(Tiếp theo và hết)
II/ Còn đó những khó khăn…
Điểm tập kết rác thải cạnh trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, đường Phù Nghĩa (TP Nam Định). Ảnh: Thanh Thuỷ |
Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, từ hàng chục năm nay, UBND thành phố Nam Định đã giao cho UBND các phường, xã tự thực hiện việc lựa chọn, quy hoạch các điểm tập kết, thu gom và trung chuyển rác thải của phường. Vì vậy những điểm tập kết, trung chuyển rác thải hiện nay được hình thành trên cơ sở những bãi rác tự phát. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, xã hội của thành phố đã kéo theo sự gia tăng đáng kể về số lượng và chủng loại rác thải. Theo số liệu thống kê của Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định thì trung bình mỗi ngày, Cty thu gom 140-165 tấn rác thải, tăng 3-7% so với cùng kỳ năm 2009. Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 12 điểm tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số điểm đã trở nên quá tải, gây bức xúc trong nhân dân. Tại các kỳ họp HĐND thành phố, nhiều cử tri đã có ý kiến, nhiều người dân có đơn thư đề nghị UBND thành phố xem xét, giải quyết và di chuyển các điểm tập kết, trung chuyển rác không còn hợp lý. Tuy vậy, việc lựa chọn vị trí mới để di chuyển, tập kết rác thải bảo đảm hợp lý, với sự đồng thuận cao của người dân là không đơn giản. Thực hiện sự chỉ đạo của thành phố, Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định đã làm việc với UBND các phường có ý kiến đề nghị của người dân. Tại buổi làm việc giữa Cty với phường Trần Tế Xương ngày 1-7-2010, lãnh đạo 2 bên đã thống nhất quan điểm cho rằng: Đến thời điểm này, qua nghiên cứu khảo sát tình hình thực tiễn tại địa bàn phường ngoài điểm trung chuyển rác hiện đang sử dụng không còn địa điểm nào hợp lý hơn. Một số người dân của 2 phường Trần Tế Xương và Vỵ Xuyên đã đề xuất di chuyển điểm trung chuyển rác thải này tới khu vực cuối đường Trần Nhật Duật, giáp với đường Trần Nhân Tông. Địa điểm này tuy xa trường học song lại có nhiều bất cập, khó khăn hơn nên chưa thể thực hiện được. Vì vậy, UBND phường Trần Tế Xương vẫn phải chấp nhận giữ nguyên vị trí của điểm tập kết rác cũ. Theo điều tra của chúng tôi, hầu hết các điểm tập kết rác gây nhiều bức xúc hiện nay của thành phố đều nằm ở các phường trung tâm. Do vậy, UBND các phường đều không tìm được vị trí nào hợp lý để có thể di chuyển các điểm tập kết, trung chuyển rác thải ra xa khu dân cư vì không có quỹ đất. Các phường: Trần Hưng Đạo, Vỵ Xuyên, Trần Đăng Ninh… đều trong tình trạng khó thay đổi điểm tập kết rác thải hiện nay như phường Trần Tế Xương.
