Ngày 10-9-1945 Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 27 lập ra Sở Thuế quan, thuế giám thu trực thuộc Bộ Tài chính. Hệ thống thuế được hình thành và phát triển gắn với sự ra đời, phát triển của đất nước qua các thời kỳ cách mạng. Thời kỳ đầu sau Cách mạng Tháng Tám, chính sách động viên đóng góp chủ yếu theo hình thức tự nguyện như: "Quỹ Độc lập", "Tuần lễ vàng", "Phong trào Hũ gạo nuôi quân", "Quỹ nuôi quân", "Quỹ bình dân học vụ"... đã khơi dậy và phát huy lòng yêu nước, sức mạnh tổng hợp của nhân dân, tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp công sức, góp của vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, đến năm 1951 chính sách thuế quy định gồm 7 sắc thuế: thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp, thuế hàng hóa, thuế xuất nhập khẩu, thuế sát sinh, thuế trước bạ và thuế tem. Từ năm 1954 đến năm 1956, nước ta lần lượt ban hành các loại thuế mới trên cơ sở sửa đổi bổ sung các chế độ đã ban hành. Chính sách thuế công thương nghiệp bao gồm: thuế doanh nghiệp, thuế lợi tức doanh nghiệp, thuế suất hàng hóa, thuế buôn chuyến, thuế xuất nhập khẩu, thuế kinh doanh nghệ thuật, thuế sát sinh, thuế rượu, thuế muối, thuế thổ trạch và thuế hàng tồn kho. Chế độ quản lý tài chính chung và quản lý tài chính xí nghiệp đã được ban hành đó là: chế độ thu nộp lợi nhuận, chế độ trích nộp khấu hao tài sản cố định. Đến năm 1961, hệ thống thu ngân sách đã được hình thành hai mảng lớn: Tổ chức quốc doanh và trích nộp lợi nhuận (khu vực kinh tế quốc doanh) và thuế công thương nghiệp (khu vực công thương gia). Năm 1990, thực hiện đường lối đổi mới quản lý kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống thuế trực thuộc Bộ Tài chính đã ra đời theo Nghị định 281/HĐBT ngày 7-8-1990 theo ba cấp: Tổng cục Thuế, Cục Thuế và Chi cục Thuế. Ngày 6-8-2010, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1370/QĐ-TTg quyết định lấy ngày 10-9 hàng năm là ngày truyền thống của ngành Thuế Việt Nam.
Cán bộ Cục Thuế tỉnh hướng dẫn kê khai, quét tờ khai thuế theo phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin.
Ảnh: Văn Bắc
|
Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Thuế, chính sách Thuế ngày càng hoàn thiện chủ yếu ban hành dưới dạng Luật thu ngân sách từ thuế, phí tăng nhanh qua các năm. Số thu từ thuế, phí chiếm tỷ lệ động viên ngày càng tăng trong thu nhập quốc dân và đã trở thành nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước đáp ứng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với sự ra đời của hệ thống thu thuế Nhà nước của cả nước, ngành Thuế Nam Định được thành lập tiền thân là Cục Thuế Hà Nam Ninh (từ ngày 01-10-1990 đến 31-3-1992), Cục Thuế Nam Hà (từ ngày 01-4-1992 đến 31-12-1996) và Cục Thuế Nam Định (từ ngày 01-01-1997 đến nay). Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, ngành Thuế Nam Định đã đạt được những thành tựu quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội đặt ra qua nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh. Số thu ngân sách Nhà nước hàng năm đều đạt và vượt so với dự toán Trung ương và tỉnh giao. Năm 1990, số thu ngân sách Nhà nước mới đạt 56,215 tỷ đồng, qua quá trình chuyển giao và tách lập từ Cục Thuế Hà Nam Ninh sang Cục Thuế Nam Hà (năm 1992), ngành Thuế hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 1995, với số thu đạt 203,174 tỷ đồng. Năm 1997, Cục Thuế Nam Định sau khi tách từ Cục Thuế Nam Hà, với số thu ban đầu là 171,152 tỷ đồng đến năm 2000 số thu ngân sách đã đạt trên 177 tỷ đồng. Qua 5 năm (từ 2000 đến 2005), tổng số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng gấp 3 lần, đạt trên 531 tỷ đồng. Ngành Thuế Nam Định đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2000-2005) đã đề ra. Từ năm 2005 đến nay, ngành Thuế Nam Định luôn giữ vững danh hiệu đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch. Năm 2006, tổng số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh (số thực hiện) đạt 689,5 tỷ đồng, năm 2007 con số đó đã tăng lên 848,6 tỷ đồng. Năm 2008, tổng số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh (số thực hiện) đạt 1035,5 tỷ đồng. Với kết quả đã đạt được, ngành Thuế Nam Định đã hoàn thành thắng lợi mục tiêu thu ngân sách trước hai năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2005-2010) đã đề ra là 1000 tỷ đồng.
Năm 2010 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm (2006-2010), để thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra, ngay từ đầu năm, Cục Thuế tỉnh đã tổ chức phát động thi đua trong toàn ngành, đề ra nhiều biện pháp hữu hiệu, quyết tâm hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách tỉnh giao 1055 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2010 ngành Thuế thu đạt 1070 tỷ đồng. Tại Đại hội Đảng bộ Cục Thuế tỉnh lần thứ VII (nhiệm kỳ 2010-2015) đã đề ra 5 mục tiêu quan trọng. Trong đó, số thu ngân sách hàng năm tăng 15% trở lên so cùng kỳ, tổng thu ngân sách đến năm 2015 đạt trên 2200 tỷ đồng. Giải pháp chủ yếu ngành Thuế đặt ra để thực hiện thắng lợi mục tiêu là tăng cường công tác chỉ đạo điều hành nhiệm vụ thu ngân sách. Tranh thủ sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước trên từng địa bàn. Tăng cường quản lý chặt chẽ đối tượng nộp thuế, đăng ký cấp mã số thuế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế để ngăn chặn và hạn chế tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, chống thất thu thuế có hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước. Luôn coi trọng đến chính sách thu, tăng thu để góp phần cân cối thu, chi ngân sách. Tăng thu trên cơ sở khuyến khích, nuôi dưỡng nguồn thu bằng các giải pháp thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời tăng cường kiểm soát bao quát nguồn thu theo sát hoạt động của kinh tế thị trường.
Ngành Thuế tỉnh trong thời gian tới tập trung tổ chức tốt công tác lập dự toán, chủ động trong chỉ đạo và điều hành nguồn thu ngân sách; đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách thuế, đổi mới phương pháp hỗ trợ người nộp thuế trên cơ sở xây dựng kế hoạch, đề cương tuyên truyền theo tháng, quý, năm; giúp người nộp thuế hiểu và chủ động trong việc chấp hành chính sách thuế, đồng thời đề cao vai trò tự tính, tự khai, tự nộp thuế… Bên cạnh đó, ngành Thuế tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và các ngành liên quan, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến người nộp thuế biết và áp dụng chế độ ưu đãi thuế vào hoạt động đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh. Tập trung giải quyết ngay những hồ sơ hoàn thuế, miễn thuế, không để tồn đọng kéo dài. Toàn ngành tăng cường quản lý thuế đối với các lĩnh vực, mặt hàng có thế mạnh, xử lý thu hồi nợ đọng; đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa công tác quản lý thuế, từng bước áp dụng hình thức kê khai thuế điện tử, mở rộng mạng lưới nộp thuế qua hệ thống ngân hàng thương mại, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp thuế./.