II - Những bài học và vấn đề đặt ra
Đồng chí Lê Xuân Thuỷ, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: "Nguyên nhân để vụ lúa xuân năm 2010 thắng lợi, đó là: cơ cấu giống, trong đó để có năng suất cao là trà xuân muộn; sự quyết liệt trong chống hạn, mặn cũng như phòng ngừa, diệt trừ dịch bệnh LSĐ trên lúa…".
Xã viên HTX Quyết Thắng, xã Giao Tiến (Giao Thuỷ) thu hoạch lúa xuân, năng suất đạt 250 kg/sào.
Ảnh: Dương Đức
|
Thắng lợi vụ lúa xuân năm 2010, có công rất lớn của việc chống hạn, bảo vệ sản xuất. Ngoài nạo vét, xây đúc trên 3 triệu m3 thuỷ lợi phục vụ sản xuất vụ xuân, tỉnh đã chỉ thị cho các địa phương, ngành NN-PTNT không để diện tích canh tác, gieo trồng nào thiếu nước ngay từ khi chuẩn bị bước vào sản xuất vụ xuân. Từ tỉnh đến các xã, thị trấn đều thành lập ban chỉ đạo chống hạn để đôn đốc và tổ chức chống hạn theo phân cấp. UBND tỉnh chỉ đạo cho các Cty TNHH một thành viên KTCTTL vùng tự chảy mua thêm hàng chục máy bơm điện để phục vụ chống hạn - một điều chưa từng có ở vùng tưới tiêu tự chảy; đồng thời yêu cầu ngành Điện cung cấp đủ điện năng, chất lượng điện tốt cho vùng tưới tiêu bằng động lực. Ngành NN-PTNT đôn đốc các Cty, các địa phương tận dụng tối đa nhập nước cho gieo cấy. Đặc biệt các cống lấy nước vùng tự chảy liên tục bám, đo độ mặn không kể ngày đêm để nhập nước vào hệ thống; tăng cường các máy bơm cho vùng bị hạn nặng, hạn cục bộ… Tính toán nước triều, bám lịch xả nước hồ thuỷ điện, ngay đợt đầu các Cty TNHH một thành viên KTCTTL Xuân Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Ninh đã cơ bản lấy đủ nước. Các đợt xả nước hồ thuỷ điện lần sau nhiều địa phương đã có nước thau chua, rửa mặn cải tạo đất. Tỉnh và ngành NN-PTNT còn đề nghị và được Chính phủ chấp thuận cho xả nước hồ thuỷ điện lần thứ 4 để lấy nước dưỡng lúa… Ban chỉ đạo chống hạn chỉ đạo, chủ động lấy nước, trữ nước, dẫn nước vào ruộng; các xã, HTX và các Cty TNHH một thành viên KTCTTL chủ động các phương án, mua máy bơm hỗ trợ các vùng lấy nước khó khăn, xa nguồn nước, đấu tát… nên cơ bản đủ nước cho lúa sinh trưởng và phát triển tốt.
Cảnh giác với bệnh LSĐ trên lúa, ngay từ khi thu hoạch lúa mùa, ngành NN-PTNT và các địa phương đã tổ chức cho nông dân tiêu huỷ triệt để nguồn bệnh, dọn vệ sinh đồng ruộng. Xử lý hạt thóc giống bằng thuốc trước khi gieo, che phủ ni lon cho mạ, phun trừ rầy cho mạ trước khi nhổ cấy. Tổ chức trên 200 lớp tập huấn cho hàng vạn nông dân tham gia, phát trên 100 nghìn tờ rơi cho cán bộ kỹ thuật cơ sở và nông dân về phòng ngừa bệnh LSĐ. Tổ chức bẫy đèn bắt rầy di trú, phun trừ rầy triệt để từ rầy di trú, rầy lứa 1 trên diện tích lúa bị nhiễm rầy. Khi phát hiện có bệnh LSĐ trên lúa, huyện, tỉnh xã đã tổ chức hội thảo đầu bờ (tháng 4-2010) và 100% diện tích lúa cấy được phun trừ rầy lứa 2. Tất cả các cây lúa bị bệnh LSĐ, nghi bị bệnh LSĐ đều được nhổ vùi ngay tại chỗ, đúng kỹ thuật… Mặc dù, diện tích lúa nhiễm bệnh LSĐ của tỉnh là 1327ha, nhưng mức độ thiệt hại là không đáng kể; rải rác các dảnh, các khóm phải tiêu huỷ… nên tổng diện tích tiêu huỷ do bệnh LSĐ chỉ khoảng 0,2ha. Nhưng một vấn đề đặt ra là làm sao phòng ngừa được bệnh LSĐ mà ít tốn kém, đỡ ô nhiễm môi trường, đỡ giết hại thiên địch.
*
* *
Một vụ lúa xuân khó khăn nhưng được mùa đã đánh giá đúng những cố gắng, quyết tâm của người nông dân của cấp uỷ, chính quyền các cấp và ngành NN-PTNT. Bài học thắng lợi giành vụ lúa xuân là rất lớn, song những vấn đề đặt ra cho các vụ sau, năm sau là không nhỏ. Bài toán phải giải vẫn ở phía trước và vẫn trăn trở để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, bền vững./.
Tất Thắc
[links()]