Thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường

09:11, 05/11/2010

Theo quy luật của thị trường, những tháng cuối năm là thời điểm giá hàng hóa các loại tăng cao do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng. Dự báo của các chuyên gia kinh tế cho biết, những tháng cuối năm kinh tế thế giới và trong nước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Những biến động của kinh tế toàn cầu, giá cả thị trường quốc tế đã và đang tác động trực tiếp đến giá cả trong nước. Giá các loại hàng hóa tăng cao, đặc biệt là nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho các ngành sản xuất… ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, giá cả thị trường cũng như đời sống của nhân dân. Ngoài ra, có khả năng một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình giá cả tăng găm hàng đẩy giá hàng hóa tăng cao.

Bánh, mứt, kẹo là mặt hàng tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm. Ảnh: Dương Đức
Bánh, mứt, kẹo là mặt hàng tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm.
Ảnh: Dương Đức

Việc điều chỉnh tăng giá hàng hóa thiết yếu đầu vào như than, điện, nước… theo cơ chế thị trường, thay đổi cơ chế cho vay với lãi suất thỏa thuận cũng đang tạo sức ép về tâm lý tăng giá đối với nhiều loại hàng hóa khác. Từ đầu tháng 10 trở lại đây, nhiều mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu  gồm lương thực, thực phẩm, đường, sữa, vật liệu xây dựng, gas… đã tăng ở mức 7-10%, cá biệt có mặt hàng tăng tới 12-15%. Giá hàng hóa tăng nhanh đã khiến cho không ít người tiêu dùng có tâm lý lo ngại.

Để góp phần kiềm chế tăng giá, bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, Sở Công Thương đã đề ra một số giải pháp gồm: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, các doanh nghiệp về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bình ổn giá, chống lạm phát như quy định về Pháp lệnh Giá; Đăng ký kê khai giá, niêm yết và bán theo giá niêm yết các loại hàng hóa dịch vụ, không tự ý nâng giá bán hàng hóa, không đầu cơ tăng giá, buôn lậu, gian lận thương mại… nhằm ổn định sản xuất kinh doanh và phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh. Các doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, sắt thép, xi măng, phân bón, thuốc tân dược, lương thực… chủ động bám sát nguồn hàng, dự trữ hợp lý, sẵn sàng cung ứng hàng hóa đáp ứng đủ của thị trường. Tiết kiệm chi phí nhằm hạ giá bán, xây dựng hệ thống đại lý phân phối ổn định, quản lý và giám sát chặt chẽ hệ thống đại lý, liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai phạm của đại lý trong hệ thống của mình. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, vận tải… chủ động tiết kiệm chi phí, giữ ổn định giá cước dịch vụ, không tăng giá quá mức. Các lực lượng chức năng như Công an, Thuế, Tài chính, Quản lý thị trường… triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, trong đó tập trung kiểm tra các mặt hàng thiết yếu như vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh… Phối hợp với các ngành, các địa phương tăng cường quản lý, hướng dẫn các cơ sở thực hiện nghiêm các giải pháp của Chính phủ, sự chỉ đạo của các Bộ, ngành và UBND tỉnh nhằm ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung vào những mặt hàng chủ lực như dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghệ chế biến khác. Quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Thủy Thanh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com