Những năm qua, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân (HND tỉnh) luôn coi công tác dạy nghề và giải quyết việc làm là nhiệm vụ hàng đầu trong các chương trình hỗ trợ nông dân.
Hội viên Hội Nông dân thị trấn Lâm (Ý Yên) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh.
Ảnh:
Dương Đức
|
Cùng với việc tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, xác định các nghề thị trường đang có nhu cầu nhân lực cao như: Nghề may, các ngành nghề truyền thống như mây tre đan, nghề trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho người lao động tại chỗ ở địa phương. Vấn đề đặt ra là dạy và học phải có kết quả, vừa học lý thuyết, vừa thực hành, thậm chí "cầm tay chỉ việc" để lao động nghèo ở nông thôn có điều kiện tiếp thu kiến thức và thực hành tại chỗ. Do đặc thù lao động ở khu vực nông thôn đa dạng về đối tượng, độ tuổi, khả năng tiếp thu, điều kiện học tập khác nhau, nhu cầu học nghề cũng khác nên việc dạy nghề được tổ chức ngay tại địa bàn khu dân cư. Thời gian dạy nghề gắn với thời gian nông nhàn, vừa học vừa làm, đồng thời xây dựng đội ngũ cộng tác viên là những người có tay nghề, nghiệp vụ sư phạm làm công tác tuyên truyền nghề, dạy nghề. Bên cạnh đó, Trung tâm còn liên kết với các trường dạy nghề trong tỉnh để trao đổi kinh nghiệm, mời giáo viên có kinh nghiệm, uy tín tham gia giảng dạy. Công tác giới thiệu việc làm cho các học viên được Trung tâm thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp, Cty như các Cty may Sông Hồng, Nam Định; phối hợp với các chủ cơ sở sản xuất bẹ chuối, cói, mây tre; các Cty, trạm, trại để các học viên có điều kiện tham quan học hỏi và giới thiệu việc làm khi đã học xong. Đồng thời, Trung tâm còn phối hợp với HND các huyện, thành phố để tuyển sinh, chọn địa điểm học tập và các ngành chức năng hỗ trợ cho học viên vay vốn, mua vật tư trả chậm để sau khi học xong, học viên có điều kiện bắt tay ngay vào sản xuất. Đến nay, Trung tâm đã mở được 11 lớp dạy nghề cho trên 330 lượt hội viên nông dân, trong đó có 2 lớp dành cho đối tượng hội viên nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Để công tác dạy nghề đạt hiệu quả, cùng với việc tăng cường tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người học nghề tới cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh, Trung tâm sẽ phối hợp với các doanh nghiệp và tổ chức ký cam kết 3 bên giữa Trung tâm, người học nghề và doanh nghiệp để tạo điều kiện cho người học sau khi học xong, có việc làm ngay tại các doanh nghiệp. Đối với diện lao động thuộc hộ nghèo, Trung tâm hỗ trợ cho người học các dụng cụ sản xuất, cây trồng, con giống để người lao động sản xuất đạt hiệu quả và vươn lên thoát nghèo./.
Hoàng Tuấn