Giao Thuỷ tập trung phát triển CN-TTCN, làng nghề

09:08, 13/08/2010

Cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của chị Trần Thị Thoa, xóm Thành Tiến, xã Bạch Long (Giao Thuỷ) tạo việc làm, thu nhập cho 70-80 lao động. Ảnh: Chu Thế Vĩnh
Cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của chị Trần Thị Thoa, xóm Thành Tiến, xã Bạch Long (Giao Thuỷ) tạo việc làm, thu nhập cho 70-80 lao động.                                                   Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Đến năm 2005, trên địa bàn huyện Giao Thuỷ mới có hơn chục cơ sở sản xuất CN-TTCN và có duy nhất làng nghề truyền thống sản xuất nước mắm Sa Châu. Vượt lên khó khăn, những năm gần đây sản xuất CN-TTCN, làng nghề của huyện đã có bước phát triển, từng bước tạo ra thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội.

Để CN-TTCN, làng nghề của huyện phát triển bền vững góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Huyện uỷ Giao Thuỷ đã ban hành nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh sản xuất CN-TTCN, phát triển ngành nghề nông thôn. Thực hiện nghị quyết của huyện uỷ, các ngành, các cấp đã tập trung cho phát triển CN-TTCN, làng nghề. Nhiều doanh nghiệp mới được thành lập, một số doanh nghiệp cũ mở rộng quy mô sản xuất, góp phần nâng tỷ trọng CN-TTCN trong nền kinh tế, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn. Đến nay, toàn huyện đã có 50 cơ sở sản xuất công nghiệp. Cty cổ phần Haprosimex Giao Thuỷ đầu tư gần 40 tỷ đồng xây dựng trên 4000m2 nhà xưởng, mua sắm thiết bị máy móc chuyên dùng. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất quần áo xuất khẩu, có đầu ra ổn định tạo việc làm cho 800 lao động với thu nhập 1,7-1,8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, Cty tiếp tục xây dựng thêm các phân xưởng sản xuất, tăng thêm thiết bị, đáp ứng yêu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thêm việc làm. Cty cổ phần công nghiệp - thương mại là đơn vị giữ ổn định sản xuất trong nhiều năm, đóng góp vào tăng giá trị sản xuất CN-TTCN toàn huyện. Cty TNHH Quyết Thắng chuyên sản xuất các loại máy phục vụ xây dựng, nông nghiệp, sau khi mở rộng sản xuất 6 tháng đầu năm 2010 đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng, tăng trên 20% về sản lượng và giá trị so cùng kỳ, bảo đảm việc làm cho 50 lao động có mức thu nhập trên dưới 2 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề nước mắm Sa Châu có gần 400 hộ chuyên sản xuất nước mắm tạo việc làm cho khoảng 1000 lao động. Hầu hết các hộ đều sản xuất nhỏ lẻ, hàng năm tạo ra lượng hàng hoá gần 10 tỷ đồng. Huyện tạo điều kiện để làng nghề xây dựng thương hiệu, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.

Huyện từng bước phát triển các làng nghề đã có, du nhập nghề mới về địa phương. Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, huyện đã tổ chức dạy nghề cho nhiều lao động nông thôn với các nghề mây tre đan, thêu ren, bẹ chuối, bèo tây, móc sợi. Các xã Hồng Thuận, Giao Hương, Giao An từ chỗ chưa có nghề, đến nay đều đã có nghề với hàng trăm hộ tham gia sản xuất, ngày công trung bình từ 25-30 nghìn đồng/người. Toàn huyện có khoảng 550 cơ sở sản xuất, 5 làng nghề thu hút trên 10 nghìn lao động. Cơ sở thêu ren của chị Doãn Thị Phượng xã Giao Tiến tạo việc làm cho trên 300 lao động. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hộ sản xuất, huyện đã xây dựng CCN Thịnh Lâm rộng 12ha, CCN Ngô Đồng rộng 7ha. Bằng nhiều biện pháp, những năm (2005-2010), giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện đạt tốc độ tăng trưởng 19%/năm; 6 tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 112,5 tỷ đồng, tăng 16% so cùng kỳ.

Những năm tới, huyện Giao Thuỷ phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN hàng năm tăng 19%. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện tập trung chỉ đạo phát triển ngành nghề nông thôn, coi đây là khâu đột phá trong phát triển CN-TTCN. Huyện khuyến khích mở rộng nâng cao chất lượng các nghề hiện có và phát triển thêm các ngành nghề mới. Huyện tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, các hộ gia đình tham gia mở rộng sản xuất, phát triển nghề mới, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, thuỷ sản… Các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có như cơ khí, vật liệu xây dựng, dệt may… Huyện huy động tổng hợp các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tranh thủ cao nhất nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, ngân sách địa phương để nâng cấp các tuyến đường trục liên xã, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá, thu hút đầu tư, từng bước đưa sản xuất CN-TTCN thoát khỏi tình trạng manh mún, phân tán; tập trung nâng cao chất lượng tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu để chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh. Huyện tạo điều kiện về cơ chế, tài chính, tiếp cận các nguồn vốn giúp các doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Các doanh nghiệp mở rộng mối quan hệ, tạo liên doanh, liên kết trao đổi quảng bá sản phẩm, tham gia các hội chợ triển lãm để học hỏi kinh nghiệm và mở rộng thị trường. Chủ động phối hợp với các sở, ngành để làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu về lao động có chất lượng cho các cơ sở sản xuất./.

Trần Hữu Quyết

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com