Khởi sắc nghề chế biến thuỷ sản

08:09, 22/09/2010

Với 72km bờ biển và 4 con sông lớn là sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Đáy, sông Đào chảy qua đã tạo cho tỉnh ta lợi thế phát triển kinh tế thuỷ sản. Hiện tại, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh là 15900ha, thu hút gần 41 nghìn lao động với thu nhập khá. Ngoài 31513 hộ nuôi trồng thuỷ sản, đến nay toàn tỉnh có 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản; trong đó có 2 doanh nghiệp nhà nước, 6 doanh nghiệp tư nhân và 2 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Xác định kinh tế biển là mũi nhọn, nghề khai thác hải sản của tỉnh ta trong những năm gần đây phát triển mạnh cả về năng lực, phương tiện và phương thức đánh bắt nên sản lượng khai thác tăng nhanh theo hàng năm. Từ khai thác và nuôi trồng thuỷ sản, mỗi năm sản lượng thuỷ sản của toàn tỉnh đạt trên dưới 80 nghìn tấn, riêng năm 2010 đang phấn đấu đạt 89 nghìn tấn. Ngoài ra, còn hàng chục nghìn tấn sứa khai thác trong vụ xuân - hè mỗi năm.

Sơ chế ngao sạch tại doanh nghiệp Cửu Dung, xã Giao Xuân (Giao Thuỷ).
Sơ chế ngao sạch tại doanh nghiệp Cửu Dung, xã Giao Xuân (Giao Thuỷ).

Sản lượng thuỷ sản từ khai thác và nuôi trồng hàng năm rất lớn nhưng công nghiệp chế biến thuỷ sản ở tỉnh ta vẫn chưa phát triển. Ngoài các cơ sở sản xuất nước mắm nhỏ lẻ ở các xã ven biển như Giao Châu, Quất Lâm (Giao Thuỷ), Hải Triều, Hải Lý, Thịnh Long (Hải Hậu), Nghĩa Thắng, Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng)... thì số hải sản khai thác được chỉ dùng để phơi khô, chế biến thức ăn chăn nuôi lợn, gà, tôm, cua, cá... hiệu quả thấp. Khi khai thác phát triển, nhất là năm được mùa với sản lượng lớn, các tàu khai thác phải chịu thiệt vì giá rẻ. Nhiều tàu thuyền đánh bắt hải sản gần bờ, tại các bãi ngang cửa sông có khi phải nghỉ khai thác vì không tiêu thụ được sản phẩm, hoặc bán đổ bán tháo. "Thử sức" và cùng tham gia tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân, năm 2006, ông Nguyễn Văn Phúc, xã Hải Chính (Hải Hậu) đi học nghề chế biến cá mai để xuất khẩu tại Khánh Hoà. Ông đã thành lập Cty TNHH Đại Đức, mỗi ngày Cty tiêu thụ 2 tấn cá mai nguyên liệu, trong khi hàng nghìn tàu thuyền khai thác thường xuyên sản lượng hàng nghìn tấn mỗi ngày, riêng cá mai khai thác được hàng chục tấn mỗi ngày và vụ cá mai kéo dài 9 tháng, từ tháng 8 năm trước đến tháng 4 năm sau. Do có cơ sở chế biến tại chỗ và nhu cầu về nguyên liệu từ các nhà máy chế biến ở miền Trung, miền Nam như Khánh Hoà, thành phố Hồ Chí Minh nên số thương lái đã tổ chức thu mua, thu gom để cung ứng và giá cá mai đang rất thấp, từ 2 nghìn đồng/kg đã được nâng lên 5-6 nghìn đồng/kg, có lúc đạt 8-9 nghìn đồng/kg. Đây chính là động lực thúc đẩy lực lượng khai thác tổ chức bám biển đánh bắt. Mặt khác, do lượng phù sa lớn của các sông Hồng, sông Ninh Cơ đổ ra biển, nơi giao hoà giữa 2 nguồn nước ngọt - mặn tạo ra lượng thức ăn, lượng phù du lớn, do đó cá mai nói riêng và cá tạp nói chung sinh sôi nhanh. Tại cửa sông và các bãi ngang mỗi ngày trên dưới 400 tàu, thuyền nhỏ đánh bắt với sản lượng khá ổn định 200 tấn/ngày, trong đó lượng cá mai chiếm 10-20%. Sau 2-3 năm, từ 1 cơ sở chế biến cá mai duy nhất, đến cuối năm 2009 và đầu năm 2010, đã có thêm 8 cơ sở chế biến cá mai đồng loạt ra đời. Ở huyện Hải Hậu 2 cơ sở chế biến cá mai quy mô và công suất còn cao hơn của Cty TNHH Đại Đức là cơ sở chế biến của gia đình ông Nguyễn Văn Đạt và cơ sở chế biến của gia đình ông Phạm Văn Thịnh cùng ở xã Hải Lý. Sôi động hơn, xã Giao Hải (Giao Thuỷ) 6 cơ sở chế biến cá mai ra đời trong thời gian ngắn. Đó là: Cơ sở chế biến Hùng Vương, cơ sở chế biến của gia đình ông Nguyễn Trung Trực, cơ sở chế biến  của gia đình ông Đặng Danh Lũy, cơ sở chế biến  của gia đình bà Nguyễn Thị Liên... Trong 8 tháng đầu năm 2010, cả 9 cơ sở chế biến  cá mai đã sản xuất được 1000 tấn sản phẩm, tương đương với 6-7 nghìn tấn cá mai nguyên liệu. Sản phẩm cá mai đã qua chế biến giờ không chỉ dành cho xuất khẩu mà tiêu thụ nội địa từ sản phẩm này cũng rất thuận lợi và giá cả cao, hiện chưa đủ sản lượng cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.

