Cty TNHH thương mại Trần Hồng Quân - Hồng Hà gas (Khu CN Hoà Xá) thực hiện nghiêm quy định về an toàn phòng chống cháy nổ.
Ảnh: Dương Đức
|
Những năm gần đây, kinh tế, xã hội phát triển, nhu cầu tiêu dùng gas phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh tăng nhanh chóng, mức tăng bình quân 5-7%/năm. Ước tính, hiện nay tỉnh ta tiêu dùng khoảng 800 tấn/tháng. Trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp chiết nạp, cung ứng gas gồm Petro Việt Nam gas, Hồng Hà gas, Phúc Thái gas. Công suất thiết kế của mỗi trạm chiết nạp đạt bình quân 32000-40000 bình/tháng. Ngoài ra còn có trên 10 tổng đại lý của một số doanh nghiệp cung ứng gas khác là Petrolimex, Shell, Gia Định, Total, Vạn Lộc... và gần 300 cơ sở kinh doanh gas, phân bố ở khắp các địa bàn. Các điểm kinh doanh lớn tập trung ở thành phố Nam Định, trung tâm thị trấn, thị tứ thông qua hai hình thức phân phối chính là bán hàng qua đại lý và bán hàng trực tiếp tại các cửa hàng. Đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên công tác quản lý Nhà nước được các cơ quan chức năng đặc biệt chú trọng. Sở Công Thương, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Chi cục Quản lý thị trường, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy… đã tổ chức các lớp bồi dưỡng và tập huấn nghiệp vụ, phổ biến các quy định, chính sách của Nhà nước, diễn tập các phương án phòng cháy chữa cháy tại chỗ cho các cơ sở chiết nạp, kinh doanh gas. Về cơ bản, các đơn vị đều chấp hành tốt các quy định về điều kiện kinh doanh, nguồn nhân lực, trang thiết bị, được các cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép về đăng ký chất lượng, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường và các yêu cầu an toàn lao động khác. Thị trường gas trong nhiều năm bình ổn và không có nhiều biến động, không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến hoặc bất hợp lý. Trong nhiều năm không xảy ra các vụ cháy nổ mà nguyên nhân liên quan tới mất an toàn do chiết nạp, kinh doanh gas. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ sở thực hiện tốt các quy định trên, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh vi phạm các quy định như cố tình cơi nới, mở rộng diện tích so với mặt bằng đăng ký kinh doanh; trữ, chứa thêm bình và trọng lượng gas; tận dụng mặt bằng để kinh doanh thêm mặt hàng khác; chưa thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc và bố trí nơi sinh hoạt, đun nấu theo đúng tiêu chuẩn; việc thay thế, sửa chữa các thiết bị bảo đảm kinh doanh còn hạn chế, vệ sinh bình định kỳ chưa kịp thời... Việc sang chiết gas lậu, trái phép tại địa phương khác đưa vào tỉnh ta tiêu thụ cũng gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát. Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có khoảng 80 doanh nghiệp kinh doanh khí đốt hoá lỏng nhưng chỉ có hơn 40 doanh nghiệp có đăng ký nhãn hiệu bình gas. Dù rất cố gắng nhưng hàng năm các doanh nghiệp cũng chỉ thu về được 60-70% số vỏ bình gas để kiểm định lại. 30% số vỏ bình vẫn trôi nổi trên thị trường và được các đơn vị, cơ sở sang chiết gas lậu, trái phép vận dụng mọi thủ đoạn làm giả, làm nhái để thu lợi bất chính. Ngoài các thao tác như vặt tai, xoá nhãn, mài…, các đơn vị sang chiết gas lậu còn tìm cách thay đổi trọng lượng bình, cơ bản nhất là thay đổi tỷ lệ hai chất chính là Butane và Propane. Đây là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn và dẫn đến những hậu quả khó lường. Trong số trên 1000 lượt kiểm tra mặt hàng kinh doanh khí hoá lỏng thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện 3 vụ kinh doanh hàng giả nhãn hiệu Shell gas, tịch thu 80 bình; xử phạt hành chính trên 100 vụ vi phạm, số tiền và hàng hoá thu giữ trị giá gần 300 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là vận chuyển hàng hoá không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; hệ thống kho tàng không đúng với thiết kế, trong quá trình kinh doanh không duy trì các điều kiện như đăng ký ban đầu…
Dự tính tới năm 2020, sản lượng gas tiêu thụ tại tỉnh ta sẽ đạt mức 1000-1200 tấn/tháng. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh gas cần đầu tư, nâng cấp hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh; bảo đảm duy trì tốt các điều kiện trong sản xuất và kinh doanh; xây dựng và mở rộng hệ thống phân phối với các hình thức phong phú, đa dạng nhằm bảo đảm cung cấp dịch vụ và chất lượng tốt nhất tới người tiêu dùng. Các ngành Công thương, Khoa học Công nghệ, Công an… cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của Nhà nước cho các doanh nghiệp về điều kiện kinh doanh cũng như quy định liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, giám sát hoạt động chiết nạp và kinh doanh gas, chống gian lận trong kinh doanh. UBND tỉnh cần sớm chỉ đạo các ngành chức năng lập phương án quy hoạch các điểm kinh doanh gas trên cơ sở bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh theo quy định của pháp luật về lĩnh vực doanh nghiệp, thương mại, đầu tư, cạnh tranh, hoá chất… và các văn bản pháp luật chuyên ngành như Nghị định 107/2009/NĐ/CP về hướng dẫn kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng và Thông tư 11/2010/TT/BCT ban hành quy chế đại lý kinh doanh khí đốt hoá lỏng./.
Thanh Thuỷ