Cấp bách bình ổn giá

08:11, 29/11/2010

Từ gạo, thịt, mắm, muối đến dịch vụ cắt tóc, gội đầu… đều tăng giá. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước trong tháng 11 tăng tới 1,86% so với tháng 10 và là mức tăng cao nhất của tháng 11 trong vòng 10 năm trở lại đây. CPI 11 tháng đã tăng ở mức 9,58%, vượt 2,58% so với kế hoạch cả năm 2010 theo Nghị quyết của Quốc hội. Nhiệm vụ cấp bách lúc này là bình ổn giá.

Hàng hoá dồi dào là điều kiện bình ổn giá cả. Ảnh: Internet
Hàng hoá dồi dào là điều kiện bình ổn giá cả.
Ảnh: Internet

Giá đồ dùng thiết yếu tăng mạnh

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, trong tháng 11, có tới 10/11 nhóm hàng hóa trong rổ hàng hóa tăng giá so với tháng 10, trong đó tăng mạnh nhất lại là những đồ dùng thiết yếu liên quan đến đời sống hằng ngày của người dân như lương thực, thực phẩm. Trong đó, tăng mạnh nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống với 3,45%. Đóng góp vào sự tăng giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống là mức tăng kỷ lục của mặt hàng lương thực với 6,02%. Kế đến là các mặt hàng thực phẩm, tăng 3,27%. Xếp thứ 2 về tỷ lệ tăng là nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng với 1,74%... Trong 11 nhóm hàng hóa, chỉ riêng nhóm viễn thông có giá  giảm 0,03% so với tháng 10.

Đặc biệt, trong tháng 11, giá vàng và giá USD trên thị trường tự do đã có sự biến động rất mạnh. Giá vàng tháng 11 đã tăng 8,67% so với tháng 10 và tăng 36,24% so với tháng 11-2009; đưa giá vàng 11 tháng qua tăng 23,31% so với tháng 12-2009. Giá USD tháng 11 tăng 3% so với tháng 10 và tăng 10,03% so với cùng kỳ 2009; đưa giá USD 11 tháng qua tăng 6,63% so với tháng 12-2009 và 7,47% so với bình quân cùng kỳ 2009. Với đại đa số người lao động, giá vàng hay giá USD không trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của họ, nhưng giá rau, giá thịt, giá gạo tăng là khẩu phần ăn uống hằng ngày bị ảnh hưởng ngay. Thực tế, ba tháng nay, gạo, thịt, rau… đã âm thầm tăng giá, trong khi đó tiền lương không tăng, tất yếu ảnh hưởng đến bữa cơm hằng ngày.

Trong tháng 11, CPI tại thành thị tăng cao hơn nông thôn với tỷ lệ lần lượt là 1,89% và 1,80%. Tính theo tỉnh, thành phố thì Hải Phòng là thành phố có mức tăng CPI cao nhất toàn quốc với 2,24%. Tiếp đó là Thái Nguyên với 2,20%; Hà Nội 1,93%; Thành phố Hồ Chí Minh 1,73%...

 “Mổ xẻ” nguyên nhân giá tăng

Trả lời chất vấn trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng: Có rất nhiều nguyên nhân về việc tăng giá. Trước hết do chúng ta hội nhập quốc tế, có ảnh hưởng do giá ở nước ngoài tác động vào trong nước. Chúng ta lại đang nhập siêu. Trong nước cũng do rất nhiều yếu tố tác động đến giá tăng như tác động của thiên tai, dịch bệnh, nhu cầu sức mua, thị trường tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, giá vàng, giá đô-la… Mặt khác, hiện nay còn một số mặt hàng hóa của Việt Nam chưa đi theo giá thị trường cho nên chúng ta vẫn phải có lộ trình để điều chỉnh giá theo thị trường. Ví dụ, mặt hàng điện hiện nay chưa đi theo thị trường. Mặt hàng than bán cho điện hiện nay cũng chưa hoàn toàn theo thị trường… Khi chúng ta điều chỉnh, nó tác động đến yếu tố của mặt bằng giá chung ...

Thế nhưng, theo phân tích của đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng  (đoàn Thái Nguyên) thì giá cả tại Việt Nam tăng còn có những nguyên nhân khác nữa. Đại biểu lấy dẫn chứng giá sữa: “Trong khi giá thị trường ngoài nước giảm, thậm chí giảm mạnh nhưng giá thị trường trong nước vẫn tăng”. Đối với việc tăng giá trong dịp Tết thì “Năm nào chúng ta cũng có Tết”. Mặt khác “Nếu người dân mua sắm nhiều tức là thị trường phát triển thì đây chính là một cơ hội để giảm giá”.

Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế thì nguyên nhân sâu xa dẫn đến giá cả tăng cao ở Việt Nam là do chi tiêu quá mức, bội chi ngân sách tăng cao, nợ công tăng nhanh và nhập siêu lớn. Giá cả tăng cao cũng có nguyên nhân từ chính sách tài chính-tiền tệ. Tín dụng cho vay nền kinh tế tính đến hết tháng 10-2010 tăng 22,5% so với cuối năm 2009 được cho là khá cao, tổng phương tiện thanh toán cũng đã tăng 21,29% (chỉ tiêu là 20%), có thể xem là một nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến CPI.

Cấp bách bình ổn giá

Với trách nhiệm tham mưu giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về giá trong cơ chế giá thị trường, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, các ngành, các địa phương cấp bách triển khai các biện pháp về bình ổn giá, như ban hành các chỉ thị, công điện chỉ đạo, hướng dẫn Sở Tài chính các tỉnh thực hiện các biện pháp bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011; kiểm soát giá ở các vùng xảy ra thiên tai, lũ lụt; đẩy mạnh công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý giá trên địa bàn. Ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung,  hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh giá… Bộ còn hướng dẫn các địa phương sử dụng ngân sách dự phòng hỗ trợ vốn không lãi suất cho các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chiếm thị phần lớn trên địa bàn, dự trữ hàng hóa bảo đảm cân đối cung-cầu góp phần giúp các doanh nghiệp bán hàng hóa với giá ổn định, thấp hơn giá thị trường từ 5 đến 10%, đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá đối với hàng hóa dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước…

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, một số giải pháp bình ổn giá vừa qua đã không đạt được tác dụng như mong muốn. Ví dụ như việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá từ ngân sách Nhà nước. Thực hiện chủ trương này, một số mặt hàng như gạo, đường, dầu ăn, thịt lợn, trứng gia cầm… ở những nơi tham gia chương trình bình ổn giá đều thấp hơn giá thị trường từ 5 đến 10%. Nhưng do không đủ hàng hóa, các điểm bán này thường nhanh chóng hết hàng. Vì thế, những người mua được hàng bình ổn giá có thể kiếm lợi từ việc được mua hàng theo giá rẻ, bán lại hàng theo giá thị trường. Trên thực tế ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện việc xếp hàng, mua không phải để dùng mà để bán lại. 

Cần xây dựng chiến lược kiểm soát lạm phát mang tầm quốc gia

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế và các đại biểu Quốc hội, để ổn định giá cả, các cơ quan chức năng nên điều hành, xử lý theo nguyên tắc thị trường. Nếu sử dụng quỹ bình ổn giá, nên khai thác nguồn hàng thật dồi dào và đưa lượng hàng dự trữ này vào diện bình ổn giá bằng cách cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất nhẹ, không  nên bao cấp toàn bộ phần lãi suất như hiện nay để ngân sách Nhà nước còn có khả năng chịu được. Giải pháp cơ bản vẫn là đẩy mạnh sản xuất, tăng cường lưu thông, chống đầu cơ buôn lậu, quản lý chặt chẽ thị trường trong đó có các biện pháp giải tỏa tâm lý, không để việc tăng lương, biến động giá cả vàng và USD, những dự báo về thiên tai… tác động tiêu cực tới giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Về lâu dài, cần xây dựng chiến lược kiểm soát lạm phát mang tầm quốc gia. Chính phủ phải giữ được tính nhất quán trong việc thực hiện các chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ, bởi muốn  tạo sự ổn định cho nền kinh tế, phải bắt đầu từ sự ổn định trong chính sách tiền tệ.

Đã đến lúc, Chính phủ phải “đặt hàng” một công trình nghiên cứu nghiêm túc về đề tài kiểm soát lạm phát trong bối cảnh quốc tế hóa và toàn cầu hóa. Trong đó, tập trung vào xử lý những biện pháp “từ gốc” của việc bình ổn giá như tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, giữ vững các cân đối kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa, dịch vụ giữa các vùng miền trong cả nước… điều hành chính sách tài chính-tiền tệ, tổ chức tốt công tác thông tin tuyên truyền…

Đỗ Phú Thọ


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com