Hiệu quả kinh tế ở vùng chuyển đổi Xuân Thuỷ

09:10, 22/10/2010

Xã Xuân Thuỷ (Xuân Trường) có trên 250 ha đất nông nghiệp, trong đó có 220 ha đất 2 vụ lúa, còn lại trồng rau màu các loại. Là xã thuần nông, lại nằm ở vùng đồng trũng, khó khăn trong việc tưới tiêu nước nên hàng năm năng suất lúa của xã chỉ đạt 105-107 tạ/ha. Để khai thác tối đa tiềm năng đất đai, lao động, tạo bước chuyển biến mới trong đời sống nông nghiệp, nông thôn, Đảng uỷ, UBND xã đã chỉ đạo HTXNN và các ban, ngành, đoàn thể tích cực vận động, hướng dẫn xã viên đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng hiệu quả sử dụng đất trên một đơn vị diện tích, tạo ra giá trị và hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2003, Đảng uỷ xã đã ra nghị quyết chuyên đề chỉ đạo triển khai chuyển đổi 30 ha vùng ruộng trũng của 3 xóm Tân Hiển, Thuỷ Nhai, Đoàn Kết sang nuôi thủy sản, kết hợp chăn nuôi, trồng cây cảnh… theo hình thức trang trại, gia trại. Một số hộ đã mạnh dạn đăng ký nhận đất tại vùng chuyển đổi và đầu tư kinh phí cải tạo, phát triển sản xuất như hộ các ông: Đoàn Xuân Phượng, Nguyễn Văn Tam…

Anh Đoàn Thế Vương, xã Xuân Thuỷ (Xuân Trường) phát triển kinh tế từ mô hình VAC hàng năm thu lãi 50 - 60 triệu đồng.  Ảnh: Đức Hoa
Anh Đoàn Thế Vương, xã Xuân Thuỷ (Xuân Trường) phát triển kinh tế từ mô hình VAC hàng năm thu lãi 50 - 60 triệu đồng.
Ảnh: Đức Hoa

Năm 2005, gia đình ông Nguyễn Văn Tam nhận 1 ha ruộng trũng tại cánh đồng Điếm Cháy để đào ao thả cá kết hợp chăn nuôi theo mô hình trang trại tổng hợp. Trong năm đầu, ông Tam đã cải tạo khu đất thành 5 ao cá với tổng diện tích mặt nước gần 1,2 mẫu, trong đó 1 ao chuyên thả cá thịt bằng các loại cá truyền thống như mè, trôi, trắm, chép…, 4 ao còn lại để "ương" cá giống cung cấp cho thị trường và một phần để nuôi. Dọc bờ ao, ông trồng xen kẽ các loại cây cảnh, cây ăn quả lưu niên như: chuối, ổi, nhãn…, rau màu ngắn ngày theo thời vụ và xây dựng trên 200 m2 chuồng trại chăn nuôi lợn, gà để tận dụng diện tích và chất thải chăn nuôi làm thức ăn cho cá. Từ năm 2006, trang trại của ông và gia đình ở khu chuyển đổi đã hoàn thành và bước vào sản xuất ổn định với quy mô thường xuyên 100 con lợn thịt, 200 con ngan, 200 con gà…, doanh thu hàng năm đạt trên 150 triệu đồng, thu nhập thực tế đạt từ 50-60 triệu đồng/năm. Ngoài diện tích chăn nuôi, từ năm 2007, ông và gia đình còn bố trí diện tích trên 1000 m2 để làm thêm nghề quay ang, chậu và trưng bày, kinh doanh cây cảnh. Đến nay, trong vườn của ông ở khu chuyển đổi đã có trên 100 sản phẩm cây cảnh các loại. Chỉ riêng doanh thu từ làm nghề quay ang, chậu và bán cây cảnh đã mang lại cho ông và gia đình nguồn thu từ 40-50 triệu đồng/năm.

 Vốn thích chơi cây cảnh từ lâu, năm 2004, ông Đoàn Xuân Phượng (xóm Chính Trung) bàn với gia đình phát triển kinh tế gia đình từ nghề trồng cây cảnh. Ông nhận 7 sào ruộng trũng tại cánh đồng Thổ để trồng cây cảnh. Ngay sau khi nhận đất, ông Phượng và gia đình đã tập trung mọi nguồn lực, đầu tư hàng trăm triệu đồng cải tạo khu ruộng trũng thành vườn để ương trên 3000 cành tùng la hán. Ngoài thời gian chăm sóc vườn tùng la hán…, hàng ngày, ông tìm về các làng quê trong xã, trong huyện và các huyện bạn tìm mua cây "phôi" hoặc trao đổi, học hỏi thêm kinh nghiệm uốn cây, tạo dáng, tạo thế. Dần dần, qua kinh nghiệm thực tế và không ngừng tìm tòi, học hỏi, vận dụng sáng tạo, tay nghề của ông đã được nâng lên với nhiều sản phẩm cây thế, cây cảnh có giá trị cao với nguồn thu nhập hàng năm ổn định từ 70-100 triệu đồng. Năm 2007, được sự động viên, khích lệ của chính quyền xã, ông đã đấu thầu và đầu tư kinh phí cải tạo thêm trên 1,5 ha ruộng trũng, nâng tổng diện tích trong khu chuyển đổi lên gần 2 ha với 6 vườn để trồng và kinh doanh cây cảnh quy mô lớn. Hiện tại, trong  vườn của ông đã có hơn 7000 cây cảnh với các chủng loại chủ yếu là tùng la hán, sanh, si, đa, lộc vừng; các cây ăn quả lưu niên truyền thống như: mít, ổi cũng được "bon-sai" hoá… với trên 1000 cây đã "lên chậu". Trong đó có hàng chục cây có trị giá cao như: cây tùng la hán cổ thụ dáng tự nhiên thu nhỏ giá trên 1 tỷ đồng, cây tùng la hán dáng trực quân tử giá trên 200 triệu đồng, cây lộc vừng dáng trực hoành và cây đa bám đá dáng nghênh phong giá trên 100 triệu đồng… Riêng vườn tùng la hán 3000 gốc với gần 7 năm tuổi, đầu năm 2010 đã có người trả đồng loạt trên 5 triệu đồng/cây. Từ năm 2007 đến nay, nghề sinh vật cảnh đã mang lại cho ông và gia đình nguồn thu nhập ổn định từ 270-400 triệu đồng/năm. Riêng năm 2009, tổng doanh thu từ kinh doanh cây cảnh của gia đình ông Phượng đạt trên 3,7 tỷ đồng.

 Qua gần 7 năm thực hiện, đến nay vùng chuyển đổi khai thác tổng hợp ở Xuân Thuỷ đã phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, hiệu quả kinh tế, thu hút 24 hộ tham gia với doanh thu hàng năm ổn định từ 60-70 triệu đồng/ha, đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 100 lao động địa phương. Ngoài các hộ điển hình như ông Phượng, ông Tam, ở vùng chuyển đổi còn trên 10 hộ có diện tích lớn đầu tư tốt, kết hợp chăn nuôi và trồng cây cảnh đạt giá trị thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha/năm như hộ các ông: Đoàn Thế Vương, Đoàn Văn Tụ… Vùng chuyển đổi  đang tạo ra giá trị kinh tế lớn, là phương thức hiệu quả để nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển./.

Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com