Xí nghiệp sản xuất kinh doanh nước sạch Vụ Bản có công suất 3600m3/ngày đêm đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho gần 10 nghìn hộ dân. Ảnh: Đức Trang |
Xã Xuân Phú (Xuân Trường) đã được Nhà nước đầu tư xây dựng Nhà máy nước Xuân Phú, công suất 800m3/ngày đêm, với tổng vốn đầu tư 9,1 tỷ đồng. Đồng chí Nguyễn Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Phú cho biết: Trước đây, khi chưa được thực hiện các chương trình về NS&VSMTNT, hầu hết người dân phải sử dụng trực tiếp nguồn nước không đảm bảo từ các nguồn nước ngầm, nước mặt không qua xử lý, các công trình vệ sinh không đảm bảo và ảnh hưởng đến các nguồn nước sử dụng của người dân. Các công trình nhà tiêu hợp vệ sinh chưa được biết đến và phải sử dụng các loại nhà tiêu không hợp vệ sinh như nhà tiêu cầu, nhà tiêu đào, nhà tiêu ao cá... hiện là nguy cơ cao gây nhiễm bẩn các nguồn nước mặt phục vụ cho sinh hoạt của cộng đồng. Khi địa phương được thực hiện cùng một lúc hai chương trình của Nhà nước về NS&VSMTNT thuộc Sở NN&PTNT và Ngân hàng CSXH, đã đem lại hiệu quả khá rõ nét cho đời sống và sức khoẻ của người dân. Anh Nguyễn Hồng Vân, xóm 8 xã Xuân Phú năm 2009 được vay 8 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH để xây dựng hai công trình nước sạch và vệ sinh cho gia đình, ngoài ra gia đình đầu tư thêm 15 triệu đồng để quy hoạch lại công trình phụ trợ. Mặc dù thu nhập của gia đình không dư dả song để đảm bảo sức khoẻ của mọi người trong gia đình, anh đã chọn đầu tư cho hai công trình này trước.
Xã Nam Dương, huyện Nam Trực với 2/3 diện tích sản xuất là vùng đồng màu nên việc đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân là rất quan trọng. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, năm 2007, địa phương chính thức đưa trạm cấp nước xã Nam Dương vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư 7,65 tỷ đồng theo dự án Trung tâm NS&VSMT tỉnh (nay là Cty NS&VSMTNT thuộc Sở NN&PTNT). Về phía UBND xã, để tạo điều kiện cho người dân có được công trình nước sạch hợp vệ sinh, địa phương đã trích ngân sách hỗ trợ mỗi hộ 100 nghìn đồng cho một công trình tiền vốn đối ứng. Như vậy, để có được công trình nước sạch, mỗi người dân chỉ phải đóng tiền vốn đối ứng là 600 nghìn đồng đợt đầu đăng ký. Tính đến thời điểm này, xã Nam Dương đã có trên 1800 hộ, với gần 8000 người được dùng nước sạch từ nhà máy, đạt khoảng 80% số dân. Đồng chí Trần Văn Nhật, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Với đặc điểm về diện tích canh tác nông nghiệp là vùng đồng màu nên việc sử dụng các loại phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật có ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước nên việc đáp ứng nhu cầu nước sạch cho người dân là hết sức cần thiết. Qua kiểm tra nguồn nước ngầm tại địa phương, đã phát hiện hàm lượng Asen có trong nước khá cao so với tiêu chuẩn cho phép, đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ các nguồn nước thải, rác thải tại 2 CCN Đồng Côi và Vân Chàng (thị trấn Nam Giang) đã tác động đến nguồn nước ngầm, nước mặt. Do đó, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn hiện nay cũng góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược quốc gia về cấp NS&VSMTNT.
Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Ảnh hưởng từ môi trường đến nguồn nước thực tế đã được cảnh báo và đây là một nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về cấp NS&VSMTNT. Nhiều vùng đang diễn ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước do sự xâm nhập mặn, do chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, hoá chất sử dụng trong nông nghiệp, rác thải sinh hoạt… ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sức khoẻ của nhân dân cũng như nguồn nước vào các nhà máy, trạm cấp nước để xử lý. Đặc biệt, những ảnh hưởng hoá chất tới nguồn nước thì việc xử lý của các nhà máy, trạm cấp nước gặp nhiều trở ngại do công nghệ vẫn chủ yếu là bể lắng lọc. Như vậy, chất lượng nguồn nước cấp đến người sử dụng không còn được đảm bảo yêu cầu hợp vệ sinh. Do đó, để đảm bảo Chiến lược quốc gia về cấp NS&VSMTNT đạt hiệu quả bền vững phải có sự phối hợp từ nhiều phía, từ chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành cùng với ý thức của doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng hiệu quả và bảo vệ nguồn tài nguyên nước.
Nâng cao điều kiện sống cho người dân nông thôn thông qua cải thiện các dịch vụ cấp nước sạch, vệ sinh; nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về bảo vệ môi trường, vệ sinh và vệ sinh cá nhân; giảm tác động xấu do điều kiện cấp nước và vệ sinh kém gây ra đối với sức khoẻ của dân cư nông thôn và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong cộng đồng... Đây là mục tiêu lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang quan tâm để nâng cao sức khoẻ, chất lượng cuộc sống của người dân hiện nay cũng như của chương trình đặt ra./.
Trần Bắc