Hướng đi nào cho nông nghiệp công nghệ cao ?

09:11, 01/11/2010

Việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững với hàm lượng công nghệ cao là điều kiện không thể thiếu trong xu thế hội nhập của nền nông nghiệp Việt Nam. Thế nhưng đến nay, việc xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao của chúng ta vẫn còn yếu... và thiếu.

Vẫn còn công nghệ... thấp

Trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp ở nước ta phát triển khá nhanh, với những thành tựu trong chọn tạo giống, kỹ thuật canh tác... tạo ra khối lượng sản phẩm, hàng hoá đáng kể góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta vẫn còn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ, phương thức và công cụ sản xuất lạc hậu, kỹ thuật áp dụng chưa đồng đều dẫn đến năng suất thấp, giá thành cao, chất lượng sản phẩm không ổn định. Trong khi đó, phần lớn các khu nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam tập trung ở những thành phố lớn (trừ Lâm Đồng) như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng... chỉ là những khu nhập khẩu "trọn gói", từ nhà kính. Điều này đã làm cho giá cả tăng cao, có thể lên đến hàng chục tỷ đồng/ha, rất khó để thu hồi vốn; quản lý các khu nông nghiệp công nghệ cao đều là những công ty, thiếu cán bộ giỏi về công nghệ trồng thuỷ canh, khi chuyên gia nước ngoài rút thì lúng túng về kỹ thuật. Mô hình nhà kính hiện nay phần lớn được thực hiện bằng phương pháp rẻ tiền, nên lợi bất cập hại, bởi nó tạo ra môi trường ẩm, mầm bệnh dễ phát sinh. Điều đó cho thấy, việc đi vào công nghệ cao theo lối trên là thiếu khả thi, nhất là khi nghĩ đến hiệu quả kinh tế và khả năng nhân rộng.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao được xây dựng tại Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao được xây dựng tại Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội.

Mặc dù chúng ta đã tạo ra và áp dụng nhiều kỹ thuật mới, cải thiện đáng kể năng suất, chất lượng sản phẩm nhưng nền nông nghiệp vẫn chưa thoát khỏi tình trạng công nghệ thấp, chất lượng sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và cả trong nước. Ngay như Đà Lạt (Lâm Đồng), trong 10 năm qua, ngành sản xuất hoa cắt cành đạt được nhiều thành tựu, được xem là nền sản xuất công nghệ cao... nhưng hầu hết sản phẩm hoa ở đây vẫn chủ yếu tiêu thụ trong nước. Đây là một nghịch lý, bởi các sản phẩm hoa cắt cành ở Đà Lạt có chất lượng tốt, không hề thua kém sản phẩm của các công ty nước ngoài. Tiến sỹ Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết. "Sở dĩ có nghịch lý trên là do ngành hoa Đà Lạt chưa có được sự đồng bộ về công nghệ, thiếu công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và trong suốt quá trình vận chuyển, tiếp thị. Do vậy, hoa của nông dân Đà Lạt nói chung chưa tiếp cận được với thị trường xuất khẩu. Khi nói đến  nông nghiệp công nghệ cao tức là nói đến công nghệ cho ra sản phẩm chất lượng cao, mà chất lượng cao của một sản phẩm bao gồm: Chất lượng kỹ thuật, chất lượng chức năng và chất lượng dịch vụ. Trong đó chất lượng dịch vụ (gồm khả năng hỗ trợ tiếp thị, thiện chí đáp ứng mọi yêu cầu của người tiêu dùng, sự sốt sắng với các dịch vụ gia tăng hàng hoá...) đang là điểm yếu cố hữu của ngành nông nghiệp nước ta".

Cần phải thay đổi

Trồng hoa trong nhà lưới, một bước đi hướng tới nông nghiệp công nghệ cao.
Trồng hoa trong nhà lưới, một bước đi hướng tới nông nghiệp công nghệ cao.
Đánh giá về nền nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam so với các nước trong khu vực, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng đã thẳng thắn nhìn nhận: Nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam đang ở bước đi ban đầu, phát triển còn rất thấp, chúng ta phải vừa làm vừa học. Để nông nghiệp Việt Nam sớm thích ứng và cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, cần phải đưa nhanh khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là việc nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng giống cây trồng, giống vật nuôi, kỹ thuật canh tác và môi trường, công nghệ sau thu hoạch; ứng dụng công nghệ sinh học và xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao khả năng phòng ngừa và khắc phục dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi... Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thuỷ sản... Trước mắt, chúng ta cần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, chuyển mạnh sang sản xuất các loại sản phẩm có thị trường và hiệu quả kinh tế cao; phát triển chăn nuôi với tốc độ và chất lượng cao hơn; xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với việc chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản và chế biến; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, tự phát.

Để làm được những điều trên, Nhà nước cần tăng cường đầu tư ngân sách, đa dạng hoá các nguồn vốn để phát triển mạnh cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn... Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các trang trại lớn và thành lập các khu nông nghiệp công nghệ cao có quy mô sản xuất hàng hoá lớn ở quy mô công nghiệp. Tiến tới một nền sản xuất nông nghiệp có tính công nghiệp công nghệ cao, cần định hướng tổ chức phát triển sản xuất, tiếp thị liên kết dưới các hình thức hợp tác xã, công ty liên doanh... để có quy mô tài chính và điều kiện sản xuất đủ lớn cho đầu tư công nghệ cao. Như vậy, trình độ quản lý cũng cần được nâng cao và cũng cần được coi là một yếu tố công nghệ./.

Văn Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com