Trực Ninh phát triển công nghiệp dệt may

09:11, 19/11/2010

 

Dệt khăn xuất khẩu tại Cty tư nhân Lương Anh, CCN thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).
Dệt khăn xuất khẩu tại Cty tư nhân Lương Anh, CCN thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).

Hiện nay, trên địa bàn huyện Trực Ninh có 19 doanh nghiệp, HTX dệt may, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập bình quân 1,5-1,7 triệu đồng/người/tháng. Các cơ sở sản xuất trong huyện có 1800 khung dệt các loại, trong đó có 80 máy dệt công nghiệp, tập trung chủ yếu ở thị trấn Cổ Lễ và các xã Trực Chính, Phương Định, Trực Nội, Trực Đạo, Trực Thuận, Trực Mỹ. Lợi thế trong phát triển công nghiệp dệt may ở Trực Ninh là có nhiều làng nghề dệt truyền thống như Dịch Diệp, Cự Trữ, Nhự Nương, Cổ Chất; nguồn lao động trẻ dồi dào; một số địa phương được đầu tư xây dựng CCN, được huyện tạo điều kiện về thủ tục hành chính, vay vốn ngân hàng, cho thuê đất để xây dựng nhà xưởng. Từ năm 1999, nhiều doanh nghiệp, HTX trong huyện đã ký được hợp đồng liên kết sản xuất thông qua các Cty dệt may lớn trong và ngoài tỉnh như Tổng Cty cổ phần dệt may Nam Định, Cty cổ phần dệt may Sơn Nam, Cty Trường Xuân, Cty cổ phần may Tuyết Thành và Cty cổ phần Đông Phong (Thái Bình)… nên nghề dệt của huyện được phục hồi và phát triển thêm nghề may. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang có xu hướng tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động như: Cơ sở dệt khăn xuất khẩu Ngọc Trung (CCN thị trấn Cổ Lễ) có vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 100 lao động; Cty cổ phần Vĩnh Giang (thị trấn Cổ Lễ) tạo việc làm cho 200 lao động; Cty TNHH Thành Trung (Trực Nội) có 80 lao động; Cty cổ phần may Khánh Loan có 200 lao động, Doanh nghiệp tư nhân Việt Cường (Phương Định) có trên 40 lao động... Các HTX dệt Bình Định, Vạn Diệp (Trực Chính), Hưng Thịnh, Trung An (Phương Định) có 30-60 lao động. Một số doanh nghiệp đang tiếp tục đầu tư, xây dựng nhà xưởng dệt may như HTX cổ phần dệt may Toàn Thắng (Phương Định), doanh nghiệp tư nhân dệt may Thuận Phượng (Trực Phú)… Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp, HTX dệt may trên địa bàn huyện đã từng bước đổi mới quy trình sản xuất trang thiết bị công nghệ theo hướng bán tự động, thay thế khung dệt cũ khổ hẹp sang khung khổ rộng, tốc độ dệt nhanh tăng năng suất 6-20kg sợi/ngày/máy và tiết kiệm điện, bảo đảm chất lượng sản phẩm đều, đẹp hơn so với trước… Đối với nghề may, các doanh nghiệp chủ yếu hợp đồng gia công theo đơn hàng, khối lượng công việc đủ để các doanh nghiệp sản xuất quanh năm. Năm 2010, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Trực Ninh ước đạt 700 tỷ đồng, trong đó ngành công nghiệp dệt may đạt gần 150 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước. Một số sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao là khăn các loại đạt 80700 tấn, riêng khăn xuất khẩu đạt 52700 tấn, dệt màn gạc đạt 15,5 triệu m2… Doanh nghiệp tư nhân Lương Anh (CCN thị trấn Cổ Lễ) có diện tích 4750 m2, chuyên dệt may gia công khăn mặt xuất khẩu, tạo việc làm cho gần 200 lao động địa phương với thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng. Bình quân mỗi năm, Cty sản xuất 500 tấn sản phẩm các loại. Cty đã đầu tư gần 2 tỷ đồng mua 160 máy dệt khổ rộng, 8 máy suốt, 8 máy mắc. Ngoài ra, Cty còn có 10 máy dệt khổ rộng có đầu máy zăcka có thể dệt hoa chữ nổi, thêu hoa văn trang trí trên khăn… đáp ứng yêu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Sự đầu tư đồng bộ hệ thống máy móc đã giúp Cty có khả năng sản xuất được nhiều loại khăn có kích cỡ khác nhau, đồng thời năng suất tăng gần 50% so với phương thức dệt trước đây và sản phẩm đều, đẹp. Năm 2010, doanh thu của Cty ước đạt 20 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2009. Hiện nay, Cty đang xây dựng thêm một xưởng may hàng xuất khẩu có diện tích 500m2; dự kiến đầu năm 2011 sẽ đi vào sản xuất và sẽ thu hút tạo việc làm cho 200 lao động.

Khó khăn đối với ngành công nghiệp dệt may ở Trực Ninh hiện nay là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ yếu ở dạng quy mô nhỏ, làm "vệ tinh" cho các doanh nghiệp lớn, chưa có doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu trực tiếp. Một số địa phương có nghề dệt may truyền thống nhưng chưa xây dựng được điểm sản xuất tập trung, các làng nghề dệt còn nằm trong khu dân cư, hạn chế tới việc mở rộng quy mô sản xuất và ảnh hưởng đến môi trường… So với một số ngành khác, thu nhập của lao động làm nghề dệt may chưa cao nên khó thu hút được nhiều lao động. Để phát triển công nghiệp dệt may, trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, những năm tới, huyện Trực Ninh tiếp tục quy hoạch, phát triển nghề dệt may tại thị trấn Cổ Lễ và các xã Trực Chính, Phương Định, Trực Đạo, Trực Nội, Trực Phú; xây dựng điểm công nghiệp làng nghề dệt Phương Định, Dịch Diệp, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, thành lập doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm; sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ Quỹ khuyến công của tỉnh, huyện để đào tạo cho lao động, nhất là lao động dệt may và nâng cao tay nghề; tạo thuận lợi giúp người dân vay vốn, phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian tới./.

Bài và ảnh: Thanh Thủy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com