Đến nay, toàn bộ diện tích 80520 ha lúa mùa trong tỉnh cơ bản đã đẻ đủ số dảnh hữu hiệu, đang phân hoá đòng. Diện tích lúa tốt là 68660 ha, chiếm 85% diện tích, diện tích lúa chưa tốt chỉ còn 3185 ha, chiếm 4% diện tích.
Ngay từ đầu vụ, diễn biến thời tiết, thủy văn không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Đầu vụ, nắng nóng gay gắt và khô hạn kéo dài; mực nước nguồn trên các triền sông lớn như sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Đáy, sông Đào đều rất thấp, việc lấy nước phục vụ các khâu: làm đất, gieo, cấy và dưỡng lúa khó khăn, nhiều diện tích lúa mới cấy bị thiếu nước cục bộ nên chậm bén rễ, hồi xanh. Ngày 16-7-2010, mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 1 với lượng mưa trung bình toàn tỉnh là 117mm, trong thời gian ngắn đã làm ngập úng gần 39 nghìn ha lúa mới cấy, chiếm 48,4% diện tích; trong đó có 19500 ha bị ngập trắng, 1070 ha phải cấy lại, 3000 ha phải cấy dặm. Đặc biệt, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 với mật độ trứng và sâu non trung bình toàn tỉnh 50-100 con/m2, nơi cao 200-300 con/m2; diện tích nhiễm đến ngưỡng cần phải phun thuốc diệt trừ là 69610 ha, chiếm 86,5% diện tích lúa cấy toàn tỉnh trong vụ mùa 2010. Trên diện tích lúa mùa sớm của tỉnh, bệnh khô vằn đã xuất hiện với tỷ lệ bệnh trung bình 1-5%, nơi cao 10-15%, cá biệt 25%. Rầy lưng trắng - đối tượng chính truyền bệnh lùn sọc đen (LSĐ) trên lúa ở trà mùa sớm mật độ trung bình 50-60 con/m2, nơi cao 100-150 con/m2, cục bộ 300-400 con/m2; trên trà lúa mùa trung mật độ trung bình 30-70 con/m2, nơi cao 200-300 con/m2, cục bộ trên 500 con/m2. Bệnh LSĐ đã xuất hiện rải rác ở các huyện phía nam tỉnh như Hải Hậu, Giao Thuỷ, Xuân Trường, Trực Ninh, Nghĩa Hưng với diện tích 73 ha.
Những khó khăn trong vụ mùa 2010 đã được ngành NN-PTNT, các địa phương và nông dân tập trung khắc phục có hiệu quả. Do tích cực bơm tát, trực 24/24 giờ nên các Cty TNHH một thành viên KTCTTL đã cơ bản đảm bảo đủ nước cho nông dân cấy lúa trong khung thời vụ tốt nhất. Khi úng, ngập lại tiếp tục bơm, tát, tháo... các vùng tưới tiêu bằng thuỷ triều còn tăng cường máy bơm dầu, bơm điện xuống các xã, vùng để tổ chức bơm tát chống úng, chống hạn kịp thời toàn diện cũng như cục bộ. Trong thời kỳ dưỡng lúa, các Cty TNHH một thành viên KTCTTL trên địa bàn tỉnh đã bảo đảm đủ nước cho các địa phương giữ mực nước nông thường xuyên trong ruộng suốt từ khi cấy đến lúc lúa đẻ đủ nhánh hữu hiệu và từ ngày 11-8 bơm tháo kiệt nước để các địa phương rút nước lộ ruộng không cho lúa đẻ dảnh vô hiệu và cho lúa cứng cây chống chịu sâu bệnh. Kinh nghiệm "bón vá" cho các vùng, các ruộng bị úng, lụt, bị rửa trôi của các địa phương thực sự có hiệu quả, nên các diện tích cấy lại, cấy dặm sau úng lụt lúa phục hồi nhanh, sinh trưởng và phát triển bình thường. Lần đầu tiên các huyện phía nam tỉnh đã chỉ đạo nông dân bón giảm lượng đạm cho lúa mùa từ 1 đến 2 kg/sào, thay bằng bón thêm lân, kali làm trà lúa cứng cây, giảm sâu bệnh. Mặc dù giảm đạm chưa đủ theo chỉ đạo nhưng thực tế đã khẳng định đây là một thành công để các địa phương tiếp tục chỉ đạo cho các vụ sau, năm sau.
Hiện nay, lúa đang phân hoá đòng, đây là thời điểm quyết định cho vụ lúa mùa thắng lợi. Vấn đề bảo vệ an toàn cho lúa mùa được các địa phương đặt lên hàng đầu. Trước mắt tập trung diệt trừ sâu cuốn lá lứa 6 để giữ bộ lá công năng, lá đòng, tạo độ mẩy và nuôi hạt; bệnh LSĐ, bệnh khô vằn, sâu đục thân... cũng là đối tượng hại chính trong thời gian tới. Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật, do mật độ sâu cuốn lá lứa 5 quá lớn, thời gian phun trừ gặp mưa, nhiều diện tích vẫn còn mật độ sâu lớn sau khi trừ diệt... nên sâu cuốn lá lứa 6 sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, phổ biến với mật độ 30-150 con/m2, nơi cao 300-500 con/m2, cục bộ trên 1000 con/m2, phân bố rộng trên toàn bộ diện tích lúa mùa trung và đặc sản. Sâu non nở rộ từ ngày 1 đến 7-9, đây chính là thời điểm phun trừ hiệu quả nhất, song các địa phương cần kiểm tra cụ thể để định thời điểm phun trừ đạt hiệu quả cao nhất và đồng loạt, thậm chí phải phun trừ kép nếu sau khi phun tỷ lệ sâu còn quá ngưỡng cho phép. Đặc biệt với bệnh LSĐ và rầy lứa 5 hại lúa là đối tượng nguy hiểm nhất có thể gây mất mùa trên diện rộng, các địa phương cần cảnh giác cao với phương châm phòng ngừa là chính, khi phát hiện cây lúa nghi có bệnh là nhổ vùi tại chỗ, không cho mầm bệnh lây lan. Dự báo rầy lứa 5 xuất hiện từ 20-8 đến 10-9 và ra rộ từ ngày 25-8 đến 5-9 khả năng có mật độ cao, phổ biến 500-700 con/m2, nơi cao 1000-2000 con/m2, cục bộ trên 5000 con/m2. Hơn nữa hiện tại trên địa bàn tỉnh ta vẫn có vi rút LSĐ trên cả mẫu rầy và mẫu lúa. Để bảo vệ trà lúa mùa từ nay đến cuối vụ, các địa phương tập trung phun trừ sâu cuốn lá lứa 6 cho những diện tích có mật độ sâu từ 20 con/m2 trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến ngày 7-9; phun trừ rầy lứa 5 cho những diện tích có mật độ từ 50 con/m2 trở lên vào ngày 25-8 đến ngày 5-9; trừ bệnh khô vằn cho diện tích mới chớm xuất hiện bệnh; nhổ bỏ, tiêu huỷ và trước khi nhổ bỏ phun thuốc trừ rầy ở ruộng có cây bị bệnh và ruộng lân cận để tránh phát tán nguồn bệnh, đồng thời sẵn sàng chống úng, lụt./.
Tất Thắc