Nghĩa Hưng khai thác thế mạnh nuôi trồng thuỷ sản

09:08, 11/08/2010

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển với hệ thống kênh mương đan cài tạo cho huyện Nghĩa Hưng thế mạnh trong nuôi trồng thuỷ sản. Từ năm 2000 trở lại đây, ngoài sự đầu tư của các xã, của huyện, tỉnh cũng tạo điều kiện với nhiều dự án chuyển đổi từ ruộng sâu, trũng năng suất thấp, vùng trồng cói, làm muối kém hiệu quả… sang nuôi trồng thủy sản tập trung theo phương pháp mới với diện tích chuyển đổi 882 ha. Dự án chuyển đổi Đông Nam Điền có diện tích 548 ha với tổng mức đầu tư các hệ thống công trình thuỷ lợi; đào đắp ao, đầm; dụng cụ, máy móc chuyên dùng… lên tới gần trăm tỷ đồng. Những năm đầu, nuôi thả vùng mặn lợ của huyện chủ yếu là tôm sú, nhiều hộ, nhiều vùng đã đạt hàng trăm triệu đồng mỗi ha nuôi trong một năm. Nhưng sau vài năm, do môi trường bị ảnh hưởng, người nuôi thuỷ sản vùng mặn lợ Nghĩa Hưng đã hạn chế nuôi tôm sú mà thay vào đó là cá bống bớp, cá vược, cá song và cua rèm, hoặc thả lẫn tôm sú với cá bống bớp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong 5 năm gần đây, nếu nuôi tôm sú, năng suất bình quân đạt 3-4 tạ/ha, cho thu nhập 70-80 triệu đồng/ha/năm, thì nuôi cá bống bớp với năng suất 2,5-3 tấn/ha/năm, đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm. Nhiều hộ nhiều năm nuôi cá bống bớp đạt hiệu quả kinh tế cao như hộ anh Nguyễn Văn Thiện, ở xã Nghĩa Hải đã ra đấu đầm ở khu vực Đông Nam Điền với diện tích gần 4ha, năng suất ổn định 4,5-5 tấn/ha/năm; hộ anh Trần Văn Dũng, ở xã Nghĩa Thắng ra đấu đầm tại Nông trường Rạng Đông, với 3ha, năng suất ổn định 4,5-5 tấn/ha/năm… Giá cá bống bớp nhiều năm nay ổn định 180-200 nghìn đồng/kg. Cùng với cá bống bớp, con cua rèm cũng cho người nuôi có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm. Trong 3 năm gần đây, con cá song, cá vược cũng được người nuôi ở Nghĩa Hưng đưa vào nuôi nhiều thay cho con tôm sú, hiệu quả đạt 150-170 triệu đồng/ha/năm. Mới nhất là con cá chim biển vây vàng được đưa vào nuôi trong năm 2009, hiệu quả tương đương và cao hơn nuôi cá bống bớp, hơn nữa cá chim biển vây vàng còn có giá trị xuất khẩu nên từng bước Nghĩa Hưng sẽ mở rộng đối tượng nuôi này. Đặc biệt, Nghĩa Hưng còn có bãi triều phẳng, rộng 210ha thích hợp cho nuôi thả ngao vạng. Tuy năng suất nuôi ngao vạng chưa cao, bình quân mới đạt 30-35 tấn/ha/năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/năm nhưng không phải tốn thức ăn. Nếu xuất khẩu, hiện tại các nhà máy chế biến ở các tỉnh phía Nam ra mua với giá 22-23 nghìn đồng/kg thì nguồn thu từ 1ha nuôi ngao hiện tại đạt trên dưới 800 triệu đồng/ha/năm. Hiện tại, các giống hải sản nuôi tại vùng mặn lợ Nghĩa Hưng đã tự sản xuất tại chỗ với 7 trại giống mặn lợ đáp ứng đủ nhu cầu cho người tổ chức nuôi thả. Đến tháng 8-2010, các trại giống đã sản xuất và bán được 1,5 triệu cá bống bớp, 1,8 triệu con cua rèm giống, 4,5 triệu con ngao và tu hài... Chính sản xuất tại chỗ được giống, người nuôi hải sản Nghĩa Hưng chủ động được đối tượng nuôi, chủ động mùa vụ nuôi thả, giá thành con giống giảm đáng kể. Chỉ riêng con ngao cám giống, trước kia giá 10-15 đồng/con và rất khó mua nhưng năm nay giá chỉ còn 5 đồng/con và không thiếu giống cho người nuôi thả.

Ở vùng nuôi nước ngọt nội đồng trong những năm gần đây tăng mạnh, chỉ riêng 4 vùng chuyển đổi, diện tích đã là 201 ha gồm: Nghĩa Châu 20 ha, Nghĩa Bình trên 20 ha, Nam Điền 37 ha, Nông trường Rạng Đông 124 ha và còn tăng thêm gần trăm ha nữa trong khu vực dự án chuyển đổi. Hiện tại toàn huyện đã tổ chức nuôi thả 1040 ha. Ngoài các loại cá truyền thống: trôi, mè, trắm, chép, Mirigal... cho hiệu quả gấp 3-4 lần cấy lúa, trong 2 năm gần đây, 20 ha ao nuôi (của Nghĩa Bình 14 ha và Nghĩa Châu 6 ha) đưa vào nuôi cá lóc bông, năng suất đạt 15-20 tấn/ha, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm, nhiều hộ đạt 300 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, nghề nuôi ba ba giống và ba ba thương phẩm cũng đang được nhân rộng ở Nghĩa Hưng. Hộ ông Điền ở xã Nghĩa Sơn với gần 4ha đất đấu thầu, mỗi năm gia đình ông xuất bán 10 tấn ba ba thương phẩm và 15 vạn con giống, thu nhập trên 3 tỷ đồng. Ông Tiềm ở Nông trường Rạng Đông nhận khoán hơn 4 ha của nông trường, xây dựng thành khu vực nuôi ba ba với 2 loại ba ba gai và ba ba lai, mỗi năm ông xuất bán 15-17 tấn ba ba thương phẩm và trên 20 vạn con ba ba giống, cho thu nhập trên 4 tỷ đồng.

Phong trào nuôi trồng thuỷ sản của Nghĩa Hưng càng ngày càng phát triển cả về diện tích, năng suất, an toàn dịch bệnh và hiệu quả bền vững. 8 tháng đầu năm 2010, toàn huyện đã đưa 2788 ha vào nuôi trồng thuỷ sản; trong đó 1040 ha nuôi nước ngọt và 1748 ha nuôi mặn lợ, tạo công việc và thu nhập khá cho 1752 lao động. Tuy từ nay đến cuối năm mới thu hoạch chính, song đến nay, sản lượng nuôi trồng đã thu hoạch là 4683,6 tấn thủy sản các loại, bằng 40% kế hoạch; trong đó sản lượng nuôi mặn lợ là 3432,6 tấn, bằng 46,8% kế hoạch và sản lượng nuôi nước ngọt là 1260 tấn, bằng 28,8% kế hoạch. Nghĩa Hưng phấn đấu đạt sản lượng 11700 tấn thủy sản nuôi trồng các loại trong năm 2010./.

Tất Thắc

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com