Giúp nông dân nuôi trồng thuỷ sản an toàn thực phẩm và hiệu quả

09:07, 16/07/2010

Anh Bùi Văn Thụy, xóm Tây Bình, xã Hải Triều (Hải Hậu) có 2 ha ao đầm vùng chuyển đổi nuôi thuỷ sản, mỗi năm thu lãi từ 50-100 triệu đồng.  Ảnh: Dương Đức
Anh Bùi Văn Thụy, xóm Tây Bình, xã Hải Triều (Hải Hậu) có 2 ha ao đầm vùng chuyển đổi nuôi thuỷ sản, mỗi năm thu lãi từ 50-100 triệu đồng.             Ảnh: Dương Đức
Trong những năm qua, nuôi trồng thủy sản ở tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn do sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ, chưa tạo được vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nhỏ, thấp so với nhu cầu của công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng tốt yêu cầu của sản xuất, ô nhiễm môi trường có chiều hướng tăng. Bên cạnh đó, các hộ nuôi trồng thủy sản ít có điều kiện và khả năng tiếp cận với thị trường do thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật và tài liệu ứng dụng thực tế. Dự án "Đào tạo nâng cao năng lực cho nông dân nuôi trồng thuỷ sản đạt hiệu quả và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm" do Tổ chức quốc tế Agriterra (Hà Lan) tài trợ được Hội Nông dân (HND) tỉnh triển khai vào tháng 7-2009 bước đầu giúp hội viên nông dân có cái nhìn mới về nuôi trồng thủy sản.

Dự án được triển khai tại 9 xã ven biển của 3 huyện gồm các xã Hải Đông, Hải Châu, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), thị trấn Rạng Đông, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng), các xã Giao Thiện, Giao Long, Giao Hải và Bạch Long (Giao Thủy). Đây là vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của tỉnh với nhiều mô hình gia trại, trang trại. Mục tiêu của dự án là nâng cao nhận thức, hiểu biết về nuôi trồng thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ HND cơ sở và người dân. Đến nay, HND tỉnh đã tổ chức 40 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho trên 1200 cán bộ, hội viên nông dân; 3 lớp về "Nâng cao năng lực lập kế hoạch kinh doanh quản lý, sản xuất tiếp thị" cho 150 người là những hộ kinh doanh, chế biến thủy sản cho các xã kể trên. Ngoài ra, Ban điều hành dự án đã phát trên 14 ngàn tờ rơi; 150 cuốn sách "Các cam kết gia nhập tổ chức thương mại thế giới của Việt Nam"; các tài liệu tuyên truyền về vấn đề môi trường trong nông thôn và trong nuôi trồng thủy sản. Cùng với công tác tuyên truyền là việc thực nghiệm, tham quan các mô hình trang trại nuôi trồng thủy sản. Qua đó, tổ chức cho các hộ nuôi trồng thủy sản tham gia dự án có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, trao đổi phương pháp chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Ông Nguyễn Văn Hoạch, một hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Bạch Long (Giao Thủy) cho biết: "Hiện nay, gia đình tôi nuôi 3 ha tôm sú. Cứ nghĩ là nuôi tôm thì chỉ cần có kiến thức về nuôi, thu hoạch và tiêu thụ, làm giàu cho bản thân mình. Nhưng qua tập huấn, tham gia vào dự án mới thấy nuôi trồng thủy sản cần có tính cộng đồng cao". Dự án "Đào tạo nâng cao năng lực cho nông dân nuôi trồng thuỷ sản đạt hiệu quả và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm" đã bước qua giai đoạn I. Qua đánh giá của Ban điều hành dự án và thực tế cho thấy, dự án chú trọng tới sự tham gia của cộng đồng. Trong quá trình xây dựng và triển khai, dự án đã khai thác kiến thức, kinh nghiệm và tập quán của nhân dân địa phương và tham khảo ý kiến các nhu cầu bức xúc nhất và giải pháp để xây dựng mô hình.

Để phát huy vai trò và trách nhiệm của cộng đồng tham gia làm chủ dự án và tiếp thu những thành quả của dự án, trong quá trình thực hiện, theo dõi, đánh giá…, dự án sẽ tiến hành một số hoạt động như: Phổ biến các thông tin về dự án cho cộng đồng, có đại diện của hội viên nông dân tham gia các hội nghị triển khai, kiểm điểm, kết thúc dự án, từ đó, tạo điều kiện cho hội viên nông dân tham gia giám sát, theo dõi, đánh giá hiệu quả của dự án. Đối tượng chính được hưởng lợi của dự án là đông đảo hội viên nông dân trong tỉnh. Hội viên nông dân được nâng cao nhận thức và hiểu biết về lợi ích của quy trình nuôi trồng thuỷ sản đạt hiệu quả, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá trị trong việc bảo vệ tài nguyên môi trường, sức khoẻ cộng đồng. Bên cạnh đó, hội viên có cơ hội nâng cao kiến thức, kỹ năng trong việc phát huy các nguồn lực của địa phương vào phát triển kinh tế bền vững trong các hộ gia đình. Chính quyền địa phương, Hội Nông dân và các tổ chức quần chúng của tỉnh, huyện, xã có cơ hội nâng cao kiến thức và tiếp thu được kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng quản lý dự án và thiết lập mối quan hệ công tác với các ban, ngành chức năng có liên quan của Trung ương và địa phương. Trong giai đoạn tiếp theo, HND tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền tại các chi Hội Nông dân tham gia dự án về các văn bản, các vấn đề liên quan đến kỹ thuật nuôi trồng thủy sản; xây dựng các chuyên mục, chuyên trang trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, cơ sở về tình hình nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Tổ chức tập huấn cho chi hội trưởng và một số hộ tiêu biểu trong chế biến kinh doanh nuôi trồng thủy sản./.

Hoàng Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com