Sản xuất nước mắm, đặc biệt là sản xuất theo phương pháp cổ truyền đòi hỏi các quy trình nghiêm ngặt theo đúng trình tự và thời gian, điều kiện bảo quản, ngâm ủ, chắt lọc…, nếu bỏ qua một trong số các công đoạn coi như hỏng. Nguyên liệu để sản xuất nước mắm là cá tươi được ngâm ủ với muối dưới ánh nắng mặt trời, tùy theo bí quyết và cách làm của mỗi tập thể, cá nhân nhưng tuyệt đối không có sự “tham gia” của các loại hóa chất. Nghị định 89/2006/NĐ - CP của Chính phủ quy định, nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa đối với các mặt hàng thực phẩm, trong đó có nước mắm gồm: tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa; định lượng; ngày sản xuất; hạn sử dụng; thành phần hoặc thành phần định lượng; thông tin cảnh báo vệ sinh an toàn; hướng dẫn sử dụng, bảo quản.
Cty cổ phần chế biến hải sản Nam Định, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) chuyên sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống được thị trường ưa chuộng.
Ảnh:
Dương Đức
|
Hiện nay, tại các chợ trên địa bàn tỉnh, mặt hàng nước mắm khá phong phú có giá khác nhau tùy theo từng loại cụ thể. Phổ biến và được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn nhất vẫn là các sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng như nước mắm Nam Ngư, Nha Trang, Phú Quốc… Tại tỉnh ta, sản phẩm nước mắm của làng nghề truyền thống Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thủy) hay của các cơ sở chế biến, sản xuất nước mắm khác ở huyện Hải Hậu như Quý Thịnh, Ninh Cơ, Đại Thành, Phú Hải, Dân Phú… cũng đang được nhiều người biết đến và có khả năng cạnh tranh được với một số loại nước mắm khác. Các hãng nước mắm này có nhãn mác rõ ràng, thông tin đầy đủ về tên, địa chỉ, xuất xứ hàng hóa, thành phần định lượng… Có được thương hiệu này, các hãng sản xuất nước mắm đã phải mất một thời gian dài để rút ra bí quyết riêng nhằm giữ được uy tín với người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế không phải loại nước mắm nào cũng được sản xuất theo đúng quy trình quy định, kể cả những loại nước mắm được gắn biểu tượng “Hàng Việt Nam chất lượng cao” với nhiều lời quảng cáo như “nước mắm thượng hạng”, “nước mắm sạch”, “đạt giải thưởng tại các hội chợ triển lãm”, độ đạm cao, sản xuất bằng phương pháp cổ truyền… Trên thị trường hiện nay, có những loại ghi “nước mắm Nha Trang”, “nước mắm cá cơm, chim trắng Phú Quốc”..., nhưng thực tế lại được pha chế đóng chai tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong và ngoài tỉnh. Các loại nước mắm này nhìn qua có hình thức, nhãn mác khá đẹp nhưng chỉ cần chú ý sẽ thấy nội dung nhãn mác nhập nhèm, ghi không đầy đủ các thông tin cần thiết. Cụ thể, nước mắm cá chim trắng thượng hạng, cốt cá cơm ghi là sản xuất tại Nha Trang đóng chai ở Nam Định cơ sở M.L (Mỹ Lộc), N.H (TP Nam Định), B.D (Nam Trực)… hạn sử dụng ghi một năm nhưng lại không ghi ngày sản xuất, không có thành phần định lượng và hướng dẫn bảo quản cũng như các quy định bắt buộc khác. Tại các chợ hiện nay, tình trạng bán nước mắm không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác khá phổ biến. Các loại nước mắm này giá rẻ, trên dưới 10 nghìn đồng/lít, thường được đựng trong can to. Chi cục QLTT tỉnh gần đây trong quá trình kiểm tra, kiểm soát đã phát hiện một cơ sở sản xuất nước mắm Nha Trang giả tại thị trấn Đông Bình (Nghĩa Hưng) với nguyên liệu chủ yếu gồm dấm, muối ăn, hóa chất tạo màu và một số phụ gia khác. Ngoài ra, các đội QLTT cũng thu giữ và tiêu hủy hàng nghìn tem nhãn giả nước mắm Nha Trang. Vì thế, người tiêu dùng khi chọn mua nước mắm, nên mua của các hãng có thương hiệu, uy tín, chất lượng bảo đảm, có nhãn mác đầy đủ, rõ ràng các thông tin theo đúng quy định bắt buộc về ghi nhãn hàng hóa. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, góp phần bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất và người tiêu dùng. Các cơ sở sản xuất nước mắm tại các làng nghề truyền thống trong tỉnh cần thực hiện tốt hơn các quy định này, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, từng bước khẳng định thương hiệu và trách nhiệm đối với khách hàng.
Thanh Thủy