Nam Trực phát triển vùng sản xuất tập trung

10:11, 01/11/2010

Vụ đông 2010, HTX Nam Dương (Nam Trực) trồng 275 ha cây vụ đông, trong đó có 100ha trên đất hai lúa, tăng giá trị thu nhập.                                                                                  Ảnh: Dương Đức
Vụ đông 2010, HTX Nam Dương (Nam Trực) trồng 275 ha cây vụ đông, trong đó có 100ha trên đất hai lúa, tăng giá trị thu nhập.
Ảnh: Dương Đức
Với mục tiêu xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ổn định, bền vững, sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh…, những năm qua, huyện Nam Trực đã từng bước quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Việc hình thành các vùng sản xuất được dựa trên cơ sở điều kiện đồng đất, năng lực, truyền thống thâm canh của nông dân địa phương và gắn với thị trường… Đến nay, sản xuất nông nghiệp của huyện đã hình thành 3 vùng chuyên canh rõ rệt. Vùng đồng màu (diện tích 1326,72 ha) gồm 5 xã, thị trấn là: Nam Giang, Nam Dương, Nam Hồng, Nam Hùng, Nam Hoa. Vùng đất bãi (diện tích 217,36 ha) gồm các xã: Nghĩa An, Nam Thắng và HTX Nam Điền (xã Điền Xá), HTX Nam Thịnh (xã Tân Thịnh). Các xã còn lại là vùng đất 2 lúa (diện tích 8705,80 ha). Ở các vùng đồng màu, vụ xuân chủ yếu trồng lạc, vụ mùa trồng đỗ tương, vụ đông trồng khoai tây và quay vòng nhiều loại rau màu khác cho giá trị kinh tế cao. Vùng đất bãi tập trung sản xuất cây công nghiệp và cây màu theo hình thức xen canh gối vụ. Đối với vùng trồng lúa, nông dân đưa các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng vào gieo cấy, áp dụng tốt quy trình thâm canh tổng hợp để nâng cao năng suất lúa. Việc phân vùng sản xuất đã giúp huyện Nam Trực phát huy hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp toàn diện, bảo đảm an toàn lương thực, sản xuất hàng hóa bền vững. Tại mỗi vùng đều được bố trí cây trồng hợp lý theo hướng đa cây, đa thời vụ, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho nông dân. Hệ thống thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa kênh mương bảo đảm tưới tiêu nước. Công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghiệp hóa, chuyên môn hóa vào sản xuất được bà con nông dân nhanh chóng tiếp thu và áp dụng linh hoạt. Tại một số xã bước đầu đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong các vùng nông thôn. Tiêu biểu là vùng đồng màu Nam Dương với gần 10 hộ làm dịch vụ bao tiêu sản phẩm cho nông dân; trong đó, hộ ông Ngô Quý Mão mỗi năm bao tiêu hàng trăm tấn sản phẩm nông sản các loại cho các hộ trong và ngoài xã, tạo việc làm thường xuyên cho 15-20 lao động. Nhờ hình thành được các vùng sản xuất tập trung nên sản xuất nông nghiệp của huyện đã đạt hiệu quả ngày càng cao. Năng suất lúa bình quân của huyện năm 2007 đạt 120,94 tạ/ha, năm 2009 đạt 124,5 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực quy thóc bình quân đạt 103 nghìn tấn/năm. Lương thực bình quân đầu người 450-500 kg/năm. Cây lạc năng suất bình quân đạt 34-35 tạ/ha, thu nhập bình quân 30 triệu đồng/ha/vụ. Cây khoai tây cho thu nhập 39-40 triệu đồng/ha/vụ. Cây đậu tương từ 700-800 ha, năng suất bình quân 19,5-21 tạ/ha/vụ, thu nhập bình quân 19,5-21 triệu đồng/ha/vụ. Công thức luân canh dâu + kê từ tháng 1 đến tháng 5 và  dâu + ngô từ tháng 9 đến tháng 12 cho thu nhập 70-80 triệu đồng/năm. Nam Hồng là một trong những xã làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xã đã đẩy mạnh việc dồn điền đổi thửa, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gồm vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng lúa đặc sản ở xứ đồng Cửa Mả, vùng sản xuất lúa giống ở xứ đồng Đông Trung Thắng, vùng trồng các loại cây rau màu như lạc, đậu tương, ngô… ở thôn Tiền Thần, Ao Tước.  Các vùng sản xuất này đều thực hiện đầu tư thâm canh, đưa vào sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao.

Quy hoạch vùng sản xuất tập trung đã giúp huyện Nam Trực tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần nâng cao mức thu nhập và đời sống của nông dân. Tuy nhiên, việc quy hoạch vùng sản xuất còn chưa đồng bộ với quy hoạch thủy lợi nên chưa hình thành được vùng sản xuất thâm canh cao; bố trí cây trồng ở một số vùng chưa hợp lý dẫn tới hiệu quả không cao. Những năm tới, huyện Nam Trực tiếp tục thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, đầu tư thâm canh, đưa vào gieo trồng các giống cây có năng suất, chất lượng cao, phát triển sản xuất lương thực trên cơ sở bảo vệ ổn định quỹ đất trồng lúa. Tập trung hướng dẫn nông dân thực hiện tốt quy trình thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy lợi thế của từng vùng gắn với thị trường, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp ổn định và bền vững./.

Thanh Thủy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com