Liên Minh phát triển đa ngành nghề

08:08, 04/08/2010

Cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của anh Vũ Xuân Đoán, thôn Ngõ Trang tạo việc làm, thu nhập cho 10 lao động.
Cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của anh Vũ Xuân Đoán, thôn Ngõ Trang tạo việc làm, thu nhập cho 10 lao động.
Xã Liên Minh có 15 thôn, xóm với 3 HTXNN: Liên Hoà, Hào Kiệt và Lương Kiệt với gần 10 nghìn khẩu. Xã từ lâu đã nổi tiếng với nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ tre nứa chắp. Nhờ cơ chế chính sách mở cửa của Đảng, Nhà nước, nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống và người làm nghề ở Liên Minh có cơ hội làm ăn lớn, mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh phát triển. Toàn xã có 3 doanh nghiệp và trên 10 cơ sở sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ với quy mô mỗi đơn vị từ 10-50 lao động. Anh Vũ Xuân Đoán, chủ một cơ sở sản xuất ở thôn Ngõ Trang cho biết: Năm 2005, anh đầu tư mở rộng sản xuất, mặt bằng được tận dụng diện tích vườn nhà, xây dựng lán khoảng 300m2, trang bị máy mài, máy chẻ nan để sản xuất và gia công sản phẩm. Đến nay, cơ sở của anh vẫn sản xuất ổn định, tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập từ 40 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài ra, ở thôn Ngõ Trang còn trên 200 hộ tham gia gia công sản phẩm tre nứa chắp tại nhà cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn. Nghề thủ công mỹ nghệ từ tre nứa chắp đã tạo việc làm ổn định cho trên 1000 lao động và hàng trăm lao động thời vụ lúc nông nhàn ở địa phương; thu nhập bình quân của lao động làm nghề đạt từ 1,2-1,5 triệu đồng/người/tháng. Ngành nghề phát triển, nhiều doanh nghiệp xuất phát từ cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ở làng nghề với sự năng động đã mở rộng sản xuất, phát triển quy mô xây trụ sở giao dịch bám quốc lộ 10 bề thế khang trang như các Cty TNHH Hùng Quang, Đức Khiên…

Ngoài nghề tre nứa ghép, nhiều năm qua ở Liên Minh có thêm nghề đan cót. Anh Vũ Công Định, thôn Ngõ Trang cho biết: Đan cót là nghề phụ  nhằm giải quyết việc làm cho phụ nữ lúc nông nhàn hoặc rảnh rỗi việc nhà. Tận dụng nguồn tre nứa phế thải khi sản xuất hàng tre nứa chắp để sản xuất các lá cót phục vụ xây dựng. Tuy là nghề phụ nhưng đối với nhiều người nghề đan cót lại là thu nhập chính vì  không lúc nào hết việc. Bình quân một ngày một người đan được từ 4-5 lá cót kích thước lớn, 8-10 lá cót nhỏ. Sản phẩm làm ra đến đâu, có người về tận nơi thu gom hoặc xuất ngay cho các đại lý chuyên thu gom trong thôn, trong xã. Mỗi lá cót kích thước lớn có giá 11-12 nghìn đồng, lá cót nhỏ có giá 4,5-5 nghìn đồng; sau khi trừ chi phí, thu nhập của người đan cót cũng đạt từ 30-35 nghìn đồng/người/ngày. Một số người có tay nghề cao, có thể đạt thu nhập trên 40 nghìn đồng/ngày. Đến nay, hầu hết các thôn trong xã đều có hộ tham gia đan cót với tổng số lao động ước khoảng 3000 người. Không chỉ phát triển tại Liên Minh, nghề đan cót đã phát triển và thu hút thêm hàng trăm lao động tại các xã xung quanh như Vĩnh Hào, Liên Bảo…

Với phương châm phát triển nghề truyền thống, đa dạng hoá ngành nghề, tạo ra giá trị sản xuất, việc làm, thu nhập cho người lao động, xã Liên Minh đang từng bước trở thành "xã đa nghề". Năm 2010, Liên Minh phấn đấu tổng giá trị sản xuất CN-TTCN đạt trên 32 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 40% trong cơ cấu kinh tế của xã./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com