Đến nay, trên 78 nghìn ha lúa xuân của tỉnh ta đã thu hoạch xong. Chứng kiến những khó khăn: hạn, mặn, bệnh lùn sọc đen (LSĐ)… mới thấy giá trị của một vụ lúa xuân bội thu và niềm vui được mùa của người nông dân.
Xã viên HTX Nhân Phú, xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) thu hoạch lúa xuân, năng suất ước đạt 220 kg/sào.
Ảnh: Ngọc Thắng
|
I - ĐƯỢC MÙA TOÀN DIỆN
Vụ lúa xuân năm 2010, chồng chất những khó khăn. Đầu vụ hạn nặng. Theo các chuyên gia về khí tượng thuỷ văn thì đây là vụ hạn kỷ lục trong hơn 100 năm qua, đến tháng 1 vẫn chưa có nước làm đất. Đến 10-1-2010, cả 4 huyện: Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng với 36112 ha cấy lúa đều không lấy được nước do mặn lấn sâu và độ mặn cao. Do hạn, mặn trong lòng đất bốc lên, đến tháng 4-2010 riêng huyện Nghĩa Hưng đã có 1250 ha lúa cấy bị mặn chết, phải cấy lại, cấy giặm… Bệnh LSĐ trên lúa xuất hiện tại các huyện phía nam tỉnh: Giao Thuỷ, Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng… với trên 1500 ha bị nhiễm… Trước thực trạng đó, toàn tỉnh đã quyết liệt chống hạn, toàn dân phòng ngừa, diệt trừ mầm bệnh, vật trung gian truyền bệnh LSĐ và các loại sâu bệnh hại lúa nên các trà lúa, các giống lúa, các địa phương lúa đều tốt và cho năng suất cao. Theo Sở NN-PTNT, năng suất trung bình toàn tỉnh dự kiến đạt 69-70 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa vụ xuân năm 2009 là 2,5 tạ/ha. Các huyện phía bắc tỉnh: Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc năng suất đạt 61-62 tạ/ha. Các huyện phía nam tỉnh như Giao Thuỷ, Hải Hậu, Trực Ninh, Xuân Trường… có điều kiện thâm canh cao, năng suất đạt 73-76 tạ/ha. Đặc biệt, cả tỉnh có 30 HTX đạt năng suất 78-80 tạ/ha như Giao Tiến, Giao Hải, Giao Thịnh (Giao Thuỷ); Nghĩa Hồng, Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); Hải Bắc, Hải Phương, Hải Xuân, Hải Đông (Hải Hậu)…
Ở Mỹ Lộc, vụ xuân này cấy giống lúa lai: D. ưu 527, Bắc ưu 903 kháng bạc lá… năng suất đạt 270 kg/sào (75 tạ/ha) song cấy giống lúa thuần BC15, năng suất đạt cao hơn cả lúa lai 280 kg/sào (78 tạ/ha). Chị Đỗ Thị Trung, Phó Ban nông nghiệp xã (BNNX) Mỹ Thuận cho biết: "Giống lúa thuần BC15, nông dân trong xã đã cấy 10 năm nay. Vụ xuân này cả 3 HTX đều cấy 55-60% diện tích, năng suất đạt 270-280 kg/sào (75-78 tạ/ha). Năng suất cao, chất lượng gạo ngon, bán được giá. Đây là giống chủ lực cho cả 2 vụ xuân mùa của địa phương…". Ở vùng cuối cả nguồn nước tưới và tiêu nước, khó khăn gấp bội so với các địa phương khác của các xã phía bắc tỉnh, vụ xuân này Mỹ Thuận cũng đạt năng suất lúa 61 tạ/ha, cao hơn vụ xuân năm 2009 là 3 tạ/ha. Hiện tại, giá thóc BC15 đang là 5000 đồng/kg, cao hơn 10% so với thóc tẻ thường còn giá thóc BT7 là 5600 đồng/kg. Nếu tính tổng thu nhập cấy 1 sào lúa BC15 so với cấy 1 sào lúa giống BT7 là 280 nghìn đồng và cao hơn cấy 1 sào bằng giống lúa lai cùng trên một vùng thổ nhưỡng khá cao. Đó là chưa kể giá giống lúa lai cao gấp 5-7 lần giống BC15, còn lúa BT7 bị nhiễm sâu bệnh nặng, nếu không phòng trừ và chăm bón tốt với BT7 dễ mất mùa riêng. Cũng như các HTX của Mỹ Lộc, các HTX Hợp Hưng, Tân Hoà… (Vụ Bản) năng suất lúa BC15 vụ xuân này cao hơn năng suất lúa lai 15kg/sào (41,7 tạ/ha). Còn năng suất lúa BT7 cấy vụ này của Vụ Bản cũng đạt bình quân 56 tạ/ha, cao hơn năm 2009.
