Huyện Xuân Trường có 38,59 km đê, trong đó có 6 trọng điểm PCLB cấp huyện gồm đê kè Hạ Miêu, đê kè Phú Ân, cống Tài, cống Liêu Đông mới xây dựng chưa được thử thách qua lũ bão (tuyến đê Hữu Hồng), kè Đò Sồng (tuyến đê tả Ninh) và tuyến đê hữu sông Sò.
Công trình xây dựng cống Liêu Đông, địa phận xã Xuân Tân (Xuân Trường) trên tuyến đê hữu sông Hồng vừa được hoàn thành đưa vào sử dụng.
Ảnh: Dương Đức
|
Chủ động phòng chống lụt bão năm 2010, từ cuối năm 2009 và đầu năm nay, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và địa phương, huyện Xuân Trường đang gấp rút sửa chữa, xây mới một số công trình PCLB như thay thế con trạch bằng đất trên tuyến đê tả Ninh từ cống Đồng Nê đến cống Rộc với chiều dài 6,7 km, xây dựng cống Trà Thượng, cống Tài, cống Liêu Đông, điếm Phú Ân và một số cầu cống khác, bảo đảm hoàn thành trước mùa mưa bão. UBND huyện huy động lực lượng, vật tư chống lụt bão tại các xã, thị trấn theo phương châm "4 tại chỗ" gồm lực lượng xung kích 2200 người, lực lượng tuần tra canh gác 92 người, 152 nghìn chiếc bao tải, 2900 cây tre, 45 tấn rào tre, 205m³ gạch vỡ, 49 xe vận tải nhỏ, 4000m² bạt xác rắn và nhiều loại vật tư, phương tiện khác. Tại kho dự trữ của huyện có 10 nghìn bao tải, 200m² bạt xác rắn, 8 nhà bạt, 212 áo phao, phao tròn, phao bè, 40 dao, búa, xẻng. Mỗi hộ gia đình chuẩn bị 2 bao tải, 2 cây hoặc 2 cọc tre dài 2 m trở lên, các hộ ven đê chuẩn bị thêm 2 bao đất hoặc 2 hòn đất chống lụt, mỗi hòn nặng 20-25 kg và các loại dụng cụ như quang gánh, cuốc, xẻng… sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh huy động. Huyện đã tổ chức tập huấn cho cán bộ phụ trách PCLB và lực lượng xung kích của các xã, thị trấn có đê, ven các tuyến sông lớn để chủ động phát hiện và biết cách xử lý giờ đầu những sự cố đối với đê, kè, cống trong mùa mưa bão. Tại các vùng trọng điểm, huyện còn chuẩn bị 3645m³ đá các loại, có phương án bảo vệ, huy động vật tư các loại của các xã, thị trấn phù hợp với tình hình và đặc điểm của từng vùng khi có bão lũ xảy ra. Cụ thể, trọng điểm đê, kè Phú Ân đảm bảo lượng vật tư chủ yếu gồm 300 cây tre, 3 tấn rào tre, 9000 bao tải, 100 cây phi lao. Trọng điểm đê kè Hạ Miêu chuẩn bị 300 cây tre, 100 cây phi lao, 3 tấn rào tre, 8500 bao tải. Trọng điểm Đò Sồng bảo đảm 300 cây tre, 100 cây phi lao, 3 tấn rào tre, 10 nghìn bao tải… Đối với vật tư thông dụng, các xã, thị trấn khi có lệnh phải đưa vật tư lên trọng điểm bằng thuyền và xe vận tải nhỏ cùng lực lượng của mình theo kế hoạch, phương tiện đã được giao. Đối với vật tư chiến lược, Phòng Công Thương điều động xe vận tải nhỏ của các xã, thị trấn và phương tiện phục vụ vận chuyển vật tư cho trọng điểm. Khi có tình huống xấu xảy ra phải huy động lực lượng của các xã, thị trấn bảo đảm kịp thời, nhanh chóng. Trong trường hợp giao thông bị tắc nghẽn, nhất là khi có bão lớn làm đổ cây cối, cột điện… phải có lực lượng giải tỏa để các phương tiện đi lại an toàn, thuận lợi, bảo đảm giao thông thông suốt. Bệnh viện đa khoa huyện, trạm y tế các xã, thị trấn chuẩn bị thuốc cấp cứu theo danh mục, thành lập tổ cấp cứu lưu động, sẵn sàng theo vùng, miền và trọng điểm được phân công của ngành, giải quyết ô nhiễm môi trường, dập tắt dịch bệnh sau khi lụt bão xảy ra. Công an huyện phối hợp với Ban chỉ huy Quân sự huyện và các địa phương xây dựng các phương án giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tập thể và nhân dân, có biện pháp phòng ngừa tội phạm lợi dụng thiên tai để trộm cắp tài sản, nhất là tại các địa bàn xung yếu, các công trình thủy lợi, giao thông, khu trung tâm huyện và các trọng điểm. Tại các trọng điểm, bố trí bộ phận liên lạc từ 2-3 người, giữ vững liên lạc giữa các trọng điểm và trung tâm huyện.
Với sự chuẩn bị chủ động nguồn vật tư, nhân lực và các phương án bảo vệ cụ thể trong mọi tình huống, mùa mưa bão năm nay, huyện Xuân Trường quyết tâm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, nhanh chóng khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống cho nhân dân./.
Thanh Thủy
[links()]