Xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) có diện tích 516 ha đất canh tác, trong đó diện tích cấy lúa 490 ha, còn lại là diện tích đất màu. Để khai thác tối đa tiềm năng đất đai, lao động, tạo bước chuyển biến mới trong đời sống nông nghiệp, nông thôn, Đảng uỷ, UBND xã đã chỉ đạo HTXNN và các ban, ngành, đoàn thể tích cực hướng dẫn, vận động bà con đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt hiệu quả kinh tế cao; khuyến khích các hộ tham gia dồn điền đổi thửa, cải tạo các vùng ruộng trũng, trồng lúa kém hiệu quả thành các trang trại, gia trại tổng hợp theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hoá phù hợp với đặc điểm của địa phương.
Trang trại chăn nuôi lợn khép kín của ông Trần Chính Bông mỗi năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng. |
Năm 1999, xã thu hồi diện tích đất 5% là vùng trũng, trồng lúa kém hiệu quả ở cánh đồng Ngạng để thí điểm mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, phát triển nuôi thủy sản. Ông Trần Văn Chi (xóm 8) đã mạnh dạn đấu thầu 8 sào ruộng trũng, đầu tư cải tạo thành 3 ao cá với tổng diện tích mặt nước gần 5 sào, trong đó 1 ao chuyên thả cá thịt bằng các loại cá truyền thống như mè, trôi, trắm, chép…, 2 ao còn lại để ương cá giống cung cấp cho thị trường và một phần để nuôi. Dọc bờ ao trồng xen kẽ các loại rau màu ngắn ngày và bố trí chuồng trại chăn nuôi lợn, gà để tận dụng đất và chất thải chăn nuôi làm thức ăn cho cá. Từ năm 2000, trang trại nuôi thuỷ sản kết hợp chăn nuôi của ông Chi đã sản xuất ổn định với thu nhập trên 30 triệu đồng, cao hơn trồng lúa từ 3,5-4 lần. Năm 2003, ông Chi tiếp tục nhận thêm 2,9 mẫu đất ruộng liền kề nâng tổng diện tích trang trại lên 3,7 mẫu gồm 5 ao thả cá giống, cá thịt với tổng diện tích mặt nước trên 1,5 mẫu. Với 4 ao "ương" cá giống và 1 ao thả cá thịt kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, trang trại tổng hợp của ông Chi đã sản xuất được gần 2 tấn cá thịt và hàng triệu con cá giống, cho thu nhập thực tế mỗi năm từ 100-120 triệu đồng.
Mô hình thí điểm chuyển đổi vùng ruộng trũng sang nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định đã mở ra một hướng phát triển mới cho sản xuất nông nghiệp ở Mỹ Hà. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng hiệu quả sử dụng đất trên một đơn vị diện tích, tạo ra giá trị và hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2003, Đảng uỷ xã đã ra nghị quyết chuyên đề chỉ đạo triển khai nhân rộng mô hình chuyển đổi vùng ruộng trũng sang nuôi thủy sản kết hợp chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại, gia trại. UBND xã khuyến khích nông dân chủ động dồn điền đổi thửa, quy hoạch các vùng trũng thành khu nuôi thủy sản. Hội Nông dân xã mời các chuyên gia về tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi, chăm sóc thủy sản cho nông dân. Trong giai đoạn 2004-2009, xã đã tạo điều kiện về thủ tục, tín chấp với các ngân hàng để tạo điều kiện cho các hộ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất gồm 222 hộ vay Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng, 151 hộ vay Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với tổng số tiền trên 2,3 tỷ đồng. Phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Mỹ Hà đã phát triển mạnh và được nhân rộng ở cả 16/16 xóm với tổng diện tích trên 56 ha, thu hút trên 120 hộ tham gia; trong đó có 11 hộ có diện tích lớn từ 1 ha trở lên với các mô hình trang trại, gia trại nuôi thuỷ sản, chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp. Theo thống kê của xã, trên 60% số hộ tham gia chuyển đổi có thu nhập thực tế từ 50 triệu đồng/năm trở lên, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương; một số hộ đầu tư tốt, diện tích lớn có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm như hộ các ông: Trần Văn Minh (xóm 1), Trần Chính Bông (xóm 16)...
Cùng với phát triển kinh tế nông nghiệp theo mô hình trang trại, gia trại, bắt đầu từ năm 2004, ở Mỹ Hà còn có một số hộ chuyển đổi diện tích chuyên màu hoặc đất bãi kém hiệu quả sang trồng hoa. Tiên phong trong việc phát triển nghề trồng hoa là hộ các ông Nguyễn Văn Giang, Trần Văn Bằng ở xóm 10. Nhận thấy trồng các loại cây màu truyền thống như: ngô, khoai lang, đậu tương hoặc rau màu ngắn ngày… hiệu quả kinh tế không cao mà lại vất vả, năm 2003, ông Giang đã chuyển đổi 3,5 sào đất chuyên màu tại cánh bãi Cận Hà sang trồng hoa với các giống chủ đạo là hoa huệ và hoa cúc các loại. Hoa huệ xuống giống từ tháng 3, đến tháng 7 bắt đầu cho thu hoạch và được thu liên tục đến Tết; bình quân 1 sào hoa huệ một năm thu được 10 nghìn bông, với giá bán buôn tại chân ruộng từ 6,5-7 nghìn đồng/chục, mỗi sào hoa huệ đạt doanh thu xấp xỉ 7 triệu đồng/vụ, trừ chi phí còn thu nhập thực tế trên 6 triệu đồng/sào/vụ. Hoa cúc xuống giống từ tháng 8 và sát Tết bắt đầu thu hoạch, bình quân 1 sào thu được 15 nghìn bông; với giá bán từ 650-700 đồng/bông, mỗi sào hoa cúc có doanh thu trên 10 triệu đồng/vụ, trừ chi phí thực tế thu nhập đạt trên 8 triệu đồng/sào/vụ. Hơn 50 hộ ở xóm 10 và một số hộ ở xóm 11 đã tham gia nâng tổng diện tích đất trồng hoa của xã lên trên 7 ha.
Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển nuôi trồng thuỷ sản kết hợp chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại; trồng hoa… sản xuất nông nghiệp ở Mỹ Hà đã từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá. Đời sống của người dân đã được cải thiện, một số hộ đã làm giàu chính từ sản xuất nông nghiệp trên đồng đất quê mình./.
Bài và ảnh: Thành Trung