Từ chủ trương chuyển một phần diện tích cấy lúa, làm muối khó khăn, kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản, trong những năm qua diện tích chuyển đổi của các địa phương đã mang lại hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần. Ngoài con nuôi truyền thống, các giống thuỷ sản mới mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được chủ nuôi ưa chuộng và được nghiên cứu sản xuất giống tại chỗ.
Ở vùng nội đồng
Khu trang trại nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Trần Văn Việt, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) được quy hoạch khá hoàn chỉnh, gồm: Khu nuôi cua đồng, khu nuôi cá ra đồng, khu nuôi cá chày mắt đỏ, khu nuôi cá truyền thống...; trong đó trên diện tích 2 sào nuôi cua đồng được xây, kè chung quanh và hệ thống mương hình chữ L với độ sâu 1,2m, rộng 8m được thả bèo tây. Vụ xuân, ngoài hệ thống mương, ruộng vẫn cấy lúa, sau khi thu hoạch lúa ông không cấy lúa mùa mà để lúa chét làm thức ăn và môi trường cho cua sinh sống, sinh sản. Tháng 4-2010, khu vực này ông thả 30 vạn con cua giống cỡ 1,2-1,5cm, hàng ngày cho ăn bằng cám tổng hợp tự chế và thức ăn tươi sống. Sau 4 tháng nuôi, ông đã tỉa bán với giá 90-120 nghìn đồng/kg. Đến nay, bình quân mỗi sào ông thu gần 10 kg cua thịt nhưng vẫn để lại một phần cua bố mẹ để sinh sản tiếp. Một mẫu ao nuôi cá rô đồng, ông đã thu bán được 60 triệu đồng và tiếp tục thu 2-3 đợt nữa, cuối năm sẽ có nguồn thu 200 triệu đồng. Theo ông Việt nuôi cua đồng cho hiệu quả khá. Nuôi cá rô đồng có thể đạt 500 triệu đồng/ha, trừ chi phí vật chất, lãi ròng đạt 200 triệu đồng/ha. Anh Trần Văn Tráng ở thị trấn Cồn (Hải Hậu) có trang trại 4,7 ha, trong đó 3ha ao chuyên nuôi cá rô đồng; năm 2009, riêng bán cá thịt anh Tráng đã có nguồn thu 1 tỷ 750 triệu đồng. Do tự sản xuất được giống, ngoài cung cấp đủ giống cho ao nuôi, anh còn xuất bán 3,5 triệu con cá hương cho người nuôi. Nếu cộng cả thu nhập từ sản xuất giống thì 1ha nuôi cá rô đồng của anh Tráng đạt 556 triệu đồng; trừ chi phí, anh có nguồn thu gần 400 triệu đồng/ha.
Xí nghiệp chế biến thủy sản Xuân Thuỷ (Cty XNK thuỷ sản Hà Nội) với sản phẩm xuất khẩu tạo việc làm cho 250 lao động, thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng.
Ảnh: Dương Đức
|
Nếu ở các huyện Nam Trực, Hải Hậu, Vụ Bản đang nhân rộng mô hình nuôi cá rô đồng thì ở Nghĩa Bình, Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) ngoài nuôi cá lóc bông thì nhiều hộ nuôi cá sộp (cá quả đen) lãi ròng đạt 400-450 triệu đồng/ha. Nuôi cá sộp ở Nghĩa Hưng kỹ thuật phải tuân thủ tốt và thức ăn của cá sộp cũng "kén" hơn so với một số loại cá đang nuôi, kể cả cá lóc bông.
