Anh Phạm Thanh Tùng, xóm 14, xã Hải Tây (Hải Hậu) đầu tư 15 triệu đồng xây dựng hầm biogas làm khí đốt và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ảnh: Đức hoa
|
Những năm trước đây, do chưa quan tâm đến công tác xử lý môi trường nên trang trại của gia đình ông Trịnh Xuân Lăng ở thôn Hoàng Nghị, xã Yên Hồng (Ý Yên) thường xuyên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Từ năm 2007, được sự hỗ trợ của Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi của Việt Nam, gia đình ông Lăng đã xây dựng công trình khí sinh học (hầm khí biogas) để giải quyết lượng thức ăn chăn nuôi dư thừa, phân chuồng và nước thải. Được tư vấn kỹ thuật xây dựng và hỗ trợ một phần kinh phí nên ông đã thực hiện xây dựng hầm khí biogas bảo đảm chất lượng và hoạt động hiệu quả. Nhờ đó, toàn bộ lượng chất thải của hàng trăm con lợn/lứa không còn thải trực tiếp ra môi trường mà được thu gom và xử lý hiệu quả bằng hầm khí biogas. Môi trường khu vực nhà ông đã trở nên sạch sẽ hơn, mùi hôi thối gần như không còn, đồng thời tạo nguồn chất đốt đủ để đun nấu phục vụ sinh hoạt hàng ngày của gia đình.
Những năm gần đây, ngành chăn nuôi ở tỉnh ta có tốc độ phát triển khá nhanh. Bên cạnh những lợi ích mang lại cho người dân về mặt kinh tế thì cũng đồng thời nảy sinh vấn đề môi trường sống bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng dân cư. Hầu hết các trang trại, nhất là gia trại vẫn nằm xen kẽ trong các khu dân cư, vấn đề xử lý môi trường chưa được người dân quan tâm do phải đầu tư chi phí lớn trong khi số lợi nhuận thu được từ chăn nuôi không nhiều. Từ năm 1995, tỉnh ta đã có chủ trương xây dựng một số mô hình điểm về xử lý môi trường trong ngành chăn nuôi ở tất cả các huyện song các mô hình này chưa được nhân rộng. Thời gian gần đây, tình hình môi trường ở các vùng nông thôn nói chung và ở một số trang trại, gia trại nói riêng đã trở nên bức xúc vì không được xử lý. Tình trạng nước thải, phân chuồng thải trực tiếp xuống ao, hồ diễn ra phổ biến, gây hôi thối nghiêm trọng. Từ năm 2007, được sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật của Chính phủ Hà Lan thông qua Quỹ Phát triển Hà Lan (SNV), tỉnh ta đã được tiếp nhận và thực hiện Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi. Ngay sau khi tiếp nhận dự án, Ban quản lý dự án đã phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN-PTNT) xây dựng kế hoạch, triển khai lực lượng điều tra đối tượng và lựa chọn các hộ có nhu cầu để tuyên truyền, vận động tham gia chương trình. Để bảo đảm chất lượng các công trình, Dự án đã tiến hành đào tạo cho mỗi huyện 1 chuyên viên kỹ thuật, 2 tổ thợ xây bảo đảm xây dựng hầm, lắp đặt các thiết bị phụ trợ đúng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng theo quy định của Bộ NN-PTNT. Theo đó, mỗi hộ tham gia dự án xây dựng hầm khí biogas được hỗ trợ 1,2 triệu đồng, trong đó có 625 nghìn đồng từ dự án, số còn lại là ngân sách của tỉnh. Ngoài ra, các hộ sẽ được các chuyên viên của dự án tư vấn các vấn đề liên quan về chất lượng, quy mô công trình… bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng vùng, từng gia đình. Theo đánh giá của Ban quản lý dự án, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xây mới được 200 công trình khí sinh học. Như vậy, qua gần 4 năm triển khai dự án, toàn tỉnh đã xây được 1400 công trình hầm khí biogas ở tất cả các huyện, thành phố, trong đó huyện Hải Hậu có 280 công trình, Ý Yên có 250 công trình, Giao Thủy 109 công trình… Một công trình hầm khí biogas có thể tích 9 m3, chi phí ban đầu khoảng 6 triệu đồng/tháng, có thể sản sinh ra một lượng khí đốt bảo đảm đủ cho một gia đình có 6 người dùng hàng ngày, tương đương với giá trị 140-160 nghìn đồng. Trước khi đưa vào sử dụng, các công trình xây dựng hầm khí biogas đều được các ban quản lý dự án nghiệm thu, đánh giá, đồng thời hướng dẫn các kỹ năng, phát tài liệu liên quan để bảo đảm vận hành hiệu quả, an toàn. Có thể khẳng định, hiệu quả sử dụng của các công trình khá cao và phù hợp với điều kiện hiện nay ở các vùng nông thôn trong tỉnh./.
Khôi Nguyên