Đồng chí Nguyễn Văn Hoan, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Hưng cho biết: "Do bị hạn, mặn làm 1250 ha lúa xuân năm 2010 của 11 xã phía nam huyện phải cấy đi, cấy lại… giảm năng suất đáng kể, đặc biệt gần 400 ha mất trắng nhưng bình quân năng suất của toàn huyện Nghĩa Hưng ước đạt 70 tạ/ha…". Vụ lúa xuân này Nghĩa Hưng cấy 50% diện tích bằng các giống lúa lai: D.ưu 527, Nhị ưu 63, Nhị ưu 838, SYN 6, HYT 100, Thiên ưu 1025, CNR02 với năng suất bình quân đạt 75 tạ/ha, riêng 2 giống Thiên ưu 1025 và CNR02 đạt gần 80 tạ/ha. Giống lúa thuần BC15 cho năng suất 70 tạ/ha, còn giống lúa BT7 đạt năng suất 66-67 tạ/ha. Nếu không có diện tích lúa bị chết do hạn, mặn thì năng suất lúa vụ xuân này của Nghĩa Hưng đạt không dưới 73 tạ/ha.
Khác với các địa phương trong tỉnh, xã Hải Hà (Hải Hậu) do trình độ thâm canh cao, nhiều năm nay giống lúa BT7 được coi là chủ lực cấy trong vụ xuân. Vụ xuân này trên 80% diện tích được cấy bằng giống lúa BT7, chỉ có gần 20% diện tích cấy bằng giống lúa lai D.ưu 527 và lúa thuần Q5 nhưng năng suất bình quân vẫn đạt 72 tạ/ha. Tuy mới là vụ thứ 2 áp dụng phương pháp gieo sạ hàng nhưng diện tích gieo sạ vụ này đã đạt 43 ha, bằng 14% diện tích lúa vụ xuân năm 2010; riêng đội sản xuất số 10 đã có 90% diện tích áp dụng phương pháp gieo sạ. Năng suất gieo sạ của Hải Hà cao hơn cách cấy truyền thống gần 20%. Nếu tính cả việc giảm công lao động và bớt đi việc phun thuốc bảo vệ thực vật… thì hiệu quả tăng gấp rưỡi so với cấy truyền thống.
Sau nhiều năm sản xuất giống lúa lai vụ xuân chuệch choạc, vụ xuân năm 2010 tiếp tục tổ chức sản xuất hạt lúa lai F1 với giống lúa lai 3 dòng CT16 do Việt Nam chọn, lai tạo có nhiều ưu thế như cho năng suất cao, gạo, cơm ngon, chống chịu sâu bệnh khá, chống đổ tốt... 120ha sản xuất hạt lúa lai F1 tại chi nhánh giống lúa Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), các xã Trực Hùng và Trực Đại (Trực Ninh) vụ này đã cho thu hoạch với năng suất bình quân 22 tạ/ha, chất lượng hạt giống tốt sau khi khảo kiểm nghiệm. Người sản xuất hạt lai có thu nhập gấp 1-2 lần cấy thóc thương phẩm và 270 tấn giống do Cty TNHH Cường Tân bán ra giá rẻ chỉ bằng 1/2 giá thóc giống lúa lai nhập ngoại. Điều này càng có ý nghĩa khi tỉnh và ngành NN-PTNT đang khuyến khích nông dân cấy lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt, vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa cải tạo bộ giống lúa lai trong cơ cấu mà không phụ thuộc vào giống lúa lai nhập khẩu từ Trung Quốc.
Vụ lúa xuân 2010 năng suất, chất lượng cao, hiệu quả kinh tế khá đã đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm quý cho người nông dân, đồng thời cho tỉnh, ngành NN-PTNT chỉ đạo các địa phương tiếp tục giành các vụ lúa thắng lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu với nhiều thiên tai, dịch hại... khôn lường./.
(Còn nữa)
Tất Thắc