Chăn nuôi phát triển với các trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản tập trung... đều sử dụng thức ăn tổng hợp, trong đó bột cá nhạt là một trong những nguyên liệu chính trong sản xuất thức ăn chăn nuôi trước đây phải nhập khẩu. Cách đây 5-7 năm, một cơ sở đánh cá xa bờ đã đầu tư dây chuyền sản xuất bột cá nhạt tại thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) với công suất còn rất khiêm tốn. Đến cuối năm 2009 và đầu năm 2010, có 3 cơ sở chế biến bột cá nhạt ra đời với công suất gấp trên 5 lần trước đây. Ông Nguyễn Văn Chiến, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) đầu tư dây chuyền sản xuất bột cá nhạt gồm 5 máy, 6 tháng đầu năm đã sản xuất trên 1000 tấn bột cá nhạt, tương đương với trên 4000 tấn cá nguyên liệu... Một tư nhân ở thị trấn Quất Lâm, đầu tư 2 dây chuyền để sản xuất trong 6 tháng đầu năm đã đạt trên 2000 tấn bột cá nhạt, tương đương với 8-9 nghìn tấn cá nguyên liệu. Cty cổ phần chế biến hải sản Nam Định đã lắp đặt dây chuyền gồm 4 máy ngay gần bến sông Ninh Cơ, công suất 12 tấn bột cá nhạt mỗi ngày đêm, tương đương với 50 tấn cá nguyên liệu. Tổng số bột cá nhạt do 4 cơ sở chế biến sản xuất ra đến tháng 8-2010 đã đạt trên 6000 tấn, gấp 6 lần sản lượng bột cá nhạt mỗi năm trước đây sản xuất ra. Đồng chí Mai Đức Thịnh, giám đốc Cty cổ phần chế biến hải sản Nam Định cho biết: "Nguồn hải sản và thời tiết năm nay thuận nên các đội, tổ tàu khai thác đạt năng suất cao. Hiện nay, đang là mùa thu hoạch cá rô, có ngày Cty tôi đã nhập tới 1000 tấn cá các loại để chế biến...".

Nghề chế biến nước mắm, mắm tôm truyền thống ở các xã Giao Châu (Giao Thuỷ), Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng), Thịnh Long (Hải Hậu)... năm nay cũng sôi động. Các cơ sở cũ thì mở rộng quy mô, nâng thêm công suất và nhiều cơ sở chế biến mới ra đời. Sản lượng mắm tôm, nước mắm đến tháng 8-2010 gấp 1,5 lần so với cùng kỳ. Chỉ riêng lượng mắm tôm sản xuất ra đến nay đã đạt trên 1000 tấn, qua lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu hoá học, vi sinh, tạp chất... đều đảm bảo chất lượng, đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo Quy định 117/BNN-PTNT ban hành năm 2008. Sản phẩm mắm tôm đã được thị trường các tỉnh Thanh Hoá, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội... chấp nhận và tiêu thụ với số lượng lớn. Thương hiệu ngao sạch Giao Thuỷ qua sơ chế đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... với giá 26 nghìn đồng/kg, gấp rưỡi năm ngoái. Con sứa trước kia là mối đe doạ cho người khai thác thuỷ sản thì bây giờ cũng đem lại nguồn thu khá lớn cho ngư dân. Sau khi chế biến sứa thành món ăn đặc sản trong các nhà hàng, khách sạn.

Theo các đồng chí lãnh đạo Sở NN-PTNT thì chế biến thuỷ hải sản năm 2010 có bước tiến mới mang tính đột phá và sẽ phát triển nhanh trong những năm tới. Bởi các cơ sở chế biến, các sản phẩm chế biến đều được kiểm tra, kiểm soát và hầu hết được cấp giấy chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của Bộ NN-PTNT. Chính chất lượng và sự an toàn của sản phẩm sau chế biến nên đã chiếm lĩnh được thị trường ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, nhiều sản phẩm đủ điều kiện và thực tế đã có mặt tại siêu thị của các thành phố lớn. Hiện tại, nhiều cơ sở đang xây dựng và hoàn chỉnh các quy phạm. Sản xuất tốt (JMP), vệ sinh tốt (SSDP) và xây dựng thương hiệu sản phẩm để tiêu thụ sản phẩm trong cả nước, vươn tới xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường thế giới./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



Mua Trống trường học giá rẻGiá máy làm đá công nghiệp FushimaHiểu rõ deadline và tầm quan trọngTìm hiểu exp là gì

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com