Nhờ làm tốt việc dạy nghề, truyền nghề, lao động nông thôn có thêm việc làm, tăng thu nhập.
Ảnh:
Dương Đức
|
Xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) là xã thuần nông nên đời sống của nhân dân trước đây còn gặp khó khăn. Để phát triển kinh tế địa phương, Đảng uỷ, HĐND xã Mỹ Tiến đã có nghị quyết chuyên đề về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi; trong đó tập trung đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, các chế độ chính sách để thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân. UBND xã xây dựng kế hoạch thực hiện; bắt đầu từ việc dồn điền đổi thửa khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, để chuyên canh cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề. Bên cạnh đó, xã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất như hệ thống đường giao thông; mương máng; hệ thống điện cùng các cơ chế chính sách hỗ trợ ưu tiên cho vay vốn sản xuất từ các kênh. Sau nhiều năm thực hiện, đến nay Mỹ Tiến xây dựng được 3 vùng chuyên canh gồm: vùng lúa cao sản, đặc sản; vùng chuyên canh cây ăn quả, cây cảnh; vùng nuôi trồng thuỷ sản lúa cá, đem lại hiệu quả kinh tế khá.
Tuy đã có những thành công bước đầu nhưng Mỹ Tiến còn gặp một số khó khăn do mô hình kinh tế theo quy mô gia trại, trang trại phát triển tự phát, thiếu hướng dẫn; việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; thiếu vốn sản xuất, thị trường tiêu thụ không chủ động; việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho các hộ nông dân còn nhiều lúng túng, hiệu quả thấp do đào tạo không gắn với tạo việc làm.
Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về dạy nghề cho lao động nông thôn như một cơ hội mới để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp - nông thôn phát triển. Trước khó khăn về yêu cầu, thực trạng nhu cầu lao động, việc làm ở nông thôn hiện nay, UBND xã Mỹ Tiến đã chủ động đề xuất với huyện cho phép xã tiếp cận với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi chiêu sinh lớp nuôi trồng thuỷ sản, xã đã nhận được trên 100 hồ sơ xin học nghề; xã đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện mở lớp dạy nghề nuôi trồng thuỷ sản cho các hộ tham gia sản xuất tại vùng quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản của xã.
Sau khi tham gia khoá học, cả 35 hộ đều đi vào sản xuất ổn định. Hộ ông Trần Văn Kiên (thôn Nguyễn Huệ) nuôi cá thịt, cá giống trên diện tích 2 mẫu ao hồ cho biết: "Nhờ tài liệu, giáo viên hướng dẫn cụ thể, thực địa tại ao hồ của địa phương và gia đình, chỉ sau hơn 1 tháng áp dụng, cá giống, cá thịt của gia đình tôi đều lớn nhanh". Ngoài lớp dạy nghề nuôi trồng thuỷ sản, xã Mỹ Tiến đang đề nghị mở lớp đào tạo nghề may cho 200 lao động. Hiện trên địa bàn xã, Cty Hải Âu đã thuê đất, chuẩn bị mở xưởng may với tổng diện tích 2400 m2. Theo nhu cầu phát triển kinh tế, các hộ trong xã còn đề nghị được học các lớp trồng cây ăn quả, cây cảnh... Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn bước đầu đã trở thành cơ hội để phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả thu nhập cho các hộ gia đình nông dân tại Mỹ Tiến./.