Theo đánh giá của Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định, những "điểm nóng" về tập kết, trung chuyển rác thải hiện nay của thành phố bao gồm các vị trí: Đường Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật - Vỵ Xuyên, ngã ba đường Hưng Yên - Mạc Thị Bưởi, Hùng Vương và ngã ba đường Phạm Ngũ Lão - Giải Phóng. Những điểm trung chuyển rác thải này tiếp giáp với nhiều khu dân cư, cơ quan công sở và những điểm vui chơi, giải trí… có nhiều người qua lại. Cùng với lượng rác thải thu gom được ngày một nhiều hơn thì một số người dân thiếu ý thức đã đổ bừa bãi rác thải, phế liệu xây dựng ra lòng đường, vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị và làm ô nhiễm môi trường tại khu vực này. Đồng chí Triệu Đức Kiểm, phó giám đốc Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định cho biết: Trong khi chờ đợi thành phố có hướng giải quyết cụ thể vấn đề này, Cty đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, CNV Cty nêu cao tinh thần trách nhiệm, thu gom, xử lý hiệu quả, không để rác thải lưu tại những điểm trung chuyển rác, ảnh hưởng đến môi trường và mỹ quan đô thị của thành phố. Cty đã xây dựng và triển khai kế hoạch thu gom, xử lý cụ thể, trong đó tập trung tăng cường số công nhân, số xe gom, xe vận chuyển rác thải xuống các điểm nóng. Rác thải được thu gom từ các khu, tổ dân phố sẽ được giữ nguyên trên xe gom. Khi xe gom rác về đến điểm tập kết sẽ xếp hàng đúng vị trí cẩu ngay lên xe thùng, sau đó vận chuyển ngay ra nhà máy xử rác thải của thành phố. Cty đặt mục tiêu kiên quyết không để xảy ra tình trạng rác trên xe gom lại tiếp tục đổ, xả thải xuống đường nhằm hạn chế gây bụi, mùi; đồng thời hạn chế tình trạng người dân lợi dụng để đổ rác, phế thải xây dựng. Sau khi cẩu hết rác, công nhân sẽ phải tổ chức quét dọn vị trí ga rác sạch sẽ ngay trong ngày, bảo đảm môi trường tại khu vực luôn sạch…
Mới đây, UBND thành phố đã có chỉ thị số 09 về việc xây dựng tuyến phố không có rác thải, nhằm khắc phục tình trạng đổ rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng, tập kết vật liệu xây dựng bừa bãi trên hè, đường phố. Theo đó, mỗi phường chọn 1 đường phố thường xuyên có tình trạng đổ rác ra hè, đường để thí điểm xây dựng tuyến đường phố không có rác thải và khảo sát điểm tập kết rác thải tự phát tại các nút giao thông, nhằm xóa bỏ những điểm tập kết rác thải tự phát. UBND thành phố giao UBND các phường, xã, Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định tổ chức họp với các tổ dân phố và các hộ dân được chọn làm thí điểm để thống nhất giờ thu gom; thành lập tổ tự quản của cộng đồng để vận chuyển và ký cam kết với từng hộ gia đình thực hiện không đổ rác, phế thải xây dựng ra hè, đường. Thực hiện sự chỉ đạo của thành phố, đến nay, tất cả các phường, xã đều đã lựa chọn xây dựng các tuyến đường phố không có rác thải. Nhiều phường như: Bà Triệu, Văn Miếu, Trần Tế Xương, Thống Nhất… đã xây dựng kế hoạch thực hiện thí điểm trên 3 tuyến đường. Theo đánh giá chung, các phường đều rất quyết tâm thông qua việc tổ chức thành lập các tổ tự quản; thực hiện tuyên truyền, vận động và nhắc nhở thường xuyên các hộ dân thực hiện đổ rác đúng nơi, đúng thời gian quy định, kiên quyết không đổ rác, phế thải ra hè, đường. Các tổ chức đoàn thể tuyên truyền vận động hội viên ký cam kết không vi phạm các quy định của phường về xả thải rác sinh hoạt. UBND thành phố yêu cầu Phòng Quản lý đô thị, Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định hướng dẫn và thống nhất kế hoạch triển khai thực hiện tới từng phường, xã. Đội quản lý trật tự đô thị thành phố tăng cường phối hợp với UBND các phường, xã kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự đô thị, đặc biệt là vi phạm về đổ rác thải, phế thải ra hè, đường. Phòng Nội vụ xây dựng quy chế chấm điểm, đánh giá thi đua hàng năm đối với UBND các phường, xã. Ủy ban MTTQ và Hội LHPN thành phố phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường của thành phố xanh, sạch, đẹp./.
Văn Đại và Thanh Thủy