Một đại lý bán gạo ở đường Trần Quang Khải (TP Nam Định).
Ảnh
: Đức Đạt
|
1. HIỆU ỨNG TĂNG GIÁ
Suốt một tháng gần đây, giá vàng tăng đột biến tới mức 32-33 triệu đồng/lượng và dự báo khó có thể hạ xuống dưới 30 triệu đồng/lượng. Việc giá vàng tăng mạnh là một trong những nguyên nhân khiến nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đồng loạt tăng giá. Ghé vào hàng bán thịt lợn quen thuộc, chị Phạm Thị Thuận, phường Hạ Long không khỏi giật mình khi phải mua một kg thịt thăn đắt hơn tới gần 10.000 đồng so với tuần trước đó. Thịt gà, thịt bò, hải sản… cũng nhanh chóng tạo mặt bằng giá mới, tùy từng loại tăng 5000-15000 đồng/kg. Gà ta làm sẵn có giá 75-80 nghìn đồng/kg, thịt bò ngon 145-150 nghìn đồng/kg, cua đồng 8000-10000 đồng/lạng, tôm đồng 15-16 nghìn đồng/lạng. Chủ hàng bán thịt hồn nhiên giải thích: "Giá vàng tăng nhanh thế cơ mà. Thịt tăng thế ăn thua gì?". Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác đều nhất loạt tăng giá với lý do phải nhập hàng với giá cao ngay từ các đơn vị cung ứng đầu mối. Giá các loại rau xanh như rau muống, rau cải, rau dền, rau ngót hành tây, tỏi tây… đều tăng gấp rưỡi. Các loại rau sống, rau thơm còn đắt hơn… So với đầu tháng 9, mức giá các loại hàng hoá này tăng khoảng 5-10%, thậm chí tới 15%. Cụ thể, bí xanh, cà chua đang bán tại các chợ dao động 8000-9000 đồng/kg, tăng 1000 đồng/kg, rau muống, rau cải 1000-1500 đồng/mớ, tăng 300-500 đồng/mớ, khoai tây tăng từ 13 nghìn đồng lên 14-15 nghìn đồng/kg. Các mặt hàng khô như nấm hương, mộc nhĩ, bánh đa… cũng tăng giá. Trứng gà, vịt tăng 300-400 đồng/quả, bán với giá 2300 đồng/quả trứng vịt, 2800 đồng/quả trứng gà. Những người bán hàng cho biết, các loại rau ăn sống, rau thơm hầu như đều đang trong giai đoạn chuyển giao mùa vụ, bởi thế giá tăng mạnh là điều khó tránh khỏi. Khoảng một tháng nữa, khi thu hoạch vụ đông, giá rau quả các loại có thể giảm nhẹ do nguồn cung ứng dồi dào. Mặc dù vừa đang trong thời điểm thu hoạch lúa mùa nhưng giá gạo các loại vẫn tăng nhẹ 500-1000 đồng/kg. Gạo tẻ ngon có giá 10-11 nghìn đồng/kg, gạo tẻ thường 8-9 nghìn đồng/kg.
Không chỉ nhóm hàng thực phẩm tươi sống tăng giá nhanh, nhóm hàng dầu ăn, đường, sữa, bánh kẹo… cũng tăng giá chóng mặt. Chị Lê Thị Thu Nga, chủ cửa hàng bán thực phẩm trên phố Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) cho biết, trong vòng chưa đầy một tháng, chị liên tục nhận được thông báo về việc thay đổi, tăng giá bán của các đơn vị phân phối, thậm chí có những mặt hàng như bánh ngọt tăng giá theo tuần, mỗi lần vài trăm đồng/hộp. So với cách đây một tháng, dầu ăn, nước mắm, mỳ chính tăng 7-10%. Dầu ăn Neptune loại 1 lít giá 33 nghìn đồng, đường kính trắng xuất khẩu 19500 đồng/kg, sữa bột Dutch Lady Step 1 loại hộp giấy 400g dành cho trẻ em giá 59 nghìn đồng. Nước rửa chén bát Mỹ Hảo loại 1 lít từ 16 nghìn tăng lên 18 nghìn đồng/hộp, giấy vệ sinh các loại tăng tới hơn 30%. Cụ thể giấy vệ sinh May tăng từ 32 lên 42 nghìn đồng/bịch, giấy An An tăng từ 20 lên 32 nghìn đồng… Trái cây cũng không nằm ngoài "cơn lốc" tăng giá, một số loại có mức tăng không dưới 10%, còn lại tăng 5-7%, mặc dù nguồn cung khá dồi dào với đủ loại hoa quả trong và ngoài nước. Hiện nay, hồng ngâm loại to đang được bán với giá 16-18 nghìn đồng/kg, nho 45-50 nghìn đồng/kg, dưa hấu 10-12 nghìn đồng/kg… Các loại quả bình dân khác như chuối, cam, bưởi… giá cũng tăng hơn so với tháng trước.