Ở vùng mặn lợ
Gia đình anh Phạm Văn Thanh ở đông Nam Điền (Nghĩa Hưng) có 0,7 ha ao đầm nuôi 2 vạn con cá chim biển vây vàng. Sau 9 tháng nuôi bằng thức ăn tươi sống (cá tạp), mỗi con đã đạt trọng lượng 0,5-0,7kg. Thị trường tiêu thụ cá chim biển vây vàng là Hà Nội, Quảng Ninh với giá 100-110 nghìn đồng/kg, nếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc giá 10 USD/kg. Anh Phạm Văn Thanh cho biết: "Nếu dùng thức ăn công nghiệp, cá chim biển vây vàng chỉ nuôi 6-7 tháng là đã đạt trọng lượng 0,5-0,7kg/con. Ao có thể nuôi tiếp một vụ cua rèm ngay trong năm...". Trung tâm giống hải sản tỉnh cũng có mô hình 0,7ha nuôi 2 vạn con cá chim biển vây vàng, sau 6 tháng nuôi, trọng lượng cá thể bình quân đã đạt trên 0,6kg. Dự kiến Trung tâm sẽ bán trong tháng 10-2010 và lãi suất không dưới 200 triệu đồng/ha. Hiện tại Trung tâm đã nuôi thuần thục 70 cặp cá chim biển vây vàng bố mẹ, dự kiến trung tuần tháng 8-2010 sẽ cho sinh sản nhân tạo để lấy giống cung cấp cho các hộ nuôi. Cùng với cho sinh sản cá chim biển vây vàng, Trung tâm giống hải sản tỉnh đang nuôi vỗ 50 cặp cá vược bố mẹ để cho sinh sản vào cuối năm 2010, đồng thời nghiên cứu sinh sản cá song nhân tạo. Ngoài ra Trung tâm còn sản xuất được 20 triệu con hàu Thái Bình Dương đang xuất bán ra Quảng Ninh với giá 30 đồng/con. Nhưng nói đến sản xuất giống nuôi vùng mặn lợ thì sản xuất giống ngao là siêu lợi nhuận. Sau nhiều năm nghiên cứu, hoàn chỉnh quy trình sản xuất ngao giống, năm 2009, doanh nghiệp Cửu Dung ở Giao Xuân (Giao Thuỷ) đã hoàn thiện công nghệ sinh sản nhân tạo giống ngao tại chỗ với 200 triệu con. Năm nay, doanh nghiệp đã sản xuất gần 2 tỷ con nhưng đợt đầu ương tại 1,2 ha với 1 tỷ con ngao cám giống do gặp thời tiết không thuận nên chết nhiều. Hiện anh còn 800 triệu con ngao đang ương, nhưng vẫn cho sinh sản tiếp để "bù" lại số bị thất thoát. Cùng với doanh nghiệp Cửu Dung, 4 cơ sở khác cũng cho sinh sản ngao với gần 100 triệu con ngao giống. Do sản xuất được ngao giống nên giá ngao giống giảm đáng kể, từ 30 đồng/con ngao cám, xuống 6-7 đồng/con, rất lợi cho người nuôi thả. Riêng doanh nghiệp Cửu Dung với 2 tỷ con ngao cám sản xuất ra trong năm nay nếu bán ngay từ ngao cám với giá thấp nhất cũng đạt 12 tỷ đồng mà ngao bố mẹ sau khi cho đẻ xong vẫn bán thương phẩm với giá cao. Năm nay, nuôi ngao ở Giao Thuỷ bình quân cũng gần 1 tỷ đồng/ha, riêng đầm nuôi của anh Phạm Văn Thực với năng suất 110 tấn/ha, doanh thu 2 tỷ 310 triệu đồng/ha(!).
Cùng với nuôi cá chim biển vây vàng, nuôi và sản xuất giống ngao thì trên vùng nuôi mặn lợ còn nhiều hộ ở Hải Hoà, Hải Chính (Hải Hậu) nuôi cá song lãi ròng trên 200 triệu đồng/ha. Nuôi cá bống bớp ở Giao Xuân (Giao Thuỷ), Nghĩa Hải, Nghĩa Thắng, Nam Điền, nông trường Rạng Đông (Nghĩa Hưng) lãi trên 200 triệu đồng/ha và nhiều mô hình nuôi cá vược cho lãi ròng 200-300 triệu đồng/ha.
Vấn đề đặt ra
Những mô hình nuôi, sản xuất giống thuỷ sản mới, hiệu quả cao là rất thuyết phục, song vẫn chưa được nhân rộng ra đại trà. Một trong những nguyên nhân là do khâu sản xuất giống. Ngoài con ngao, cá bống bớp, cua rèm (vùng mặn lợ), cá rô đồng (vùng nước ngọt) thì các giống thuỷ sản khác tỉnh ta chưa chủ động được giống. Trung tâm giống thuỷ đặc sản tỉnh đang nghiên cứu cho sinh sản cua đồng nhưng hiện chưa thành công. Cá song, cá vược, cá chim biển vây vàng, cá sộp... do công nghệ chưa hoàn chỉnh nên sản xuất giống tại chỗ được rất ít, hầu hết giống phải mua từ nơi khác về, vừa tốn kém, vừa không chủ động giống mùa vụ, chất lượng con giống lại không bảo đảm nên người nuôi vẫn dè dặt. Muốn nhân rộng các mô hình nuôi thuỷ sản, ngoài sự chủ động giống tốt, đủ cung cấp cho người nuôi, việc quy vùng, cải tạo hệ thống thuỷ lợi tạo môi trường trong lành và chuyển giao kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật... cho người nuôi, ngành NN-PTNT và các địa phương cũng nên tiến hành đồng bộ./.
Tuấn Anh