Xã Yên Hồng (Ý Yên) có trên 70 ha ruộng trũng, trước đây chỉ cấy được 1 vụ lúa/năm và năng suất không ổn định. Thực hiện chuyển dịch cây trồng, cơ cấu mùa vụ, UBND xã đã chỉ đạo HTX vận động xã viên thực hiện dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp để tạo quỹ đất để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Những diện tích đất trũng của nhiều hộ đã được từng bước dồn đổi thành vùng tập trung ở các thôn An Lộc Hạ, An Lộc Thượng và thôn Chiều. Theo hướng dẫn của HTX, nhiều gia đình đã đầu tư xây dựng chuồng trại, đào ao, khoanh vùng để thả cá kết hợp với cấy lúa, nuôi gia súc, gia cầm. Do chủ động được nguồn nước, cơ cấu giống lúa thay đổi bằng giống lúa lai có khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết, chỉ cấy 1 vụ/năm, bảo đảm ăn chắc kết hợp nuôi vịt, nuôi lợn thịt. Nhờ đó nhiều hộ đã thoát nghèo và giàu lên. Ông Cù Trọng Cờ, ở thôn An Lộc Hạ đã vận động anh em, bà con trong xóm dồn đổi được 2,5 mẫu ruộng trũng. Ông đã đầu tư hơn 100 triệu đồng đào ao, thả cá trắm, mè… kết hợp với cấy lúa vụ xuân, trên bờ, ông xây chuồng nuôi lợn thịt, vịt, gà. Nhờ tập trung phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp, mỗi năm gia đình ông đạt doanh thu trên 200 triệu đồng. Vào lúc thời vụ, gia đình ông đã tạo việc làm cho hàng chục lao động. Đồng chí Trần Minh Thuyết, chủ nhiệm HTXNN Yên Hồng cho biết: Toàn HTX có trên 90 trang trại, gia trại có thu nhập trung bình từ 70 đến 200 triệu đồng/trang trại/năm. Nhiều trang trại, gia trại có diện tích, thu nhập cao như trang trại của gia đình các ông: Trương Công Bộ ở thôn Hoàng Nê; Cù Văn Thoại ở thôn An Lộc Hạ; Trịnh Xuân Lăng ở thôn Hoàng Nghị… Thực tế cho thấy, việc tập trung phát triển các trang trại, gia trại theo mô hình lúa + cá kết hợp với nuôi gia cầm, thủy cầm, nuôi lợn là phù hợp với điều kiện đất đai và tập quán canh tác, chăn nuôi ở địa phương. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các trang trại, gia trại này đều phát triển chăn nuôi theo "mô hình khép kín" thức ăn thừa, nguồn phân chuồng, nước thải chăn nuôi được thải trực tiếp xuống các ao nuôi làm thức ăn cho cá, sau đó thải ra môi trường. Hậu quả là, môi trường ở nhiều trang trại, gia trại đang bị ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của người dân. Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2007 được sự hỗ trợ của UBND tỉnh, HTX đã thực hiện đầu tư xây dựng dự án quy hoạch chuyển đổi vùng ruộng trũng thành vùng nuôi thủy sản kết hợp cấy lúa, bảo đảm cho thu nhập cao. Trên cơ sở thực tế ở địa phương, HTX đã lập kế hoạch quy hoạch toàn bộ khu vực Nẩy Nê, Chiều Nê và cửa thùng của 2 thôn An Lộc Hạ và Hoàng Nê rộng 25 ha thành khu nuôi thủy sản. Tổng mức đầu tư để thực hiện xây dựng quy hoạch vùng nuôi thủy sản là 2 tỷ 110 triệu đồng, trong đó nguồn vốn của tỉnh 1 tỷ 081 triệu đồng, số còn lại là kinh phí của xã và đóng góp của các hộ tham gia dự án. Tại vùng dự án, nguồn vốn của tỉnh được đầu tư xây dựng 1 trạm bơm, đường bê tông, kè, toàn bộ hệ thống tưới tiêu nước với gần 886 m kênh và 3 cống, gồm 1 cống luồn tiêu nước, 1 cống lấy nước và 1 cống xả thải. Nguồn vốn của xã và nhân dân đóng góp được đầu tư cho việc đào đắp sông tiêu với tổng khối lượng đào đắp khoảng 4320 m3 đất. Đến nay, đã xây dựng xong trạm bơm, các cống tưới, tiêu nước và hoàn thiện cơ bản hệ thống kênh tưới, tiêu cho vùng dự án, đưa vào sử dụng. Để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, UBND xã đã chỉ đạo HTX và các thôn, đội sản xuất vận động các hộ tiếp tục dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp. Nhờ đó trong vùng dự án trước đây có trên 100 hộ có ruộng thì hiện nay số hộ có ruộng giảm xuống chỉ còn 50 hộ dân. Nhận thức rõ những lợi ích khi tham gia vùng dự án của xã, đến nay đã có 14 hộ đăng ký phát triển sản xuất theo mô hình trang trại tổng hợp tại đây. Hiện đã có 11 trang trại triển khai đầu tư phát triển sản xuất, với diện tích từ 3000 m2- 7000 m2/trang trại. Theo tính toán của HTX, trước khi chuyển đổi, tổng thu nhập bình quân trên 1 ha chỉ đạt 42 triệu đồng, sau khi thực hiện chuyển đổi, tổng thu nhập trên 1 ha đã đạt 230 triệu đồng. Năm 2009, tổng doanh thu từ kinh tế trang trại của toàn xã đạt 18 tỷ đồng. Bên cạnh đó, vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, nguồn nước cũng được quan tâm và xử lý hiệu quả. 100% các trang trại, gia trại đều thực hiện xây dựng công trình khí sinh học (hầm biogas) để xử lý nước thải, phân chuồng, thức ăn dư thừa trước khi xả thải ra môi trường. Việc xây dựng các công trình hầm biogas không chỉ xử lý hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường và còn tạo ra nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt hằng ngày của người dân, giúp các gia đình tiết kiệm đáng kể chi phí cho việc mua chất đốt. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, để vùng dự án thực sự phát huy hiệu quả, tỉnh cần tiếp tục đầu tư kinh phí để xây dựng hoàn thiện hệ thống đường giao thông từ cống Ông Mô đến kênh T20 và đoạn kênh tiêu khu vực cửa Cao Đồng. Băn khoăn lớn nhất của các chủ trang trại, gia trại là nguồn vốn để đầu tư xây dựng các trang trại, gia trại. Do đó các cấp chính quyền ở địa phương cần có cơ chế để hỗ trợ người dân vay vốn bảo đảm đầu tư và phát huy hiệu quả. UBND xã cần tiếp tục chỉ đạo HTX phối hợp với các thôn, đội sản xuất vận động xã viên tiếp tục dồn điền đổi thửa nhằm tích tụ đủ quỹ đất phục vụ phát triển mô hình kinh tế trang trại theo khả năng và điều kiện ở địa phương. Đó là cơ sở cho xã Yên Hồng tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, mang lại thu nhập cao cho nông dân./.
Phạm Văn Đại