Nâng cao hiệu quả quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới vùng châu thổ sông Hồng

10:07, 16/07/2010

 

Đội Thanh niên tình nguyện phát tài liệu tuyên truyền bảo vệ môi trường biển tại xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng).
Đội Thanh niên tình nguyện phát tài liệu tuyên truyền bảo vệ môi trường biển tại xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng).

Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng là vùng bãi bồi đất ngập nước ven biển độc đáo của nước ta nói riêng và thế giới nói chung. Khu dự trữ này có 12 kiểu sinh cảnh chủ yếu, gồm: bãi bùn, bãi cát ngập triều, trảng cỏ, sậy, rừng ngập mặn cùng các cồn cát phi lao… Khu dự trữ hiện đang lưu giữ những giá trị sinh học đa dạng, với trên 200 loài chim, trong đó có gần 160 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước; nhiều loài chim được ghi trong sách đỏ thế giới như: Cò thìa, Mòng Bể mỏ ngắn, Rẽ mỏ thìa, Cò Lạo Ấn Độ, Cò trắng Trung Quốc… Bên cạnh đó, trong khu dự trữ còn có trên 100 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 30 loài thích ứng tốt với điều kiện ngập nước. Rừng ngập mặn cũng cung cấp nguồn lợi thuỷ sản phong phú với 500 loài động thực vật thuỷ sinh, nhiều loài có giá trị cao như: tôm, cua, vạng, sò, rau câu… Với những đặc trưng tiêu biểu trên, tháng 10-2008, Tổ chức Văn hoá - Giáo dục và Khoa học thế giới (UNESCO) đã chính thức trao giấy công nhận vùng đất ngập nước ven biển của 3 tỉnh: Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình là khu dự trữ sinh quyển thế giới vùng châu thổ sông Hồng. Đây là khu dự trữ sinh quyển liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Việc ghi nhận đó đã bước đầu tác động làm thay đổi nhận thức và cách thức tiếp cận quản lý của các cấp, các ngành và các địa phương nhằm nâng cao giá trị và phát huy những lợi thế của khu vực đất ngập nước lớn này. Chính vì thế, công tác quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới vùng châu thổ sông Hồng đã được 3 tỉnh quan tâm hơn, với việc quyết định thành lập Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển, có sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành hữu quan của 3 địa phương. Đồng thời có sự tham gia, cộng tác và tư vấn của các tổ chức: Uỷ ban Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam) và Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD). Ngoài ra, ban quản lý còn có ban điều phối với sự tham gia của lãnh đạo 5 huyện: Thái Thuỵ, Tiền Hải (Thái Bình); Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng (Nam Định); Kim Sơn (Ninh Bình) cùng ban thư ký điều hành các công việc cụ thể. Đây là sự nỗ lực lớn trong việc phối hợp điều hành các hoạt động trong khu dự trữ sinh quyển vùng châu thổ sông Hồng của 3 tỉnh. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới vùng châu thổ sông Hồng, ban quản lý khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng đã tìm hiểu nhu cầu của các bên liên quan, gồm: cơ quan quản lý, các nhà khoa học, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư các xã thuộc vùng đệm, khách du lịch… Trên cơ sở đó, ban quản lý xây dựng quy chế quản lý nhằm khai thác bền vững những lợi thế mà khu dự trữ sinh quyển thế giới vùng châu thổ sông Hồng mang lại. Khu dự trữ này có tổng diện tích hơn 137 nghìn ha. Trong đó, vùng lõi thuộc Vườn quốc gia Xuân Thuỷ và khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (Thái Bình). Việc phối hợp cùng khai thác nguồn lợi thuỷ hải sản, nguồn tài nguyên thiên nhiên, với nhiều kiểu sinh cảnh độc đáo của khu dự trữ đã và đang góp phần mang lại hiệu quả kinh tế quan trọng đối với người dân và các địa phương thuộc các xã vùng ven, vùng đệm của các tỉnh. Tuy nhiên, những hoạt động này cũng tạo ra "áp lực" lớn đến với việc bảo đảm môi trường của khu dự trữ sinh quyển. Việc khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản không nằm trong quy hoạch đã khiến môi trường nói chung và rừng ngập mặn của khu dự trữ bị xâm hại. Các hoạt động khai thác phát triển kinh tế, nghiên cứu và giải trí ở các vùng tiếp giáp vùng đệm đã ảnh hưởng đến việc bảo tồn vùng lõi. Đây là vùng rất quan trọng đối với các loài chim di cư từ vùng lõi cũng như các nơi khác tới kiếm ăn  và trú ngụ. Hiện nay, việc quản lý những vùng đệm do chính quyền các địa phương thực thi. Trên cơ sở lấy ý kiến của các bên liên quan, ban quản lý khu dự trữ sẽ có cơ chế quản lý cụ thể, thống nhất biện pháp thực thi, quy chế phối hợp giữa các cấp, các ngành và các địa phương. Trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư các xã vùng ven, vùng đệm. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện sử dụng hiệu quả danh hiệu, chỉ dẫn địa lý của khu dự trữ làm thương hiệu cho các sản phẩm truyền thống của địa phương; các sản phẩm khai thác, nuôi trồng thuỷ hải sản từ khu dự trữ. Quy định cụ thể kích cỡ phương tiện khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản trong từng vùng, từng khu vực, đồng thời thực hiện tốt việc quy hoạch vùng, khu vực nuôi thuỷ hải sản trong khu dự trữ. Tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông ở khu vực vùng đệm và chủ động phối hợp với các khu dự trữ sinh quyển khác để phát triển du lịch sinh thái, phù hợp theo hướng bền vững, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho cộng đồng. Thời gian tới, ban quản lý khu dự trữ sẽ chỉ đạo các ban, ngành, chính quyền các địa phương hữu quan của 3 tỉnh tiếp tục tập trung vào công tác bảo tồn, giữ gìn khu dự trữ. Ban quản lý sẽ tích cực phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Thực hiện áp dụng các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân vùng đệm, bằng việc xây dựng các mô hình chăn nuôi bền vững, thân thiện với môi trường. Hướng các hoạt động khai thác, nuôi trồng thuỷ hải sản và nguồn tài nguyên thiên nhiên của người dân theo hướng phát triển bền vững. Các tỉnh sẽ quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng mới hệ thống đường giao thông trong khu vực vùng đệm và nhất là khu vực Vườn quốc gia Xuân Thuỷ, khu dự trữ thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Đồng thời tiếp tục tập trung kêu gọi các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ và đầu tư vào khu dự trữ./.

Bài và ảnh: Phạm Khôi Nguyên



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com