Giải pháp về nhà ở cho công nhân tại các KCN

08:10, 01/10/2010

 

Cty TNHH Thắng Lợi, CCN An Xá (TP Nam Định) đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng nhà ở cho gần 100 công nhân.  Ảnh: Dương Đức
Cty TNHH Thắng Lợi, CCN An Xá (TP Nam Định) đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng nhà ở cho gần 100 công nhân.
Ảnh: Dương Đức

Để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho đối tượng còn khó khăn, từ năm 2005 đến nay, Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật quy định và các cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân KCN theo phương thức xã hội hoá. Đến thời điểm hiện tại, khi số lượng người lao động tại các KCN của tỉnh ta ngày càng tăng nhanh, nhưng một số dự án về nhà ở cho công nhân như dự án của Cty TNHH Youngone Nam Định, Cty TNHH Universal Candle, Cty TNHH may Daejang… đều chưa khả thi và nhà ở cho công nhân tại các KCN vẫn đang là một vấn đề bức xúc.

Theo số liệu điều tra của Ban quản lý các KCN, toàn tỉnh hiện có 2,6 vạn lao động đang làm việc tại các KCN. Phần lớn người lao động đến từ địa bàn các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Mỹ Lộc và một số tỉnh lân cận như: Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình. Ngoài một số ít công nhân có thể tự túc về nhà ở, còn lại tỷ lệ lao động đang phải thuê nhà ở trọ hoặc mong muốn có nhà ở trọ rất cao, chiếm 30% tổng số lao động. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng nhu cầu ở trọ cho người lao động hiện còn nhiều hạn chế cả về số lượng cũng như chất lượng nhà ở. Các KCN trong tỉnh nằm liền kề 3 xã Mỹ Xá, Lộc Hoà, Mỹ Trung, nông dân có lợi thế đất rộng xây nhà trọ cho công nhân thuê với tổng số 1734 phòng, góp phần giải quyết nhu cầu thuê trọ cho gần 3000 người. Hầu hết các nhà trọ đã cho thuê đều chưa đáp ứng đủ tiêu chí của Luật Nhà ở: Diện tích mỗi phòng chỉ từ 8 đến 16m2 cho từ 2 đến 4 người ở; nền nhà chủ yếu láng xi măng, mái lợp bằng phibrôximăng, sử dụng chung công trình phụ… Giá thuê phòng trọ bình quân từ 250-300 nghìn đồng/phòng/tháng, chưa gồm chi phí điện nước. Về giá điện, nhiều hộ chỉ đặt 1 công tơ chung cho cả chủ hộ và các hộ thuê và chia tiền bình quân cho người thuê nhà. Như vậy những hộ có nhiều phòng trọ, với cách tính giá điện luỹ tiến bậc thang hiện nay, người trọ sẽ phải trả mức rất cao. Với mức thu nhập bình quân của công nhân các KCN là 1 triệu 450 nghìn đồng/người/tháng, phải chi tiêu cho thuê phòng trọ với giá cao, kèm theo một số khoản chi tiêu bắt buộc khác như: chi phí đi lại, điện thoại, ốm đau, hầu hết công nhân đều phải "co kéo" tiết kiệm từ bữa ăn. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, phải sinh sống trong khu nhà trọ chật chội, thiếu thốn, ăn uống đạm bạc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc tái tạo sức lao động của công nhân. Những người chọn giải pháp đi, về hàng ngày thì phải hao tốn sức khoẻ cho việc đi lại, nhất là những người chưa có điều kiện mua xe máy. Thực trạng này chắc chắn ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng làm việc của người lao động.

Các doanh nghiệp cũng đều nhận thức rõ về thực trạng nhà ở cho công nhân các KCN cũng như tác động, ảnh hưởng của vấn đề này đến hiệu quả phát triển sản xuất theo hướng bền vững của doanh nghiệp nhưng rất ít chủ doanh nghiệp quan tâm đến nhà ở cho công nhân. Theo Ban Quản lý các KCN, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có một số lý do: Chưa xác định rõ chủ thể xây dựng trong nhóm chủ thể Nhà nước - doanh nghiệp - người lao động; các chính sách ưu đãi đầu tư chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư bỏ vốn vào kinh doanh nhà ở công nhân. Bản thân các địa phương có KCN cũng chưa ban hành cụ thể các chính sách, cơ chế hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư xây nhà ở cho công nhân. Những doanh nghiệp có dự định đầu tư xây nhà cho công nhân thì còn băn khoăn về khả năng thu hồi vốn sau đầu tư, phương thức quản lý...

Nhằm tháo gỡ khó khăn, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tập trung nghiên cứu, đánh giá và đề xuất một số giải pháp. Theo đó, Chính phủ cần quy định trách nhiệm xây nhà ở công nhân cùng thuộc về cả Nhà nước - doanh nghiệp và người công nhân trong đó Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo về chính sách đất đai, tài chính tín dụng, đầu tư, giá cho thuê...; doanh nghiệp thực hiện kinh doanh và công nhân lao động là đối tượng chung sức hưởng ứng. Để khắc phục nhanh tình trạng thiếu thốn cả về số lượng và chất lượng nhà ở cho công nhân, tỉnh cần triển khai chương trình xây dựng phát triển nhà ở công nhân làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tập trung hình thành các khu nhà công nhân. Lúc này chỉ cần cung cấp các khu nhà xây dựng chắc chắn, sạch sẽ, tiện nghi hợp lý, bảo đảm an toàn và an ninh, giá thuê thấp. Chủ đầu tư tập trung vào nhóm đối tượng các hộ dân có đất và các doanh nghiệp có công nhân lao động tại KCN. Đề nghị tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho các thôn, xóm có đông công nhân thuê trọ, ưu đãi về thuế đất, thuế thu nhập cá nhân và hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các hộ dân, doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân. Nếu chủ trương này được phê duyệt, Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ lựa chọn một số doanh nghiệp thực sự tâm huyết dồn sức đầu tư,  hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở công nhân theo tiêu chuẩn của Nhà nước đồng thời tổ chức hỗ trợ công nhân thuê trọ tại những căn hộ này. Giai đoạn 2, là hoàn chỉnh và phát triển nhà ở cho công nhân, dự kiến thực hiện sau 5 năm do điều kiện kinh tế, đầu tư xây dựng của tỉnh ta lúc này sẽ có bước phát triển vững chắc hơn. Khi đó sẽ tổ chức xây dựng hình thành khu đô thị  - nhà ở công nhân với tiêu chuẩn đáp ứng tốt nhu cầu chỗ ở cho người lao động theo phương thức mua đứt hoặc mua trả góp căn hộ. Chủ đầu tư chủ yếu là các doanh nghiệp, song Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo. Cùng với đó, sẽ tiến hành thay đổi, nâng cấp các nhà công nhân ở giai đoạn 1. Để có thể thực hiện tốt giai đoạn này, tỉnh cần giải quyết thuận lợi các thủ tục hành chính liên quan như: GPMB, quy hoạch, giá đất, ưu đãi đầu tư, tín dụng, giá điện tiêu dùng... Khi hành lang pháp lý rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư xây nhà ở cho công nhân, Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng bố trí quỹ đất, vận động kiến nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện các chủ doanh nghiệp có tiềm lực dốc sức đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân./.

Nguyễn Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com