2. NỖI LO NGƯỜI DÂN
Giá cả tăng nhanh khiến nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là các bà nội trợ gặp không ít khó khăn trong việc cân đối các khoản thu, chi để vẫn có được một khoản tiền dành dụm phòng khi ốm đau hoặc có việc đột xuất. Các gia đình công chức vốn có nguồn thu khá ổn định nay cũng phải thắt chặt chi tiêu, chọn giải pháp tiết kiệm lên hàng đầu. Chị Bùi Thị Thu Hằng, một công chức ngành giáo dục cho biết, chị buộc phải bớt đi phần trái cây tươi trong thực đơn hàng ngày để đảm bảo bữa cơm không bị "bớt xén" thức ăn hay các món rau xanh ưa thích của cả gia đình. Còn công nhân và những người làm nghề tự do, thu nhập thấp hoặc không ổn định thì việc lương thực, thực phẩm tăng giá khiến cho đời sống của họ vốn đã khó khăn lại càng trở nên vất vả. Chị Đinh Thị Thanh Hương, bán hàng nước gần khu vực Bảo tàng tỉnh cho biết, ngày nắng bù ngày mưa, mỗi tháng thu nhập của chị được 1 - 1,2 triệu đồng. Việc chi tiêu trong gia đình khoảng 2, 3 tháng trở lại đây khá chật vật vì giá nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng quá nhanh. Với cha mẹ học sinh, sinh viên, "bão" giá là nguyên nhân của nỗi lo lắng khi con cái bắt đầu bước vào năm học mới. Số tiền dành dụm và chia đều cho từng tháng đã được tính kỹ lưỡng, nay buộc phải cân đối lại để con cái đủ chi dùng cho bữa ăn hàng ngày. Chị Trần Thúy Hà, công nhân xí nghiệp may 1 chia sẻ, trước đây, chị quy định "tiêu chuẩn" ăn sáng cho hai cậu con trai đang học lớp 8 và lớp 12 là 5000 đồng/cháu, nhưng từ đầu tháng 10 tăng lên thành 7000 đồng/cháu mà các cháu vẫn "không đủ no" tới khi kết thúc buổi học sáng lúc gần 12 giờ. Do giá than, củi, dầu mỡ, rau, gạo… tăng nên các chủ cửa hàng ăn như bún, phở, xôi… cũng nhích dần giá bán lên hoặc giảm bớt chất lượng so với trước. Nguyễn Thị Dương, quê Hải Hậu, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định cho biết: Đầu năm học, lượng sinh viên mới trọ học trong thành phố tăng, trong khi sinh viên cũ đã tốt nghiệp có nhiều người ở lại thành phố khiến giá nhà tăng cao. Thêm vào đó, giá đồ ăn còn tăng nhanh hơn khiến nhiều sinh viên như Dương rất lo vì số tiền 800 nghìn đồng/tháng bố mẹ gửi ở quê lên đang khiến em rất khó khăn để không bị "âm"…
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong nước, việc các loại hàng hoá tăng cao trong thời gian gần đây ngoài các nguyên nhân khách quan như giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, thời tiết, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp… thì không loại trừ khả năng một số đơn vị cung ứng cố tình lợi dụng "té nước theo mưa" để tăng giá bất hợp lý. Trong bối cảnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường các giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần bảo vệ quyền lợi cho các nhà sản xuất chân chính và người tiêu dùng./.
Thanh Thủy