Phát triển công nghiệp cơ khí

09:09, 08/09/2010

 

Sản xuất các sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp đóng tàu, xây dựng và xi măng ở Cty cổ phần thương mại và cơ khí Trung Kiên (TP Nam Định).   Ảnh: Hoa Đức
Sản xuất các sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp đóng tàu, xây dựng và xi măng ở Cty cổ phần thương mại và cơ khí Trung Kiên (TP Nam Định).
Ảnh: Hoa Đức

Cùng với công nghiệp dệt may, công nghiệp cơ khí được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 200 doanh nghiệp tham gia sản xuất các mặt hàng cơ khí, trong đó 68 doanh nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, 85 doanh nghiệp cơ khí đúc và cán, kéo kim loại, còn lại là các doanh nghiệp gia công kim loại. Các doanh nghiệp tập trung tại các địa phương có làng nghề cơ khí như Xuân Tiến (Xuân Trường), Vân Chàng, Đồng Côi, Bình Yên (Nam Trực), Tống Xá (Ý Yên), Quang Trung (Vụ Bản)… và thành phố Nam Định. Ngoài các sản phẩm truyền thống của địa phương gồm sản xuất chi tiết, phụ tùng máy nông nghiệp, công nghiệp, nông cụ…, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, tích cực đổi mới công nghệ, sản xuất những sản phẩm cơ khí có tính đột phá như đóng mới, sửa chữa tàu thuỷ có trọng tải lớn, luyện kim đen, đúc thép, dây lưới thép, dây điện, tôn mỹ nghệ xuất khẩu, đồ gia dụng cao cấp bằng inox, phụ tùng ô tô, xe máy, xe đạp chất lượng cao… Giai đoạn 5 năm (2006-2010), ước tính ngành cơ khí, điện và gia công kim loại của tỉnh tăng trưởng bình quân 19,23%/năm, chiếm 29,48% giá trị sản xuất công nghiệp, thu hút 39115 lao động, chiếm 24,3% lao động công nghiệp. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2010, ngành cơ khí, điện và gia công kim loại toàn tỉnh đạt 1013 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Nhiều sản phẩm cơ khí tăng trưởng cao như sản xuất máy tuốt lúa 5293 chiếc, tăng 7,6%; máy trộn bê tông 2459 chiếc, tăng 10,2%, phụ tùng xe đạp 598 tấn, tăng 6,8%, phụ tùng xe máy 2786 tấn, tăng 8,3%; hạ thuỷ 68 tàu các loại. Các địa phương có ngành công nghiệp cơ khí phát triển như Ý Yên công nghiệp cơ khí đúc đạt 119 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% giá trị sản xuất công nghiệp của huyện. CCN Yên Xá đã được lấp đầy gồm 20 doanh nghiệp, 5 tổ, hộ sản xuất cơ khí đúc, tổng vốn đầu tư 38,676 tỷ đồng, thu hút gần 500 lao động. Tiêu biểu như Cty TNHH Thắng Lợi, Cty TNHH cơ khí đúc Đại Đồng, Cty TNHH cơ khí đúc Thành Đồng… Ngành cơ khí đóng tàu và gia công kim loại của huyện Trực Ninh đạt 189,8 tỷ đồng, chiếm 60% giá trị sản xuất công nghiệp của huyện (chủ yếu đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải). CCN Cát Thành đến nay đã có 6 doanh nghiệp và 1 HTX sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực cơ khí đóng tàu cơ bản xây dựng xong cơ sở hạ tầng và đi vào sản xuất, số vốn được duyệt là 550 tỷ đồng. Ở huyện Nam Trực, cơ khí vẫn là ngành công nghiệp mũi nhọn và giữ được tốc độ tăng trưởng cao, 6 tháng đầu năm đạt 258,817 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cơ khí có doanh thu cao trên 10 tỷ đồng như Cty cổ phần cơ khí Quang Báo, Cty cổ phần cơ khí Hà Ninh, Cty TNHH Việt Thắng… Tại thành phố Nam Định, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực cơ khí xây dựng được thương hiệu sản phẩm, tạo sức cạnh tranh mạnh trên thị trường cả nước. Cty cổ phần dây lưới thép Nam Định với sản phẩm chủ yếu dây thép mạ kẽm, lưới thép, thép gai, rồng đá, rọ đá, thảm đá mạ kẽm và kẽm bọc PVC công suất 1000 tấn/tháng. 6 tháng đầu năm, doanh thu của Cty đạt 117 tỷ đồng, tạo việc làm cho 270 lao động với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Cty TNHH Mai Văn Đáng (KCN Hoà Xá) tập trung vào mặt hàng chủ lực là phụ tùng xe máy. Cty tạo việc làm cho trên 150 lao động với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng, doanh thu mỗi năm đạt trên 20 tỷ đồng. Cty TNHH Thắng Lợi (CCN An Xá) đầu tư 6 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền đúc thép, lò nhiệt luyện bằng điện, lò nấu trung tần, chế tạo các loại chi tiết máy dùng trong sản xuất xi măng, nghiền quặng, xây dựng… Ngoài những doanh nghiệp trên, 6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp khác trong tỉnh cũng đầu tư  từ 500 triệu - 3 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị mới phục vụ sản xuất, kinh doanh mặt hàng cơ khí. Tiêu biểu như Cty TNHH Đình Mộc (Xuân Trường), Cty cổ phần vận tải Minh Tuấn (Trực Ninh), Cty cổ phần xuất khẩu và thương mại Nam Hà (Nghĩa Hưng), Cty TNHH cơ khí Quyết Tiến (Giao Thuỷ), Cty cổ phần Thái Mai, Cty TNHH đúc Thành Long, Cty TNHH Ngọc Thịnh (CCN An Xá)… Riêng ngành công nghiệp đóng tàu mặc dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt giá trị sản xuất trên 383 tỷ đồng, bảo đảm việc làm cho 3630 lao động với mức lương 1,7-2,5 triệu đồng/người/tháng. Điển hình như: Cty cổ phần Cát Tường, Cty cổ phần Trường An… tiếp tục có những đầu tư về hạ tầng nhà xưởng, phương tiện thiết bị để đóng tàu có trọng tải lớn.

Tuy nhiên, khó khăn đối với ngành công nghiệp cơ khí tỉnh ta hiện nay là chưa có nhiều doanh nghiệp lớn; công nghiệp phụ trợ của ngành cơ khí chưa nhiều và chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Sức cạnh tranh của sản phẩm tuy đã được chú trọng song vẫn còn hạn chế về mẫu mã, chất lượng…

Thanh Thủy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com