Năm 2009, cơ sở trồng nấm của gia đình anh Trần Công Trí, xã Yên Bình (Ý Yên) sản xuất được gần 10 tấn nấm các loại, doanh thu đạt hơn 200 triệu đồng.
Ảnh: Đức Đạt |
Huyện Ý Yên có hơn 13,6 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có gần 3000 ha đất chuyên màu. Với mục tiêu đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác, huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng triển khai xây dựng các mô hình cây, con mới tạo bước đột phá trong sản xuất. Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với các xã: Yên Quang, Yên Bình, Yên Hưng, Yên Phương xây dựng mô hình trồng nấm ăn và nấm dược phẩm. Để bảo đảm thành công, Trạm Khuyến nông huyện đã kết hợp với Viện Di truyền công nghệ sinh học (Bộ NN-PTNT) tổ chức hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ, phương pháp thu hoạch, bảo quản nấm, đồng thời hỗ trợ tạo nguồn vốn ban đầu cho các hộ tham gia mô hình để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu. Ưu điểm của nghề trồng nấm là tận dụng được nguồn lao động nữ ở các địa phương và nguồn phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp là rơm, rạ cũng như mùn cưa từ nghề mộc ở các địa phương. Nhờ thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, bảo vệ nên nấm trồng ở các địa phương đều sinh trưởng, phát triển tốt. Năng suất nấm mỡ đạt 300 kg/tấn nguyên liệu, nấm sò đạt 700 kg/tấn nguyên liệu. Với giá bán 12000-15000 đồng/kg, người trồng nấm có thu nhập cao so với cấy lúa nhiều lần. Nhận thấy phát triển nghề trồng nấm có hiệu quả, ở các xã trên đã thành lập các tổ hợp tác với 20-30 hộ trồng nấm để hỗ trợ nhau về kỹ thuật, giống và bao tiêu sản phẩm… Cùng với việc phát triển nghề mới, Trạm Khuyến nông huyện còn chủ động phối hợp ngành nông nghiệp trồng khảo nghiệm các giống cây trồng, cách làm mới. Xác định cây lạc là cây có giá trị kinh tế cao, có khả năng trồng trên diện tích đất 2 vụ lúa/năm, Trạm Khuyến nông đã tập trung tuyên truyền, vận động xã viên ở các HTX: Yên Chính, Yên Bình, Yên Lợi, Yên Minh… triển khai trồng các giống lạc đã được thuần hóa như: Trạm Dầu 207, Sán Dầu 30 trên diện tích đất 2 vụ lúa. Phối hợp với các HTX: Yên Cường, Yên Nhân trồng khảo nghiệm các giống lạc L14, L18, X20, L26. Qua đó đã lựa chọn được các giống lạc phù hợp với truyền thống canh tác, điều kiện thổ nhưỡng ở các địa phương gồm: L14, L18 và L26. Dự kiến, vụ xuân năm 2011, huyện tiếp tục đưa vào trồng thử nghiệm giống lạc TB25. Việc trồng khảo nghiệm và lựa chọn giống lạc phù hợp là cơ sở để huyện tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây màu, tạo sự chuyển biến rõ nét về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa. Trong 3 năm trở lại đây, diện tích trồng lạc của huyện liên tục tăng cả về diện tích, năng suất, chất lượng. Đến nay, diện tích trồng lạc của toàn huyện đã đạt hơn 3000 ha, tăng hơn 1000 ha so với năm 2006. Cây lạc trở thành cây trồng chủ lực của nhiều địa phương trong huyện. Bên cạnh đó, huyện xây dựng các mô hình trồng cây nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu như: ngô ngọt ở các xã Yên Cường, Yên Nhân, Yên Thắng, Yên Lương; cà chua ở các xã Yên Lợi, Yên Phú, Yên Bình; dưa chuột bao tử ở các xã Yên Cường, Yên Thắng, Yên Thành, Yên Nghĩa, Yên Trung… Cùng với việc lựa chọn và đưa vào trồng các loại giống cây trồng mới, huyện tập trung xây dựng các mô hình con nuôi mới. Hiện nay, ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các địa phương trong huyện đang phát triển mạnh đã góp phần nâng cao nguồn thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, nguồn chất thải từ ngành chăn nuôi không được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường đã và đang gây nên tình trạng bức xúc ở nhiều khu dân cư. Để giải quyết vấn đề này, Trạm Khuyến nông huyện đã lựa chọn xây dựng mô hình "Lợn nái sinh sản hướng nạc, bảo đảm vệ sinh môi trường" ở các xã: Yên Thắng, Yên Lợi, Yên Chính, Yên Thọ và Yên Thành. Đây là những địa phương có nhiều gia đình phát triển nghề nuôi lợn. Tham gia xây dựng mô hình, các hộ được hỗ trợ một phần tiền mua lợn giống, cám. Toàn bộ lợn giống được Trung tâm giống lợn của tỉnh cung cấp, bảo đảm đẻ tốt, ổn định. Đồng chí Trịnh Văn Mậu, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: Với sự hỗ trợ của huyện, đến nay đã có nhiều gia đình tham gia chương trình này, các gia đình nuôi với số lượng 20-50 con lợn nái, điển hình như gia đình các ông: Nguyễn Tiến Cần, ở thôn Bình Thọ, xã Yên Thọ; Nguyễn Việt Hùng ở thôn Phương Xá, xã Yên Lợi… Điểm mới trong các mô hình này là lợn được nuôi trên nền đệm lót sinh học bằng mùn cưa hoặc trấu được ủ lên men nhờ sử dụng chế phẩm sinh học. Thực tế cho thấy, phương pháp nuôi lợn theo mô hình này tiết kiệm được nước do không phải tắm cho lợn, rửa chuồng; chất thải, thức ăn thừa của lợn hàng ngày được ủ lên men nên chất thải xả ra môi trường ít và hầu như không có mùi, các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa ở lợn giảm đáng kể. Người chăn nuôi có lãi cao hơn so với cách nuôi thông thường do tiết kiệm được nguồn vốn đầu tư, công sức và một số chi phí khác liên quan. Từ năm 2009 đến nay, huyện Ý Yên còn xây dựng một số mô hình con nuôi khác như: Chăn nuôi gà an toàn sinh học cho hộ nghèo ở các xã: Yên Cường, Yên Thành, với hơn 100 hộ tham gia; mô hình nuôi con đặc sản bao gồm ba ba, dế, nhím… ở các xã Yên Bằng, Yên Hồng, Yên Bình, Yên Phương, Yên Nghĩa, Yên Thắng, Yên Lợi và Yên Dương. Các hộ tham gia xây dựng các mô hình đều được Trạm Khuyến nông huyện tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, phương pháp xây dựng chuồng trại, chăm sóc, bảo vệ…
Trong thời gian tới, huyện Ý Yên tiếp tục triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi bằng việc xây dựng những giống cây trồng, con nuôi mới, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân ở các xã, thị trấn trong huyện./.
Văn Phương