Chiến lược về nước sạch góp phần xây dựng nông thôn mới

09:12, 06/12/2010

Chiến lược Quốc gia về cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn đã trải qua hai giai đoạn và góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, cải thiện đời sống của nhân dân vùng nông thôn.  Đây là bước chạy đà để Trung ương, các bộ, ngành hoạch định và xây dựng kế hoạch cho việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho những giai đoạn tiếp theo.

Theo Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, hiện nay có khoảng 50 triệu người dân vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, tăng khoảng 10 triệu người so với cuối năm 2005. Tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 62% lên 83%, tăng trung bình 4,2%. Trong bảy vùng sinh thái của cả nước, vùng Đông Nam bộ có tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 89,2%, cao hơn trung bình cả nước 6,2%. Với khu vực miền núi phía Bắc và Duyên hải miền Trung là 79%. Có thể nói, Chương trình mục tiêu Quốc gia NS và VSMTNT qua hai giai đoạn triển khai thực hiện đã từng bước tác động, cải thiện đời sống, tạo được hệ thống cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh và ý thức vệ sinh môi trường cho nhân dân vùng nông thôn. Trong đó, giai đoạn 2 từ 2006 đến 2010, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, cũng như sự tham gia tích cực của người dân đã tác động không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu đề ra của Chương trình. Nhờ đó, tỷ lệ người dân nông thôn được hưởng các dịch vụ nước sạch, môi trường nông thôn được cải thiện, thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nhiều người dân vùng nông thôn đã có nguồn nước hợp vệ sinh để sử dụng, cùng với đó là chất lượng nước cũng như khối lượng nước phục vụ cho sinh hoạt ngày một tốt hơn và ở một số nơi đã đáp ứng được nhu cầu, đời sống người dân được cải thiện, góp phần vào phát triển kinh tế, nước phục vụ cho chăn nuôi, góp phần làm xanh, sạch, đẹp làng, xã. Tình trạng không sử dụng nhà tiêu hoặc sử dụng phân chưa qua xử lý giảm dần. Cùng với đó là tỷ lệ người dân vùng nông thôn tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh không ngừng tăng cao. Điển hình như tỉnh Bắc Giang, sau 5 năm thực hiện chương trình, Trung tâm NS và VSMTNT tỉnh đã đầu tư xây dựng 28 công trình, trong đó có 12 công trình đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng. Ngoài ra, hằng năm nhân dân tự đầu tư làm khoảng 5.000 công trình cấp nước phân tán, đưa tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch từ 58,6% (năm 2005) lên khoảng 86,8% (năm 2010) trong đó số dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế khoảng 52,4%. Đối với công tác vệ sinh môi trường nông thôn, đến hết năm 2010, số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt khoảng 80,2% và khoảng 70% có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh. Đặc biệt, sự chuyển biến của chính quyền địa phương về nhận thức trách nhiệm và tầm quan trọng của NS và VSNT được nâng cao rất nhiều, bệnh tật giảm rõ rệt. Điển hình như các tỉnh Tiền Giang, Lào Cai trước đây thường xuất hiện các bệnh sốt rét, bệnh đường ruột nhưng hiện nay tình trạng này đã giảm đáng kể. 

Kiểm tra hệ thống ống dẫn xây dựng Nhà máy nước sạch xã Đồng Sơn (Nam Trực).  Ảnh: Xuân Thu
Kiểm tra hệ thống ống dẫn xây dựng Nhà máy nước sạch xã Đồng Sơn (Nam Trực).
Ảnh: Xuân Thu

Không chỉ chú trọng đến việc cấp nước cho nhân dân các vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mà Chương trình mục tiêu Quốc gia NS và VSMTNT còn ưu tiên cấp nước đến cả những hộ nghèo. Qua chuyến khảo sát của Văn phòng Thường trực Chương trình mục tiêu NS và VSNT II và các đơn vị liên quan tại các vùng Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long cho thấy việc thực hiện Chương trình mục tiêu NS và VSNT giai đoạn II ở một số tỉnh tương đối thành công. Đáng chú ý là các địa phương đã chú trọng đến việc ưu tiên cấp nước cho các đối tượng là những hộ nghèo và cận nghèo có thu nhập thấp trong xã hội. Nhất là những đối tượng thuộc hộ nghèo nhất trong số những hộ nghèo mà không thể vay vốn hoặc không có khả năng trả phí đấu nối và hóa đơn tiền nước, có nguy cơ không được hưởng lợi. Bên cạnh đó, các biện pháp hướng tới người nghèo rất đa dạng kể cả về mục tiêu theo vùng miền và vay vốn lãi suất thấp từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để trả chi phí đấu nối và công trình vệ sinh đã được áp dụng.

Có thể nói, Chương trình mục tiêu Quốc gia NS và VSMTNT giai đoạn 2006-2010 đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn để hoàn thành mục tiêu vệ sinh hộ gia đình, vệ sinh cá nhân. Ngoài ra, chất lượng nước và môi trường nông thôn, nhất là vùng khó khăn, một số địa phương có hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo chưa được tiếp cận các dịch vụ về nước hợp vệ sinh, chất lượng môi trường sinh thái ở nhiều vùng nông thôn đang bị ô nhiễm và xâm hại nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh xã hội hoá cung cấp nước sạch, xử lý vệ sinh môi trường nông thôn dù đã phát động, đẩy mạnh, nhưng chưa thu hút được nhiều cá nhân, tổ chức xã hội tham gia. Cùng với đó là thực trạng những vùng, khu vực đã được đầu tư xây dựng các công trình cấp nước, công trình vệ sinh nhưng vẫn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững; ý thức cộng đồng tham gia bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng công trình còn hạn chế, có tâm lý trông chờ Nhà nước. Nhằm tiếp tục nâng cao điều kiện sống cho người dân khu vực nông thôn, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư cho Chương trình NS và VSMTNT. Trong đó, ưu tiên cho vệ sinh tại các hộ gia đình, trường học, trạm y tế… Theo đó, sẽ tập trung tăng cường đầu tư cải thiện các dịch vụ cấp nước sạch, vệ sinh; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng về bảo vệ môi trường, vệ sinh công cộng và vệ sinh cá nhân. Đáng chú ý, giai đoạn này sẽ ưu tiên các vùng sâu, xa, ven biển, nơi thường xuyên hạn hán, khó khăn về nguồn nước và vùng nguồn nước bị ô nhiễm. Ngoài ra, Chương trình còn đa dạng hóa các loại hình công nghệ cấp nước và vệ sinh thích hợp, trong đó ưu tiên các giải pháp công nghệ phục vụ cho các đối tượng nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Theo định hướng của Chính phủ, mục tiêu về cấp NS và VSMTNT là một trong những tiêu chí quan trọng trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới.

Hoàng Hùng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com