Ngày 26-7-2010, Sở NN-PTNT đã tổ chức triển khai công tác chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi vụ mùa năm 2010.
Vụ mùa năm 2010, toàn tỉnh cấy 80520 ha lúa mùa, tăng 216 ha so với vụ mùa năm 2009. Do thời tiết không thuận, đặc biệt là bão số 1 làm úng ngập gần 39 nghìn ha; trong đó có 1070 ha lúa phải cấy lại và 3000 ha cấy dặm, song đến ngày 25-7 cơ bản toàn tỉnh đã cấy xong (kể cả cấy dặm, cấy lại). Các địa phương đã trồng 8450 ha rau màu hè thu, bằng 85% diện tích. Về chăn nuôi, tuy trong tháng 4 và 5 dịch lợn tai xanh phát sinh tại 5 xã thuộc huyện Trực Ninh, đến nay dịch đã dập tắt hoàn toàn. Công tác tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi có khá hơn năm 2009 nhưng chỉ đạt dưới 50% kế hoạch; riêng tiêm phòng cúm gia cầm đạt 93% kế hoạch.
Công tác bảo vệ, chăm sóc cây trồng, vật nuôi trong thời gian tới là: Về chăm sóc lúa, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chăm sóc ngay theo đúng quy trình bảo đảm nguyên tắc: bón thúc sớm, bón tập trung và cân đối. Tuyệt đối không bón nhiều phân đạm và bón phân đạm muộn, kết thúc bón phân đạm trước 30-7 đối với lúa mùa sớm và trước 5-8 với các diện tích còn lại. Tập trung bón thúc lần 1 sau cấy 7-10 ngày, kết thúc bón thúc lần 2 khi lúa kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu. Vừa chăm sóc lúa và vừa bảo vệ mạ còn lại để dự phòng cho đến ngày 5-8-2010. Với cây màu hè thu, các địa phương đôn đốc các hộ nông dân khẩn trương hoàn thành việc gieo trồng cây màu hè thu trong tháng 7; tiến hành vun, xới, bón phân bổ sung, khơi rãnh chống úng khi mưa lớn xảy ra. Tập trung phòng trừ sâu bệnh; trong đó chú trọng công tác điều tra, dự tính, dự báo, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh; hướng dẫn nông dân thực hiện phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc "4 đúng". Về công tác thuỷ nông, các Cty TNHH một thành viên KTCTTL cùng với Phòng NN-PTNT, các xã, thị trấn và HTX thực hiện tốt việc điều tiết nước, bảo đảm duy trì mực nước nông thường xuyên 3cm từ sau cấy đến khi kết thúc đẻ nhánh. Chủ động tiêu nước đệm khi có dự báo mưa lớn, khoanh vùng tưới tiêu cục bộ, luôn lấy tiêu chống úng là chính. Các xã, thị trấn tiến hành tôn cao, khép kín bờ vùng, bờ thửa; giải toả vật cản, khơi thông dòng chảy, chủ động các phương án, phương tiện máy móc phòng chống úng, hạn. Cùng với công tác quản lý tốt thị trường cung ứng vật tư nông nghiệp, công tác bảo vệ đàn gia súc, gia cầm các địa phương cần thực hiện giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi; phát hiện sớm, xử lý nhanh khi dịch bệnh phát sinh, không để lây lan ra diện rộng. Tổ chức tiêm phòng vắc-xin ngay cho số gia súc, gia cầm mới phát sinh hàng tháng. Chỉ đạo và tổ chức tiêm phòng vụ thu; quản lý và kiểm tra thường xuyên các hộ kinh doanh con giống, các hộ buôn bán, thu gom; thực hiện kiểm dịch tận gốc; kiểm soát chặt chẽ các hộ, các cơ sở buôn bán, vận chuyển gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh, đồng thời hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi./.
Tuấn Anh