Quản lý hiệu quả hoạt động khai thác khoáng sản

10:07, 16/07/2010

Theo số liệu tổng hợp của Sở Tài nguyên - Môi trường, trên địa bàn tỉnh ta có 29 điểm mỏ và 6 loại hình khoáng sản. Khoáng sản sa khoáng kim loại, gồm: Inmenit, Ziacon, Monazit... phân bố chủ yếu dọc theo bờ biển từ cửa Ba Lạt đến cửa Đáy. Các loại khoáng sản này có trữ lượng không lớn và nằm rải rác. Đất sét làm gốm sứ tập trung ở khu vực có đồi, núi thấp thuộc 2 huyện Ý Yên và Vụ Bản, trữ lượng không nhiều, chất lượng không cao. Đất sét làm gạch, ngói phân bố rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh, chủ yếu ở các bãi bồi ven sông Hồng, sông Đào và sông Ninh Cơ có trữ lượng lớn được bồi tích hàng năm. Nguồn cát sông làm vật liệu xây dựng tập trung chủ yếu ở các lòng sông và ven biển, trữ lượng lớn nhất là sông Hồng và sông Ninh Cơ. Ngoài ra còn có đá làm vật liệu xây dựng ở các núi đá thuộc huyện Ý Yên, Vụ Bản. Ở khu vực thuộc 2 huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu có lượng nước khoáng nóng, với trữ lượng lớn, đủ điều kiện để đầu tư khai thác theo quy mô công nghiệp.

Thực hiện Luật Khoáng sản đã được sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản, từ năm 1996 đến nay, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành chức năng chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức và cá nhân thi hành nghiêm Luật Khoáng sản và cụ thể hoá bằng các văn bản. UBND tỉnh đã có các chỉ thị, quyết định về tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Từ tháng 3-2006, UBND tỉnh đã giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường thực thi việc cấp, gia hạn giấy phép khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản thuộc địa bàn tỉnh. Hoạt động khai thác khoáng sản hiện nay trên địa bàn tỉnh ta chủ yếu là khai thác cát, phục vụ làm nguyên liệu xây dựng. Từ năm 1996 đến nay, tỉnh đã cấp 70 giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản. Từ tháng 10-2005 đến nay đã cấp 34 giấy phép cho các hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó có 13 giấy phép khai thác cát sông làm vật liệu xây dựng thông thường; 16 giấy phép khai thác đất sét làm gạch, ngói; 4 giấy phép khai thác cát sa khoáng và 1 giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường. Nhìn chung, các tổ chức, cá nhân được cấp phép đều chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 27 doanh nghiệp đang sản xuất gạch, ngói bằng công nghệ lò tuynel, 8 lò đứng; có trên 300 cơ sở tư nhân, HTX khai thác đất sét thủ công để làm gạch, ngói đất nung; có khoảng 20 tổ chức và hàng trăm cá nhân khai thác cát sông phục vụ xây dựng và san lấp mặt bằng; có 4 doanh nghiệp khai thác cát sa khoáng Titan ven biển và 1 doanh nghiệp khai thác đá làm vật liệu xây dựng. Công tác cấp giấy phép cho hoạt động khai thác khoáng sản chủ yếu mới cấp cho các tổ chức. Hiện nay vẫn còn nhiều hộ tư nhân và một số tổ chức có hoạt động khai thác khoáng sản (chủ yếu là khai thác đất sét làm gạch, ngói và khai thác cát sông làm vật liệu xây dựng thông thường) chưa thực hiện đăng ký các thủ tục xin cấp phép theo quy định. Trong hoạt động khai thác cát sông, do có đặc thù khai thác phân tán, nhỏ lẻ, địa bàn hoạt động rộng nên công tác quản lý và cấp phép nhất là đối với các hộ tư nhân còn gặp nhiều khó khăn.

Để thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản theo Luật Khoáng sản và làm tốt công tác cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản, tỉnh cần có quy định đầy đủ, cụ thể hơn về công tác quản lý, khai thác khoáng sản theo cơ chế quản lý và hệ thống pháp luật hiện hành; thực hiện phân cấp trách nhiệm quản lý, cấp giấy phép cho các tổ chức và cá nhân khai thác khoáng sản với quy mô nhỏ tới cấp huyện, cấp xã. Sớm quy hoạch việc khai thác, các vùng, vị trí và phương tiện khai thác, bảo đảm hợp lý, góp phần phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá không thể tái tạo của quê hương. Đồng thời các tổ chức, cá nhân khai thác phải đầu tư kinh phí điều tra, thăm dò chi tiết khu vực xin cấp phép khai thác. Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục bổ sung những quy định cụ thể đối với hoạt động khoáng sản, nhằm nâng cao năng lực của hệ thống quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản thì Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ tiến hành điều tra, đánh giá đầy đủ tình hình hoạt động khoáng sản ở các địa phương, vùng miền trong tỉnh; áp dụng các biện pháp cụ thể để yêu cầu các tổ chức và cá nhân phải lập thủ tục xin cấp giấy phép khai thác và nộp phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh./.

Phạm Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com