Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Xã Tam Thanh (Vụ Bản) có 452 ha diện tích đất nông nghiệp. Do địa hình không bằng phẳng nên đất canh tác thường bị hạn vào vụ xuân, úng ngập vào vụ mùa, trong đó, một phần diện tích trũng ven sông Sắt chỉ cấy được vụ xuân. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, năm 2002, xã Tam Thanh đã quy hoạch chuyển đổi 60 ha diện tích cấy lúa năng suất thấp sang nuôi thủy sản tại các thôn Phú Thọ, Dư Duệ, Quảng Cư và Lê Xá. Việc dồn điền đổi thửa được bà con nông dân nhanh chóng thực hiện, những mảnh ruộng manh mún, phân tán được quy lại thành vùng chuyên canh, thuận tiện cho phát triển sản xuất. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh và một phần đóng góp của nhân dân, khu vực này đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo một số công trình đầu mối như trạm bơm Lê Xá, Quảng Cư, làm gần 2 km đường bê tông ra đồng và xây dựng hệ thống kênh mương với chiều dài trên 3 km, bảo đảm phục vụ nhu cầu tưới tiêu thuận lợi. Ngoài ra, các hộ tham gia chuyển đổi sang nuôi thủy sản đã chủ động nguồn vốn đầu tư cải tạo ao, nạo vét bùn đất, đào mương dẫn thoát nước, xây dựng bờ theo đúng quy hoạch, phù hợp với yêu cầu nuôi thủy sản. Mỗi hộ trong vùng chuyển đổi có 2.000m2 trở lên, diện tích liền kề, các bờ vùng tận dụng để trồng cây lâu năm, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Để việc chuyển đổi đạt hiệu quả cao, UBND xã đã chỉ đạo HTX mời cán bộ khuyến nông, khuyến ngư của tỉnh, huyện về tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn xã viên chọn và nuôi các con giống có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện đồng đất của địa phương. Trong 2 năm 2006-2008, xã có 45 hộ chuyển đổi với diện tích 17 ha, đến nay có thêm 17 hộ, nâng tổng số diện tích chuyển đổi lên 26 ha. Tại các vùng chuyển đổi, xã viên chủ yếu nuôi các loại cá truyền thống gồm trôi, chép, mè, rô phi đơn tính. Nhờ nắm vững kỹ thuật và có hệ thống kênh mương tưới tiêu thuận lợi nên sản lượng cá mỗi năm của xã đều tăng lên, thị trường tiêu thụ ổn định, cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Năm 2009, sản lượng cá của các hộ ở vùng chuyển đổi thu hoạch được 56 tấn, thu lãi trên 400 triệu đồng. Nhiều hộ có diện tích trên 1 ha, cho thu nhập cao như hộ các ông Dương Văn Đón, Dương Văn Cần (thôn Quảng Cư), Lê Văn Hòa, Lê Văn Tuyển, Lê Văn Toản (thôn Lê Xá), Bùi Văn Phiếu, Phạm Văn Hiệp (thôn Phú Thọ)… Ngoài ra, các hộ còn có thu nhập thêm từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, ước tính thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Hiện nay, xã đã có 22 trang trại được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn với tổng diện tích 44,27ha. Gia đình anh Lê Văn Sáu (thôn Quảng Cư) là một trong những hộ đầu tiên tham gia chuyển đổi sang nuôi thủy sản. Anh cho biết, được UBND xã khuyến khích và tạo điều kiện cho vay vốn, đến nay, sau 7 năm chuyển đổi anh đã có một trang trại với quy mô gần 1 ha nuôi cá truyền thống, mỗi năm thu từ 1,2-1,3 tấn cá. Anh còn dành diện tích xây dựng chuồng trại, nuôi thường xuyên 150 con gà, 100 con vịt và 30 con lợn thịt; trừ chi phí mỗi năm trang trại của anh Sáu cho thu lãi gần 20 triệu đồng. Anh Lê Văn Quang (thôn Lê Xá) đã chuyển đổi 2 ha ruộng trũng sang làm trang trại cho hiệu quả. Anh đầu tư vốn, cải tạo thành ao nuôi cá, trên bờ xây chuồng trại nuôi lợn và vịt, thu lãi mỗi năm gần 20 triệu đồng.
Những năm tới, xã Tam Thanh tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân chuyển đổi diện tích vùng trũng sang nuôi thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã mở rộng diện tích nuôi thủy sản lên 60 ha theo đúng quy hoạch; khuyến khích các hộ đưa nhiều con giống thủy sản có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao vào sản xuất, tạo cơ sở cho việc nâng cao thu nhập cho người dân ở địa phương./.
Thanh Thủy