Những năm qua, xã Nam Thái (Nam Trực) đã năng động phát huy lợi thế địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Xã có 593ha đất cấy lúa, với các giống năng suất, chất lượng cao, bình quân khoảng 120 tạ/ha/năm. Với những chân ruộng trũng, cao cho năng suất thấp, xã đã vận động nông dân thực hiện dồn điền đổi thửa, mạnh dạn phát triển mô hình nuôi thuỷ sản hoặc chăn nuôi tổng hợp. Toàn xã đã chuyển đổi gần 1,3ha sang nuôi thuỷ sản cho thu nhập bình quân từ 100 đến 200 triệu đồng/ha, có 220 hộ chăn nuôi gà và lợn hướng nạc theo mô hình gia trại. Nhiều hộ nuôi gà với quy mô 1000 đến 1500 con/lứa, 45-50 ngày/một lứa, bình quân đạt 200 triệu đồng/năm. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Pha (thôn Lạc Thiện), ông Phan Văn Sang (thôn Hải Thượng)... Nhiều hộ nuôi lợn hướng nạc quy mô 200 con/lứa, mỗi năm 4 lứa, cho sản lượng 5,6 tấn lợn hơi/năm, mức thu nhập 200 triệu đồng/năm. Điển hình như hộ ông Nguyễn Quang Huy (thôn Chính Trang). Hiệu quả từ chuyển đổi đã tạo niềm tin cho các hộ dân đăng ký chuyển đổi theo chỉ đạo của UBND xã. Vụ đông năm 2010, xã dự kiến quy hoạch chuyển đổi 2ha đất vùng cao sang trồng cây vụ đông bằng các giống cây màu cho năng suất, chất lượng cao.
Cùng với phát triển nông nghiệp hàng hoá, xã Nam Thái đang vươn lên mạnh mẽ nhờ sự năng động, đa dạng hoá ngành nghề. Hiện tại, toàn xã có hơn 1000 lao động tham gia làm các nghề trồng nấm, may công nghiệp. Tất cả các thôn đều có hộ tham gia nghề may, trong đó những hộ có trình độ tay nghề kỹ thuật cao, do từng làm nghề may mặc thời trang đã nhiệt tình đứng lên đào tạo, dạy nghề cho những lao động mới tham gia làm nghề. UBND xã đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện mở một lớp đào tạo nghề may cho 40 lao động làm nòng cốt để tiếp tục nhân rộng nghề cho các lao động khác. UBND xã tạo điều kiện về pháp lý, các thủ tục hành chính để các cơ sở, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất. Hiện nay, toàn xã đã có 100 hộ tham gia sản xuất, riêng cơ sở may của gia đình chị Trần Thị Sửu ở thôn Phú Cự có 20 máy và hàng chục máy hoạt động tại các hộ dân; nhiều cơ sở may có hơn 10 máy như cơ sở của chị Phạm Thị Vui ở thôn Lạc Thiện; ông Phan Văn Hùng, thôn Ngoại Đê. Tháng 7-2010, có một đơn vị ở thành phố Nam Định đã về khảo sát và đăng ký đầu tư xây dựng một Cty với quy mô gần 500 máy may. Từ nghề may công nghiệp, hơn 200 lao động trực tiếp làm nghề may và khoảng 50 lao động phụ trợ nghề may trong xã có việc làm ổn định với mức thu nhập tối thiểu đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng, nhiều lao động đạt mức 2 triệu đồng/người/tháng.
Từ sự năng động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đời sống nhân dân Nam Thái đang đổi thay từng ngày. Thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/năm, số hộ khá và giàu đang tăng lên, số hộ nghèo giảm. Các công trình phúc lợi phục vụ sinh hoạt văn hoá, chính trị của nhân dân trong xã như: trường học, trạm y tế... được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại...
Nguyễn Thanh Thúy