Đến 1-9-2010, Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT tỉnh đạt 4300 tỷ đồng dư nợ cho vay và 4100 tỷ đồng vốn huy động của hơn 110 nghìn khách hàng.
Ảnh: Dương Đức |
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH-HĐH xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển KT-XH bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng. Ở tỉnh ta, sau 10 năm thực hiện Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg ngày 30-3-1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân trên địa bàn tỉnh.
I - GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN VÀ NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NÔNG DÂN
Khi Quyết định số 67 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước tỉnh (NHNN) đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn, chủ yếu là Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) triển khai thực hiện. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã căn cứ vào các văn bản của NHNN Việt Nam hướng dẫn cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với hộ sản xuất đến 20 triệu đồng và 50 triệu đồng đối với hộ sản xuất giống thuỷ sản. Sau đó, các hộ nông dân vay đến 30 triệu đồng, HTX được vay 100 triệu, 500 triệu đồng.
Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Nghĩa Hưng giải ngân cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất tại xã Nghĩa Thắng.
Ảnh:
VĂN BẮC
|
Khi đã có chủ trương, Ngân hàng NN-PTNT, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đã tích cực mở rộng mạng lưới, trang bị phương tiện làm việc để thực hiện giải ngân tại chỗ phục vụ thuận tiện cho người vay ở khu vực nông thôn; các ngân hàng thương mại những năm gần đây cũng đã cho vay đối với khách hàng khu vực nông thôn và mở rộng mạng lưới về địa bàn nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 236 địa chỉ giao dịch và cung ứng dịch vụ ngân hàng; trong đó trên địa bàn 9 huyện có 135 địa chỉ giao dịch, bình quân 1,5 xã có một điểm giao dịch của ngân hàng. Ngân hàng NN-PTNT Nam Định và Ngân hàng Nông nghiệp Hoà Xá có mạng lưới trên 3300 tổ vay vốn với gần 72500 hộ nông dân tham gia trong các tổ vay vốn; chi nhánh Ngân hàng CSXH có mạng lưới trên 4000 tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 152 nghìn hộ tham gia. Vì vậy, nếu như cuối năm 1998 (thời điểm trước khi ban hành Quyết định số 67) dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn chỉ có 846 tỷ đồng thì sau 10 năm đã tăng lên, đạt 13924 tỷ đồng (tăng 16,5 lần), bình quân trong 10 năm tăng trưởng 29,6%/năm. Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn tăng từ 423 tỷ đồng (năm 1998) lên 4979 tỷ đồng (tăng 11,8 lần). Các TCTD trên địa bàn đều quan tâm đẩy mạnh cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong đó Ngân hàng NN-PTNT chiếm tỷ trọng 70,2%, Ngân hàng CSXH chiếm tỷ trọng 16,2%, hệ thống QTDND chiếm tỷ trọng 11,9%, các tổ chức tín dụng khác chỉ chiếm 1,7%. Đến thời điểm 31-12-2009, trên địa bàn tỉnh hệ thống mạng lưới tổ vay vốn đã phủ rộng 100% các xóm, đội sản xuất với trên 3300 tổ vay vốn, có 9 ban chỉ đạo đầu tư vốn phát triển nông nghiệp nông thôn của 9 huyện, 210 phòng đại diện của xã, thị trấn.
