Thời điểm này, hầu hết diện tích các loại cây trồng rau màu vụ đông đã lên xanh, bước vào giai đoạn sinh trưởng thì cũng là lúc cần nhiều các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để chăm bón. Tuy nhiên, hiện giá nhiều loại vật tư nông nghiệp trên thị trường đang tăng mạnh khiến người nông dân lo lắng. Bác Trần Thị Vinh, xã Nam Dương (Nam Trực) cho biết, từ đầu tháng 10 trở lại đây, giá các loại phân bón đồng loạt tăng với mức tăng bình quân 200-500 đồng/kg. Phân đạm Trung Quốc tăng từ 7000 lên 8000 đồng/kg, phân lân từ 3200 lên 3600-3800 đồng/kg, phân ka li từ 7800 lên 8200 đồng/kg, có thời điểm giá tăng theo tuần, thậm chí giá tăng theo ngày. Nhiều loại hạt, cây giống, thuốc BVTV cũng tăng 2000-5000 đồng/gói. Phân bón, thuốc BVTV tăng cao nhưng người nông dân cũng không thể giảm lượng hoặc thay thế bằng các loại vật tư khác để bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng. Chỉ tính riêng tiền phân bón, thuốc BVTV, vụ đông này cũng phải chi phí thêm vài chục nghìn đồng/sào so với vụ trước. Chi phí đắt đỏ đầu vụ nhưng vào đợt thu hoạch rộ, giá rau có thể giảm mạnh, điều này đã từng xảy ra ở một vài vụ trước. Vì thế, mới đi được nửa chặng đường sản xuất vụ đông, bà con nông dân đã phải lo cho vụ xuân tới khi giá thóc giống, vật tư sẽ tiếp tục tăng.
Một cửa hàng cung cấp thức ăn chăn nuôi ở thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). |
Không chỉ đối với người trồng trọt, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng đang phải xoay xở để chống đỡ với giá thức ăn chăn nuôi, con giống, thuốc thú y đang vùn vụt tăng giá. Một chủ đại lý thức ăn gia súc tại huyện Nghĩa Hưng cho biết: Hơn một tháng gần đây, giá các loại thức ăn gia súc tăng bình quân 5-7%, cá biệt có loại tăng trên 10%. Giá con giống có loại tăng tới hơn hai lần. Đầu tháng 9, gà công nghiệp giống bán tới tay người chăn nuôi có giá 5000 đồng/con, đầu tháng 11 tăng lên 13500 đồng/con; trong khi đó, giá gà thịt chỉ tăng nhẹ từ 29 nghìn đồng lên 33 nghìn đồng/kg. Giá lợn giống cách đây hai tháng cũng chỉ ở mức dưới 30 nghìn đồng, hiện đang có giá gần 40 nghìn đồng/kg.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh đồng nghĩa với số vốn đầu tư vào đồng ruộng, chăn nuôi tăng thêm khoảng 25-30%. Vật tư nông nghiệp tăng, giá thành phẩm trên thị trường cũng tăng theo nhưng chỉ tăng không đáng kể so với nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, khiến cho đời sống của nông dân càng khó khăn. Hiện tại, thóc Tạp giao bán trên thị trường có giá 60-62 nghìn đồng/yến, thóc Bắc thơm 78-80 nghìn đồng/yến nhưng chi phí thóc giống, phân bón, thuốc BVTV… cho một sào lúa vụ mùa gần đây nhất cũng tăng lên. Trong khi đó, người nông dân luôn phấp phỏng vì thời tiết, dịch bệnh gây hại trên cây trồng và vật nuôi đang ngày càng diễn biến phức tạp. Anh Mai Văn Chiến, xóm 8, xã Xuân Kiên (Xuân Trường), là chủ trang trại có diện tích trên 2000m2, nuôi thường xuyên 200 con lợn thịt, 8000 con gà công nghiệp. Bình quân gia đình anh tiêu thụ khoảng 20 tấn cám, ngô các loại/tháng. Với tốc độ tăng như hai tháng gần đây, mỗi tháng gia đình anh phải chi thêm trên 1 triệu đồng tiền thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm. Cụ thể cuối tháng 9 đến nay, giá 1 kg cám hỗn hợp đã 3 lần điều chỉnh tăng, mỗi đợt 150-200 đồng. Cám đậm đặc tăng từ 14000 lên 15500 đồng/kg, ngô từ 5900 lên 6600 đồng/kg... Ngoài ra, còn nhiều loại thức ăn chăn nuôi khác như đậu tương, lạc, sắn, bột cá… cũng liên tục tăng giá .
Theo nhận định chung, giá vật tư nông nghiệp tăng nhanh là do nhiều loại phân bón trên thị trường trong nước phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Ước tính hiện nay, các nhà máy sản xuất đạm U rê trong nước mới chỉ đáp ứng được 25-30% nhu cầu tiêu thụ nội địa, Ka li hầu như nhập khẩu 100%, các loại phân bón khác cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu. Thêm vào đó, sự biến động của tỷ giá, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp cũng đã tác động đến giá của các loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới luôn ở mức cao. Nhiều loại giống cây trồng cũng phải nhập khẩu khiến cho giá liên tục bị "đội" lên… Với diễn biến thị trường như hiện nay, giá vật tư nông nghiệp dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới, nhất là vào thời điểm sản xuất vụ xuân năm 2011 khi mà nhu cầu sử dụng các loại giống, phân bón của bà con tăng lên. Vì thế, các chủ đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp, các xã, HTX cần có kế hoạch dự trữ nguồn hàng, cung ứng đủ nguồn vật tư nông nghiệp có chất lượng, giá cả hợp lý cho bà con nông dân, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ phát triển sản xuất. Ở tầm vĩ mô ngành chức năng và chính quyền các cấp cần tập trung phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để xảy ra tình trạng nâng giá bán bất hợp lý hoặc một số đối tượng xấu lợi dụng cơ hội đưa ra thị trường các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân trong tỉnh./.