Đẩy mạnh phát triển kinh tế sinh vật cảnh

09:08, 04/08/2010

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Làng Vị Khê, xã Điền Xá nằm sát đê sông Hồng, được coi là vùng đất tổ của nghề trồng hoa, cây cảnh ở Nam Trực. Với lịch sử hình thành và phát triển gần 800 năm, đôi bàn tay tài hoa và bộ óc sáng tạo của các nghệ nhân Vị Khê đã tạo nên nhiều tác phẩm sinh vật cảnh có giá trị nghệ thuật và giá trị kinh tế cao. Có những tác phẩm đã hàng trăm năm tuổi như đôi sanh thế trực của cụ Lã (đoạt giải thưởng tại Hội thi cây năm 1924 ở kinh đô Huế, hiện đang trồng tại trụ sở UBND xã Điền Xá), đôi nguyệt quế và hàng vạn tuế trồng bên Lăng Bác, hàng trăm tác phẩm được trồng tại Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Quảng trường Ba Đình lịch sử...

Trong thời kỳ đổi mới, nghề trồng hoa, cây cảnh của làng nghề truyền thống Vị Khê không chỉ phát triển ra các thôn trong xã mà còn lan rộng sang các xã khác như Nam Toàn, Nam Mỹ... Trước sự phát triển của phong trào trồng cây cảnh, năm 1989, Hội Sinh vật cảnh huyện Nam Trực được thành lập và nghề trồng cây cảnh trở thành hoạt động có tổ chức, định hướng  và dần trở thành một ngành kinh tế mang lại thu nhập cao cho người dân. Trải qua 20 năm hoạt động, đến nay, Hội Sinh vật cảnh huyện Nam Trực đã có tổng số 2725 hội viên với 72 chi hội cơ sở ở cả 20 xã, thị trấn trong huyện. Thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện  Nam Trực khuyến khích các địa phương phát huy tối đa tiềm năng phát triển nghề trồng cây cảnh thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hội Sinh vật cảnh huyện phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và giúp hội viên tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời vận động nhân dân đầu tư kinh phí cải tạo các diện tích thùng đào, ao, hồ, đầm hoang hoá ven đê và chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa - cây cảnh. Từ năm 2000 đến nay, nghề trồng hoa - cây cảnh đã phát triển với quy mô lớn ở nhiều địa phương như: Nam Toàn, Nam Mỹ, Nam Thắng, Nam Lợi, thị trấn Nam Giang, Nghĩa An..., sản phẩm tiêu thụ khắp các thị trường trong và ngoài nước. Theo thống kê của Hội Sinh vật cảnh, năm 2007, huyện Nam Trực có trên 15,5 nghìn hộ tham gia sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh với tổng diện tích 1450ha, trong đó hàng nghìn hộ có doanh thu từ 60-100 triệu đồng/năm, đặc biệt có 35 hộ có doanh thu lớn từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Năm 2007, tổng doanh thu từ sinh vật cảnh của huyện đạt trên 229 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 800 triệu đồng. Toàn huyện có 172 hộ đầu tư kinh phí xây dựng trang trại - gia trại trồng cây cảnh kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản với diện tích bình quân từ 1-1,5 mẫu, thu nhập thực tế hàng năm đạt từ 150 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã hình thành 11 doanh nghiệp, Cty chuyên sản xuất - kinh doanh các sản phẩm sinh vật cảnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương với doanh thu hàng năm từ 2-4 tỷ đồng, tiêu biểu là các Cty: TNHH Châu Giang, TNHH Ngọc Anh, TNHH Quang Tản... Cùng với phong trào sinh vật cảnh phát triển, các hoạt động dịch vụ phục vụ như: thiết kế hòn non bộ, quay chậu, tạo dáng và sản xuất bồn, bể, ang, vận chuyển... cũng phát triển với gần 100 hộ tham gia, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho gần 500 lao động địa phương. Phong trào sinh vật cảnh ở Nam Trực phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá, đã cung cấp hàng nghìn cây cảnh, cây thế các loại cho thị trường không chỉ trong tỉnh mà còn đến các tỉnh xa thuộc khắp mọi miền đất nước và đã xuất khẩu sang các nước khác như: Singapore, Ấn Độ, Lào, Campuchia...

Sinh vật cảnh trở thành một ngành kinh tế cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng làm giàu mới cho nhiều hộ dân ở các xã trong huyện. Huyện Nam Trực phấn đấu đến năm 2012 nâng tổng diện tích làm sinh vật cảnh lên 2000 ha, doanh thu bình quân đạt 100-150 triệu đồng/ha/năm, tổng doanh thu đạt trên 300 tỷ đồng, để sinh vật cảnh phát triển thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương./.

Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com