Quyết định số 67/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã thực sự khơi thông dòng vốn tín dụng về nông thôn, các hộ dân ở nông thôn đã trở thành chủ thể trong sản xuất, kinh doanh, bình đẳng với các đối tượng khách hàng khác trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Nguồn vốn tín dụng đầu tư vào nông nghiệp nông thôn đã góp phần đáng kể tạo ra sự tăng năng suất, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, nhiều làng nghề được khôi phục, đời sống vật chất tinh thần của nông dân được cải thiện, nông thôn đổi mới theo hướng CNH, hiện đại, văn minh. Ở huyện Ý Yên, các hộ dân, các doanh nghiệp trên địa bàn luôn được chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp huyện tạo điều kiện về nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Trước khi có Quyết định số 67 khách hàng của Ngân hàng NN huyện Ý Yên chủ yếu tập trung vào một số doanh nghiệp, tổ hợp; khách hàng là hộ sản xuất không đáng kể vì thế đầu năm 1999 tổng nguồn vốn chỉ có 39,9 tỷ đồng, dư nợ 39,5 tỷ đồng; khi có Quyết định số 67 ngay trong năm 1999 ngân hàng đã triển khai được 420 tổ vay vốn, 100% các xã thực hiện cho vay theo tổ vay vốn, đã có 39 nghìn hộ tham gia các tổ vay vốn chiếm 64% số hộ trong huyện. Đến ngày 30-6-2010, có 12375 hộ đang vay vốn dư nợ gần 412 tỷ đồng chiếm 78% tổng dư nợ, bình quân 1 hộ vay 33 triệu đồng. Đến ngày 30-6-2010, sau 10 năm nguồn vốn của ngân hàng Nông nghiệp huyện Ý Yên từ 39,9 tỷ đồng lên 526,3 tỷ đồng, tăng 13,2 lần; dự nợ từ 39,5 tỷ đồng lên 525,5 tỷ đồng, tăng 13,3 lần, nợ xấu chỉ chiếm 0,06%. Doanh nghiệp tư nhân cơ khí đúc Tân Tiến vay 5 tỷ đồng đầu tư máy móc thiết bị nhà xưởng để sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ bằng đồng. Doanh thu của doanh nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước, đến hết tháng 8-2010, doanh thu của đơn vị đạt 24 tỷ tăng 30% so cùng kỳ. Cty may Vĩnh Thực (xã Yên Trị) được vay hàng tỷ đồng đầu tư mở rộng nhà xưởng chuyên sản xuất các mặt hàng phục vụ quốc phòng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập ổn định trên dưới 1,5 triệu đồng/người/tháng. Ngân hàng NN-PTNT Ý Yên cho vay tín chấp qua Hội Phụ nữ huyện gần 69 tỷ đồng. Được vay vốn nhiều hộ hội viên đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển nghề mới. Gia đình bà Đặng Thị Thêu (thôn Tiến Thắng) xã Yên Đồng được vay 700 triệu đồng sản xuất VLXD tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với thu nhập 2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2009, Ngân hàng NN-PTNT huyện Ý Yên còn thực hiện hỗ trợ lãi suất nhằm kích cầu tăng trưởng kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát cho 1500 khách hàng với dư nợ trên 165 tỷ đồng, số tiền lãi thực hỗ trợ 4 tỷ đồng. Ở huyện Nam Trực, năm 1999 Chi nhánh Ngân hàng NN huyện mới có 80 tổ vay vốn với dư nợ 1,4 tỷ đồng đến tháng 6-2010 đã có 441 tổ vay vốn với 6700 thành viên có dư nợ 243 tỷ đồng. Thực hiện gói kích cầu của Chính phủ, Ngân hàng NN huyện Nam Trực đã cho 740 khách hàng vay hỗ trợ lãi suất 185 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ 1,83 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất được vay vốn đã ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động. 8 tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất CN-TTCN huyện Nam Trực đạt gần 600 tỷ đồng, tăng 16,1% so cùng kỳ.
Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá, ngành nghề CN-TTCN. Tiêu biểu như làng hoa cây cảnh Nam Điền (Nam Trực), làng nghề sơn mài, tre nứa ghép Yên Tiến (Ý Yên), nghề cơ khí ở Xuân Tiến, Xuân Kiên (Xuân Trường), nghề nuôi trồng thủy sản ở các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ, Hải Hậu… Thực hiện Quyết định số 67 của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh cơ chế tín dụng thông thường, cơ chế cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng CSXH đã góp phần tích cực thực hiện chủ trương xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Qua 10 năm thực hiện Quyết định số 67 của Thủ tướng Chính phủ đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, kích thích phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nông dân, xoá bỏ tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn; xoá đi mặc cảm của người thiếu vốn đi vay, góp phần ổn định an ninh trật tự ở nông thôn, nâng cao tình làng nghĩa xóm và cộng đồng trách nhiệm khu dân cư. Hiệu quả của chương trình là nhiều hộ được vay vốn giải quyết việc làm, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Đến cuối năm 2009, Hội Nông dân tỉnh có gần 127500 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, bằng 35,5% số hộ nông nghiệp đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. 100% số hộ vay vốn ngân hàng sử dụng đúng mục đích có hiệu quả ngày càng tin vào chủ trương đường lối của Đảng và chính sách pháp luật Nhà nước. Đến hết năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 6,8%./.