Xã Giao Thiện (Giao Thuỷ) có 15 xóm, đội sản xuất với gần 11 nghìn dân, diện tích đất canh tác 425ha. Là xã thuần nông, ngành nghề phụ chưa phát triển, diện tích đất canh tác bình quân đầu người ít nên đời sống của bà con nông dân ở Giao Thiện còn nhiều khó khăn. Để khai thác tối đa tiềm năng đất đai, lao động, Đảng uỷ, UBND xã đã chỉ đạo HTXNN và các ban, ngành, đoàn thể tích cực hướng dẫn, vận động xã viên đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ; tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo hiệu quả kinh tế cao; khuyến khích các hộ dân tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa và chủ động chuyển đổi các vùng ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các gia trại chăn nuôi tổng hợp phù hợp với đặc điểm của địa phương hoặc phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Hàng năm, HTXNN đã lập kế hoạch sản xuất để xã viên chủ động thời vụ sản xuất; tổ chức cấy khảo nghiệm và chọn được một số giống lúa phù hợp như: D ưu 527, Nhị ưu 838, Bắc ưu 903 và một số giống lúa thuần như: NĐ1, N97, Bắc thơm số 7... có năng suất, giá trị kinh tế cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và phù hợp với đồng đất của địa phương. HTX còn hướng dẫn xã viên tuân thủ quy trình gieo cấy, theo dõi kịp thời phòng trừ các loại sâu bệnh hại lúa... Do vậy, năng suất lúa bình quân cả năm của Giao Thiện thường đạt 105-110 tạ/ha. Cùng với việc chủ động thời vụ, tuyên truyền khuyến khích bà con đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, ở Giao Thiện còn có một số hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại tổng hợp. Điển hình trong việc thực hiện mô hình này là hộ gia đình ông Vũ Xuân Vương, Vũ Xuân Hùng ở xóm 23. Từ năm 1990, ông Hùng đã tận dụng diện tích vườn nhà, đầu tư phát triển mô hình nuôi vịt đẻ trứng, ấp nở vịt giống cung ứng cho thị trường. Ông Hùng luôn duy trì đàn vịt đẻ với số lượng từ 600-1000 con, cứ 2 năm lại thay thế một lần theo hình thức gối sóng để bảo đảm tỷ lệ vịt đẻ cao. Ngoài ra, trong 2 vụ gặt ông sử dụng đèn điện trong nhà kín để sản xuất trứng vịt lộn. Với 600 con vịt đẻ, mỗi tháng ông thu hoạch trên 20 nghìn quả trứng vịt lộn, với giá bán thường từ 2000-2500 đồng/quả. Mỗi năm, thu nhập thực tế của gia đình ông thường đạt từ 50-60 triệu đồng. Từ năm 2000 trở lại đây, ở Giao Thiện đã có gần 70 hộ mạnh dạn đầu tư kinh phí, phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình gia trại với quy mô 50-100 con gia cầm, 10-20 con lợn (hoặc bò) có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa 2-3 lần; tiêu biểu là các hộ: Ông Đinh Văn Mậu (xóm 18), ông Trịnh Văn Thanh (xóm 16)… Đến cuối năm 2009, tổng đàn lợn của xã có trên 9000 con (tăng trên 4000 con so với năm 2005), tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 591 tấn; đàn gia cầm có 32 nghìn con (tăng trên 13,1 nghìn con so với năm 2005). Trong 5 năm 2005-2010, tổng doanh thu từ chăn nuôi của xã Giao Thiện ước đạt trên 23 tỷ đồng. Ngoài phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình gia trại, ở 19 ô đầm thuộc bãi bồi ven sông Hồng và sông Vọp còn có trên 50 hộ tham gia đầu tư cải tạo vùng đầm, phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản theo hướng bán công nghiệp. Từ năm 2005 đến nay, doanh thu từ nuôi trồng thuỷ hải sản đạt trên 77 tỷ đồng, bình quân mỗi năm đạt doanh thu trên 15,4 tỷ đồng.
Thực hiện việc lập quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cấp xã theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của tỉnh, xã Giao Thiện chủ trương quy hoạch gọn thành các vùng: Vùng phát triển sản xuất CN-TTCN 2ha, vùng sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao, quy mô 20ha (vùng sản xuất lúa giống và cấy các giống đặc sản), vùng chuyển đổi 20ha phát triển chăn nuôi, nuôi thuỷ sản theo quy mô trang trại… Trong thời gian tới, xã Giao Thiện tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng sản xuất nông sản hàng hoá góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển./.
Thành Trung