Làng nghề tái chế nhôm Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực) có 465 hộ với hơn 1.800 nhân khẩu, trong đó có 127 hộ tham gia sản xuất nhôm và 140 hộ cán kéo tạo hình. Hoạt động sản xuất của làng nghề đã tạo nhiều việc làm cho lực lượng lao động nông thôn với doanh thu hàng năm của làng nghề trên 30 tỷ đồng. Năm 2007, xã Nam Thanh đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng bãi chôn lấp và xử lý chất thải rắn từ nguồn vốn ngân sách về môi trường của tỉnh với địa điểm xây dựng thuộc cánh đồng lúa thôn Bình Yên. Tuy nhiên, do việc phát triển của làng nghề mang tính tự phát, công nghệ lạc hậu, thiết bị thiếu đồng bộ, kèm theo ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn nhiều hạn chế, nên đến nay, sự ô nhiễm môi trường nơi đây đang ở mức báo động.
Ảnh minh hoạ. |
Tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất của làng nghề Bình Yên là rất đáng báo động. Do quy trình công nghệ sản xuất chủ yếu thủ công, lạc hậu nên khả năng sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn hoá chất là rất thấp không được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất, nhà xưởng tạm bợ, diện tích dành cho sản xuất thường được các hộ tận dụng tối đa như buồng, bếp, sân, vườn, nhưng vẫn chật hẹp diện tích trung bình khoảng 70m2/hộ.
Để hoạt động sản xuất của làng nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, không gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới môi trường và con người, trước mắt cũng như lâu dài, cần có sự hợp tác giữa cơ quan quản lý các cấp và các hộ làng nghề về công tác quy hoạch phát triển sản xuất cũng như vấn đề bảo vệ môi trường. Đối với các hộ có nước thải do sản xuất, nhất là nước thải có chứa nhiều hóa chất và kim loại nặng cần phải tách riêng để thu gom xử lý ngay tại hộ gia đình trước khi cho thoát ra cống rãnh của làng nghề. Đối với các hộ sản xuất phát sinh nhiều khí thải cần xây dựng, lắp đặt hệ thống thu gom, xử lý chất thải khí tại nguồn phát sinh khí. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường cho người dân nhằm bảo vệ chính bản thân họ và gia đình khỏi những tác động do ô nhiễm môi trường. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, giáo dục qua các trường học, có những buổi tập huấn về môi trường. Xây dựng hoàn thiện hệ thống cống rãnh thu gom nước thải. Tổ chức thu gom rác thải rắn vào khu tập trung và có biện pháp xử lý triệt để. Về lâu dài, cần có kế hoạch xây dựng hoặc gom các hộ sản xuất trong làng nghề vào khu sản xuất tập trung, tách riêng làng nghề và nơi sinh hoạt, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho khu dân cư./.
Vũ Hoàng