Xuân Trường phát triển kinh tế sinh vật cảnh

09:11, 05/11/2010

Ông Phạm Văn Phiếm, hội viên Hội Sinh vật cảnh xã Hải Minh (Hải Hậu) phát triển kinh tế từ trồng cây cảnh, hàng năm thu lãi hàng chục triệu đồng. Ảnh: Đức Hoa
Ông Phạm Văn Phiếm, hội viên Hội Sinh vật cảnh xã Hải Minh (Hải Hậu) phát triển kinh tế từ trồng cây cảnh, hàng năm thu lãi hàng chục triệu đồng.
Ảnh: Đức Hoa
Xã Xuân Ninh (Xuân Trường) có diện tích 909 ha, dân số xấp xỉ 16 nghìn người, tập trung ở 4 thôn Xuân Dục, Hưng Nhân, Nghĩa Xá, Lạc Quần. Ngoài sản xuất nông nghiệp và nghề truyền thống là dệt chiếu vê đay với thương hiệu "chiếu đậu Xuân Dục", từ những năm 1980 của thế kỷ trước, ở thôn Lạc Quần đã có hơn chục hộ tham gia trồng, chơi cây cảnh. Sau đó, nhận thấy tiềm năng phát triển, hiệu quả kinh tế từ nghề trồng cây cảnh, từ thành công của một số hộ ở thôn Lạc Quần, nhiều hộ ở các thôn khác đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư vốn, thời gian để nghiên cứu, phát triển nghề trồng cây cảnh. Với điểm xuất phát chỉ có vài hộ tham gia, đến năm 1995, nghề trồng cây cảnh đã thu hút trên 30 hộ gia đình tham gia. Trước sự phát triển của phong trào trồng cây cảnh, năm 1995, Hội sinh vật cảnh xã Xuân Ninh được thành lập với 15 hội viên. Để thuận tiện cho việc trồng, trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm về cây cảnh, cây thế, Hội Sinh vật cảnh đã tổ chức cho các hội viên học tập, trao đổi, tư vấn kỹ thuật tỉa cây, uốn thế, tạo "sẹo" và hỗ trợ nhau trong việc vận chuyển, trao đổi, mua bán cây cảnh. Mỗi năm ở Xuân Ninh có hàng trăm lượt người đến các địa phương có truyền thống trồng cây cảnh ở trong và ngoài tỉnh học tập kỹ thuật, nắm bắt xu hướng thị trường cây cảnh, cây thế để về địa phương sản xuất. Theo số liệu của Hội sinh vật cảnh xã, Xuân Ninh hiện có gần 1000 hộ tham gia trồng cây cảnh, trong đó 80% hộ có diện tích từ 150 m2 trở lên với hàng chục nghìn cây cảnh các loại như: sanh, si, lộc vừng, đa… Số hộ có vườn cây cảnh trị giá trên 150 triệu đồng đã phát triển gần 100 hộ, trong đó có một số hộ tiêu biểu có vườn cây cảnh trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên là hộ các ông: Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Đức Chính… cùng ở thôn Xuân Dục, Mai Văn Khánh thôn Hưng Nhân… Phong trào sinh vật cảnh ở Xuân Ninh phát triển mạnh nên đã cung cấp hàng nghìn cây cảnh, cây thế các loại cho thị trường không chỉ lân cận trong huyện, trong tỉnh mà còn đến tận các tỉnh xa như: Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh…

Từ thú chơi tao nhã của một số ít người, trong thời kỳ đổi mới, nghề trồng hoa, cây cảnh ở một số địa phương như Xuân Ninh, Xuân Phương… đã lan rộng sang các xã khác như Xuân Thuỷ, Xuân Đài, Thọ Nghiệp… Trước sự phát triển của phong trào trồng cây cảnh, năm 1997, Hội sinh vật cảnh huyện Xuân Trường đã chính thức được thành lập và bước vào hoạt động với khoảng 80 hội viên. Bắt đầu từ đó, nghề trồng cây cảnh chính thức trở thành hoạt động có tổ chức, định hướng và dần trở thành một ngành kinh tế mang lại thu nhập cao cho người dân. Thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Xuân Trường đã chủ trương khuyến khích các địa phương phát huy tối đa tiềm năng phát triển nghề trồng cây cảnh thành ngành kinh tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giao Hội Sinh vật cảnh huyện phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và giúp đỡ nhau trong việc tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, vận động nhân dân mạnh dạn đầu tư kinh phí cải tạo các diện tích thùng đào, ao, hồ, đầm hoang hoá ven đê và chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa-cây cảnh. Từ năm 2000 đến nay, nghề trồng hoa - cây cảnh đã phát triển thành phong trào sản xuất - kinh doanh sinh vật cảnh quy mô lớn ở nhiều địa phương như: Xuân Thuỷ, Xuân Ninh, Xuân Đài, Xuân Bắc, Xuân Trung, Xuân Phương… tiêu thụ khắp các thị trường trong-ngoài nước. Trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội vừa qua, huyện Xuân Trường đã có 8 tác phẩm sinh vật cảnh nghệ thuật được lựa chọn triển lãm tại Bảo tàng Hà Nội (từ ngày 6 đến 16-10). Đây không chỉ là vinh dự của những hộ có sản phẩm được trưng bày mà còn là sự ghi nhận những bước phát triển của ngành sinh vật cảnh huyện Xuân Trường. Đến nay, Hội Sinh vật cảnh huyện Xuân Trường đã phát triển được 1025 hội viên với trên 150 chi hội, 20/20 xã đã thành lập Hội sinh vật cảnh. Toàn huyện có 6 người được tặng danh hiệu Nghệ nhân sinh vật cảnh cấp tỉnh, 69 người được tặng danh hiệu Nghệ nhân sinh vật cảnh cấp huyện. Trên 50% số hội viên có doanh thu thực tế từ 50-60 triệu đồng/năm, trên 20% số hội viên có doanh thu trên 150 triệu đồng/năm, đặc biệt có một số hội viên có mức doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm tiêu biểu là hộ các ông: Đoàn Xuân Phượng (Xuân Thuỷ), Mai Văn Khánh (Xuân Ninh), Phạm Hồng Thái (Xuân Kiên), Vũ Xuân Thường (Xuân Đài)… Cùng với phong trào sinh vật cảnh phát triển, các hoạt động dịch vụ như: thiết kế hòn non bộ, quay chậu, tạo dáng và sản xuất bồn, bể ang, vận chuyển… cũng phát triển với gần 100 hộ tham gia, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho gần 500 lao động địa phương.

Sinh vật cảnh đã trở thành một ngành kinh tế cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng làm giàu mới, chính đáng cho nhiều hộ dân ở các xã trong huyện Xuân Trường. Nhờ tham gia sản xuất, buôn bán cây cảnh, đời sống của nhiều hộ trong xã đã từng bước được cải thiện và vươn lên làm giàu, nhiều hộ đã đạt mức thu nhập trên một trăm triệu đồng/năm. Trong những năm tới, huyện Xuân Trường phấn đấu đưa sinh vật cảnh phát triển thành một ngành kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2015 giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 85-90 triệu đồng/ha./.

Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com