng 7%. Chỉ tiêu này sẽ được thực hiện trên cơ sở điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất phù hợp cùng với các chính sách và biện pháp kiểm soát giá cả. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 được đặt mục tiêu sẽ giảm xuống mức 5,5% GDP và phấn đấu giảm xuống mức 5% vào năm 2012. Ngoài ra, các mục tiêu kinh tế tổng quát năm 2011 được Chính phủ đề ra gồm: Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 phấn đấu đạt 74,8 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2010, đồng thời giảm nhập siêu xuống dưới 20%. Tổng thu ngân sách nhà nước 590,5 nghìn tỷ đồng; tổng chi ngân sách nhà nước 725,6 nghìn tỷ đồng. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 40% GDP.
Có thể nói, con tàu kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất để có sự phục hồi và tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, trước mắt vẫn là những thách thức ngắn hạn đã trở nên "quen mặt", ấy là vấn đề thâm hụt ngân sách quốc gia, lạm phát và thâm hụt cán cân thương mại. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế thế giới năm 2011 được dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do đà phục hồi đang mất dần kể từ giữa năm 2010. Tỷ lệ thất nghiệp cao, sự thắt chặt tài chính và nguy cơ chiến tranh tiền tệ đang đe dọa sự phục hồi này. Trong khi đó, giá vàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao như một hậu quả của chính sách đồng đô-la yếu của Mỹ và những lo ngại vẫn âm ỉ về cuộc khủng hoảng nợ công của nhiều nước trên thế giới...
Bất chấp những khó khăn và thách thức, kinh tế Việt Nam tiếp tục được đánh giá có triển vọng lạc quan và là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế thế giới. Với các chính sách và biện pháp thúc đẩy tăng trưởng hợp lý, kiềm chế lạm phát, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà phục hồi mà trước mắt là hoàn thành và vượt các chỉ tiêu đề ra cho năm 2011./.
BẢO MINH